(HNM) - Hôm nay (11-9), tròn 20 năm từ ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào các địa điểm mang tính biểu tượng của nước Mỹ, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người. Sự kiện ngày 11-9-2001 đã làm thay đổi cơ bản an ninh quốc gia Mỹ, dẫn đến nhiều thay đổi trong cuộc sống của người dân và định hình lại việc cảnh giác, đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố.
Trong một cuộc thăm dò của tờ USA Today, 60% số người tham gia khảo sát cho rằng sự kiện 11-9-2001 đã làm thay đổi cuộc sống của người dân nước Mỹ. Từ việc tăng cường an ninh tại các sân bay, quân sự hóa trị an cho đến những cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố kéo dài nhiều năm đã được Mỹ và thế giới định hình lại bởi sự kiện 11-9.
Kỷ nguyên mới của du lịch hàng không chính thức bắt đầu vào ngày 19-11-2001, khi Tổng thống lúc bấy giờ là George W.Bush ký Đạo luật An ninh Hàng không và Vận tải. Luật này đã tạo ra cơ quan Quản lý An ninh giao thông vận tải (TSA), liên kết hóa hệ thống an ninh sân bay. Với ngân sách khổng lồ lên tới 8 tỷ USD, TSA được xây dựng với mục đích tăng cường an ninh cho ngành Hàng không. Trước sự kiện 11-9, không chỉ TSA không tồn tại mà bộ phận an ninh sân bay hoạt động rất mờ nhạt. Chỉ ít thời gian sau đó, an ninh sân bay được thắt chặt tối đa với việc lắp đặt thiết bị giám sát để phát hiện chất nổ trong hành lý, đồng thời trang bị vũ khí cho phi công trong buồng lái. Đối với hành khách đi máy bay, các yêu cầu bắt buộc như: Tháo giày khi kiểm tra an ninh và giới hạn bay đối với hành khách mang chất lỏng được thực hiện gắt gao.
Chỉ 45 ngày sau vụ tấn công ngày 11-9, Đạo luật Yêu nước cũng đã được ký thành luật với mục đích thắt chặt an ninh quốc gia Mỹ. Theo đó, đạo luật mở rộng phạm vi giám sát của cơ quan thực thi pháp luật, trong đó có việc cho phép nghe trộm các đường dây điện thoại quốc tế và trong nước.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống George W.Bush, Mỹ đã chính thức phát động "cuộc chiến chống khủng bố", bắt đầu ở Afghanistan, nơi được xem là sào huyệt của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Trong 20 năm qua, trên phạm vi toàn cầu, Mỹ đi đầu và giữ vai trò dẫn dắt liên minh chống chủ nghĩa khủng bố, nổi bật là cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Với các hoạt động quân sự không ngừng được gia tăng về mức độ và quy mô, Mỹ đã có nhiều đóng góp nhằm ngăn chặn đà lớn mạnh của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới.
Tuy nhiên, mối đe dọa từ các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ vẫn hiện hữu. Các chuyên gia cho rằng, các tổ chức khủng bố thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ có thể đã bị suy yếu hoặc tan rã nhưng nhóm có tư tưởng cực đoan vẫn còn và đang lan rộng đến các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Đông và châu Á. Như vậy, mục tiêu đánh bại hoàn toàn lực lượng khủng bố của các cường quốc vẫn chưa thành hiện thực. Cuộc chiến ở Iraq kéo dài 8 năm và cuộc chiến ở Afghanistan trải qua tới 4 đời tổng thống Mỹ đã kết thúc vào cuối tháng 8-2021 với sự rút lui của quân đội Mỹ. Năm 2001, Taliban vốn chiếm quyền kiểm soát Afghanistan và là nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda. Sau 20 năm, Taliban đã trở lại nắm quyền làm dấy lên mối lo ngại quốc gia Tây Nam Á này một lần nữa trở thành căn cứ của các tổ chức khủng bố.
Có thể thấy, sau 20 năm xảy ra sự kiện ngày 11-9, ký ức đau thương và kinh hoàng của người dân nước Mỹ vẫn chưa hề nguôi ngoai. Mỹ đã góp phần ngăn chặn đà lớn mạnh của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới, giữ cuộc sống an toàn hơn cho người dân, nhưng vẫn còn những mục tiêu dang dở. Và không chỉ nước Mỹ, mà cả thế giới vẫn cần phải cảnh giác trước mọi âm mưu khủng bố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.