(HNM) -
Một bộ phim lột tả một cách chân thực và sâu sắc về chế độ nô lệ hà khắc - trang đen tối trong lịch sử nước Mỹ đã được các nhà phê bình Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ vinh danh và công chúng đón nhận. Để cùng bạn đọc tìm hiểu thêm về bộ phim này cũng như giải Oscar năm nay, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với nhà sưu tập phim Lưu Nghiệp Quỳnh, người tham gia nhiều hoạt động giới thiệu các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng thế giới cho hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.
- Thưa nhà sưu tập phim Lưu Nghiệp Quỳnh, "12 Years a Slave" - một bộ phim về chế độ nô lệ hà khắc trong lịch sử nước Mỹ vừa trở thành Phim hay nhất của Oscar lần thứ 86. Một đề tài không mới nhưng hẳn là phải có lý do gì để thuyết phục các nhà phê bình điện ảnh Mỹ?
- Đúng là "12 Years a Slave" đề cập tới một câu chuyện không mới - đó là chế độ nô lệ tồn tại suốt hai thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến XIX ở nước Mỹ, nhưng nó lại chạm tới một vấn đề nhân bản toàn cầu: Là quyền được sống, quyền được tự do và hạnh phúc của con người, không phân biệt chủng tộc nào. Tôi cũng cho rằng, việc làm phim về đề tài này vào thời điểm hiện nay là hành động dũng cảm khi bộ phim dám nhìn thẳng vào một trong những trang đau buồn nhất trong lịch sử nước Mỹ; đồng thời phim cũng dám nói lại một câu chuyện đã từng được đề cập và đề cập thành công trong lịch sử điện ảnh Mỹ trước đó. Thông qua đây, cũng có thể thấy rõ bức tranh tương phản với những đổi thay đáng ghi nhận ở một đất nước có lịch sử hình thành chỉ hơn 300 năm. Bởi lẽ chúng ta biết, ở nhiều nơi trên thế giới hiện vẫn còn tình trạng phân biệt chủng tộc, nhiều khi rất lặng lẽ, vô hình và rất đau xót. Sự đấu tranh không khoan nhượng nhằm đạt tới kết quả như ngày nay khi người da đen được bình đẳng như những chủng tộc khác là một nỗ lực thấm máu và nước mắt của lịch sử nước Mỹ.
Có thể nói, bằng việc dũng cảm chạm tới một đề tài nhạy cảm cộng với diễn xuất chân thực, xúc động của dàn diễn viên và nhìn trên mặt bằng chung của phim dự Oscar năm nay thì "12 Years a Slave" là một chiến thắng thuyết phục.
"12 years a slave" được dàn dựng dựa trên cuốn hồi ký cùng tên xuất bản năm 1853 của nghệ sĩ vĩ cầm da đen Solomon Northup - người bị bắt cóc làm nô lệ và trải qua 12 năm lưu lạc. Phim đã chuyển tải được tinh thần của Solomon: Đau khổ, thất vọng nhưng rồi không ngừng hy vọng và đấu tranh cho khát vọng "Tôi không muốn chỉ tồn tại mà tôi muốn sống!". Ngoài giải cho Phim hay nhất, "12 years a slave" còn giành thêm giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể hay nhất. |
- Với việc giành giải Phim hay nhất, "12 Years a Slave" khiến người xem không thể không liên tưởng tới một chủ đề có tính xuyên suốt và hình như vẫn không thôi ám ảnh các nhà làm phim Mỹ thời gian qua?
- Chúng ta từng biết tới khá nhiều bộ phim Mỹ đề cập tới câu chuyện đau xót này như "Ảo ảnh cuộc đời", "Cái xích", "Cuốn theo chiều gió" và gần đây nhất là hai đề cử của Oscar năm 2013 "Lincoln" và "Django Unchained". Trong đó, ở phim "Lincoln" nhân vật Tổng thống Lincoln bằng việc đấu tranh đi đến một đạo luật bãi bỏ chế độ nô lệ đã giúp nước Mỹ bước sang một trang mới, nhưng đồng thời cũng lại khiến ông phải trả giá bằng chính tính mạng mình. Solomon Northup (nghệ sĩ vĩ cầm bị bắt cóc làm nô lệ) - nhân vật chính trong "12 years a slave" sau khi thoát khỏi 12 năm khổ cực đã trở thành người tích cực tuyên truyền, đấu tranh chống lại sự hà khắc của chế độ này, giúp đỡ những người nô lệ trốn chạy. Và cuối cùng người ta cũng không rõ ông mất ở đâu và khi nào. Rõ ràng đây đã và sẽ còn là một đề tài đầy ám ảnh.
- So với các phim cùng đề tài này, có vẻ như "12 Years a Slave" khá tiết kiệm những đại cảnh và đây có phải là hạn chế của phim?
- Dễ thấy đây là một bộ phim thực hiện trong điều kiện kinh tế được thắt chặt hơn. Bối cảnh chính hầu như chỉ tập trung vào những biệt thự, cánh đồng… của các chủ nô lệ mà không có các đại cảnh như một số phim khác. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải nằm ở chỗ đại cảnh hay không mà là ở việc có vẻ như phim thiếu đi những phản ánh có tính bao quát bối cảnh xã hội Mỹ thể hiện qua suốt 12 năm thăng trầm, đau khổ của Solomon Northup khi bị bán qua tay những kẻ buôn nô lệ, các chủ nô nhiều vùng.
- Theo ông, qua bộ phim này, những người làm phim chúng ta có thể học được điều gì?
- Rõ ràng nhìn vào bối cảnh phim chỉ tập trung trong biệt thự, ngoài cánh đồng, bến cảng, dòng sông…, không có các đại cảnh với lượng diễn viên quần chúng lớn, có thể thấy chi phí làm phim không phải quá nhiều. Bên cạnh đó, dàn diễn viên cũng không phải "sao", trừ Brad Pitt chỉ xuất hiện rất ít trong phần cuối. Thậm chí vai nữ nô lệ trẻ Patsey cũng là vai đầu của diễn viên Lupita Nyong'O. Như vậy không nhiều kỹ xảo, kinh phí không lớn, diễn viên chính không phải siêu sao…, nhưng các nhà làm phim vẫn có thể tạo nên một tác phẩm chất lượng, xúc động. Đây có lẽ cũng là một lời động viên và bài học cho người làm phim chúng ta.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.