Nhiều yếu tố, hoàn cảnh khách quan và chủ quan diễn ra trong năm 2023 đã tác động sâu sắc, liên tục đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Từ đó, đặt ra yêu cầu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả từ khởi nghiệp đến kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2024...
Tăng tiến qua từng quý
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình thế giới năm 2023 có nhiều biến động nhanh, phức tạp cả về kinh tế, chính trị, xã hội. Thực tế đó ảnh hướng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các xu thế mới, điều kiện, tiêu chuẩn trong sản xuất kinh doanh tiếp tục thay đổi nhanh như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu về chuyển đổi số, phát triển xanh, thuế tối thiểu toàn cầu… đã làm thay đổi bức tranh chung của doanh nghiệp.
Tuy vậy, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục có sự phục hồi khá đều qua các quý. Theo đó, quý I-2023 tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng các quý tiếp theo, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã có đà phục hồi ấn tượng, luôn ở mức trên 40 nghìn doanh nghiệp/quý. Đây là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay.
Đặc biệt, quý IV-2023 có 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022.
Tính chung, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 là 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với năm 2022 - lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, số quay trở lại hoạt động năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt tới 217.706 đơn vị, tăng 4,5% so với năm 2022.
Song, kết quả trên chỉ gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua trong khi tỷ lệ này thường đạt khoảng 1,6 lần trong các năm trước. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hay giải thể trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm, tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng).
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), phải thẳng thắn nhìn nhận các doanh nghiệp hiện nay gặp không ít khó khăn, vướng mắc như nhận định, thể hiện qua cả số lượng mới đăng ký thành lập và hiệu quả kinh doanh. Sức cạnh tranh, khả năng chống chịu đang giảm sút đáng kể...
Vững bước vào năm 2024
Theo nhận định chung của các tổ chức, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường, bên cạnh áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh.
Trong nước, dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, là những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài trong thời gian qua.
Trong bối cảnh đó, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo tổng số doanh nghiệp thành lập mới năm 2024 tăng 2% so với năm 2023, đạt khoảng 162,5 nghìn doanh nghiệp.
Ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 dự kiến vẫn tăng so với năm 2023, mức tăng khoảng 3,5% so với năm trước - tương đương hơn 178 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, phù hợp. Đó là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý. Chủ động các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia cũng gợi ý cần khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng, chú trọng huy động và giải ngân các nguồn đầu tư gồm đầu tư công, đầu tư nước ngoài và dân doanh. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp kết hợp kích cầu, hỗ trợ tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Trong đó lưu ý tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại và khởi nghiệp sáng tạo.
Sẵn sàng hỗ trợ việc phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn và công nghiệp phụ trợ. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dịch vụ, nhất là du lịch, logistics phát triển...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.