(HNMO) - Ngày 21-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tọa đàm về mô hình sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty nông, lâm nghiệp có vốn nhà nước. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; các công ty nông, lâm nghiệp; các chuyên gia kinh tế.
Theo Bộ NN&PTNT, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án tổng thể đối với 256 công ty nông, lâm nghiệp theo 6 mô hình sắp xếp.
Đến nay, 160 công ty hoàn thành sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Những công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, sản xuất - kinh doanh dần ổn định. Với mô hình cổ phần hóa, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều tăng so với trước chuyển đổi.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, một số địa phương chưa quan tâm, chưa nghiêm túc thực hiện việc sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; việc thực hiện phương án sắp xếp chậm hoặc chưa sát thực tế, chưa đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng hình thức sắp xếp đổi mới...
Trao đổi tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, để hoàn thành sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ, rất cần nghiên cứu thêm hình thức phá sản đối với các công ty chờ giải thể.
Đối với cổ phần hóa, cần tính toán rõ trường hợp nào Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối, trường hợp nào bán hết cho thành phần kinh tế khác, trường hợp nào Nhà nước giữ quyền phủ quyết với tỷ lệ nắm giữ 36% cổ phần. Chính phủ sẽ để thẩm quyền này cho địa phương, đơn vị quyết định xử lý các vấn đề sau cổ phần hóa và đề nghị các địa phương cần có ý kiến cụ thể.
Đối với việc hướng dẫn chuyển công ty nông, lâm nghiệp thành công ty TNHH 2 thành viên, từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Đây là vấn đề phức tạp, các bộ, ngành, địa phương cần góp ý về điều kiện, hình thức chuyển đổi, nguyên tắc, quy trình chuyển đổi... nhằm sớm ban hành nghị định để các địa phương triển khai. Mục tiêu đến năm 2020, cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp.
"Tuy nhiên, việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chỉ là giai đoạn đầu; việc đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty này mới là điều quan trọng" - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.