(HNMO) - Ngày 8-4, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2022.
Bà Lê Thị Đức Hạnh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Ban Giám đốc Chi nhánh, lãnh đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ và giám đốc 28 phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện.
Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết thông tin: Tính đến hết quý I-2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh đạt 11.999 tỷ đồng, tăng 175 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 5.941 tỷ đồng, tăng 579 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn chi nhánh đã tập trung thu nợ đến hạn, cho vay quay vòng và vốn được bổ sung mới. Doanh số cho vay 3 tháng đầu năm đạt 1.352 tỷ đồng với gần 28,4 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 1.179 tỷ đồng, chiếm 87% doanh số cho vay. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng đến ngày 31-3-2022 đạt 11.957 tỷ đồng, tăng 170 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn NHCSXH đã cho vay được trên 28 nghìn lượt hộ, trong đó, tập trung chủ yếu ở cho vay giải quyết việc làm (trên 19 nghìn lượt khách hàng), góp phần thu hút trên 21 nghìn lao động; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (trên 8.800 lượt hộ), hỗ trợ cải tạo và xây mới trên 17.600 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; cho vay 481 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; cho vay 105 lượt người sử dụng lao động để trả lương, phục hồi sản xuất cho 38.905 lượt người lao động...
Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc NHCSXH Chi nhánh thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh thông tin, trong quý II-2022, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội sẽ phát động tới toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tiếp tục tham mưu UBND các cấp bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng dịch Covid-19; bám sát kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Hà Nội và Kế hoạch giảm nghèo của thành phố năm 2022 để làm cơ sở chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc ưu tiên bình xét cho vay, đáp ứng nhu cầu đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.