(HNMO) - Trước tình trạng số lượng ca mắc và bệnh nhân Covid-19 gia tăng trong thời gian gần đây, ngày 19-8, Tổ chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 đã có cuộc họp trực tuyến từ Bộ Y tế đến các điểm cầu điều trị trên cả nước. Qua báo cáo của các bệnh viện tại cuộc họp, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng và tử vong chưa tiêm vắc xin chiếm tới 25%.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 8 đến 14-8 có hơn 13.800 ca, trung bình gần 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Tuy nhiên, từ 16-8 đến nay, Việt Nam ghi nhận tới xấp xỉ 3.000 ca/ngày.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong một tháng qua, đã có hơn 45.000 ca mắc mới được báo cáo, ghi nhận trong nước. Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã chỉ đạo các cơ sở sàng lọc, phân luồng và thu dung điều trị, các khoa lâm sàng, khoa truyền nhiễm tiếp nhận các ca nghi nhiễm và không tổ chức bệnh viện dã chiến. Các bệnh nhân Covid-19 nặng hiện chủ yếu điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch kích hoạt lại bệnh viện dã chiến.
Báo cáo tại các bệnh viện cũng cho thấy, có sự biến động của số ca Covid-19 trong thời gian gần đây. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, gần 50% bệnh nhân nhập viện là người trên 65 tuổi, 3 ca tử vong. Hiện các bác sĩ bệnh viện này đang điều trị cho 123 ca bệnh, trong đó 26 ca thở máy, 1 ca ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo)…
Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), từ nửa cuối tháng 7-2022 đến nay, số ca Covid-19 tăng nhanh. 19/32 ca bệnh điều trị tại đây được xếp ở mức độ nặng và nguy kịch, có 6 bệnh nhân tử vong. Tại Bệnh viện trung ương Huế có tổng số 30 ca đang điều trị, trong 6 ca nặng, có 5 ca nguy kịch phải thở máy.
Tại Bệnh viện điều trị cho người bệnh Covid-19 Hoàng Mai (Hà Nội), nếu một tháng trước chỉ xấp xỉ 20 bệnh nhân nội trú thì đến trung tuần tháng 8-2022 lại tăng lên gấp đôi. Số bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng tăng.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Hội đồng chuyên môn cần tập huấn cập nhật chuyên môn, theo dõi, xử trí các ca chuyển nặng, hạn chế bệnh nhân tử vong do cán bộ biến động, luân chuyển.
“Qua báo cáo của các bệnh viện tại cuộc họp, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng và tử vong chưa tiêm vắc xin chiếm tới 25%”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý.
Riêng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, báo cáo cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tử vong không tiêm vắc xin là 50%. Tương tự, gần 1/3 ca nặng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng chưa tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Từ thực tế trên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định, đây là tín hiệu báo động với cộng đồng. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần rà soát, lập danh sách quản lý, theo dõi và tiêm vắc xin cho người cao tuổi, mắc bệnh nền đúng thời gian để đảm bảo hiệu lực của vắc xin.
Trong bối cảnh Việt Nam đang lưu hành các biến chủng mới, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị, các bệnh viện phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur… theo dõi chặt chẽ nhóm bệnh nhân nặng, tử vong.
“Chúng ta có thể giải trình tự gene với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, tử vong để đánh giá, theo dõi biến thể vi rút trong tình hình mới”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Hiện tại, Bộ Y tế chưa yêu cầu các địa phương thành lập bệnh viện dã chiến, mô hình bệnh viện tách đôi vẫn phù hợp. Bộ Y tế cũng sẵn sàng điều chuyển từ kho dự trữ các thuốc điều trị cho các đơn vị, địa phương khi có đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.