Cá nướng bản Pác Ngòi; Ốc đá xào sả; Bánh giầy lá ngải... là 3 món ngon nhất định phải thưởng thức khi tới hồ Ba Bể.
Cá nướng bản Pác Ngòi
Bản Pác Ngòi thuộc xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) nằm bên hồ Ba Bể, là nơi đồng bào dân tộc Tày tập trung sinh sống. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều món ăn độc đáo, một trong số đó là món cá nướng.
Được đánh bắt từ lòng hồ Ba Bể nên món cá nướng ở bản Pác Ngòi mang hương vị riêng có. Loại cá được dùng chủ yếu là cá mương có kích thước chỉ nhỉnh hơn hai đầu ngón tay. Sau khi lựa chọn những con cá ngon nhất, người ta moi ruột, làm sạch rồi đồ trong chõ cho chín vừa tới. Tiếp đó, người ta kẹp cá vào nẹp tre, mỗi kẹp khoảng 4 - 6 con rồi phơi vài lần nắng cho thịt cá khô và chắc lại. Công đoạn tiếp theo là tẩm ướp các gia vị như muối, nghệ, hạt tiêu rừng, ớt... cho đến khi ngấm đều vào cá thì mang nướng trên than hoa. Khi thưởng thức, du khách chấm cá cùng với nước mắm ớt hoặc muối trộn mắc khén và cảm nhận mùi thơm của các loại gia vị cùng vị ngọt tự nhiên từ cá.
Ốc đá xào sả
Ốc đá là một trong những đặc sản của dãy núi bao bọc hồ Ba Bể. Thịt ốc đá ở đây có vị ngon khác biệt, giòn và thơm hơn so với các loại ốc khác.
Để chế biến thành món ốc xào sả thơm ngon, người ta phải ngâm cho sạch rồi luộc, tách lấy thịt, phi thơm hành, tỏi và xào cùng sả, gừng để khử vị lạnh của ốc. Khi thịt ốc săn lại, người ta rắc thêm chút lá chanh thái nhỏ khiến ốc càng dậy mùi thơm. Món này thường được ăn cùng cơm nóng hoặc nhâm nhi cùng chén rượu ngô trong những ngày se lạnh, tạo nên hương vị độc đáo, khó quên.
Bánh giầy lá ngải
Bánh giầy lá ngải (hay bánh ngải) là một trong nhiều món bánh dân dã độc đáo của người Tày ở vùng hồ Ba Bể. Cách làm bánh giầy lá ngải của người Tày tương tự như bánh giầy của người Kinh, nhưng khác một chút về nguyên liệu và màu sắc, hình dạng bánh. Không chỉ được làm từ gạo nếp đồ thành xôi như bánh của người Kinh, bánh giầy lá ngải còn được nhuộm bằng lá ngải cho màu xanh thẫm vô cùng bắt mắt. Song song với đó, người ta làm nhân bánh gồm vừng đen rang chín, giã nhỏ trộn với mật được làm từ đường phên và nặn thành hình tròn nhỏ. Khi xôi nếp nương đồ vừa chín, người ta cho vào cối giã nhuyễn cùng lá ngải đã làm sạch, rồi múc ra mâm để nặn bánh. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được vị thanh mát, thơm nhẹ và hơi hăng của lá ngải, vị ngọt, dẻo của nếp và đường phên...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.