(HNM) - Các quy định trong Luật Thủy sản vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo; tàu thuyền đóng mới quá nhiều nhưng chủ yếu tàu nhỏ, khai thác không hiệu quả...
Tuy vậy, các quy định trong luật vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo; tàu thuyền đóng mới quá nhiều nhưng chủ yếu tàu nhỏ, khai thác không hiệu quả... Nhiều quy định trong luật không còn phù hợp, cần sửa đổi bổ sung để ngành Thủy sản phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Đây là những nội dung được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 12 năm thi hành Luật Thủy sản diễn ra ngày 11-12, tại Hà Nội.
Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt hải sản. |
Chưa sát thực tế
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, Luật Thủy sản đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển của ngành, hiện tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,25 triệu tấn với trên 900 loài thuộc 462 giống, trong đó cá nổi nhỏ chiếm 62,4%, cá nổi lớn chiếm 24,3%; cả nước hiện có 117.000 tàu cá… Tuy nhiên, việc thực thi Luật Thủy sản còn nhiều bất cập như: Việc đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản, định kỳ điều tra trữ lượng chưa thường xuyên nên số liệu chưa đủ tin cậy. Tình trạng ngư dân khai thác các loài cấm khiến nhiều loài thủy sinh quý hiếm như san hô, cá heo, rùa biển... đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nguyên nhân là nhận thức của ngư dân còn hạn chế, kinh tế khó khăn, trong khi lực lượng kiểm tra, kiểm soát mỏng... Quy định về khu bảo tồn biển, vùng nước nội địa có sự mâu thuẫn, chồng chéo. Các quy định quản lý về khai thác thủy sản phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng chưa phù hợp với hiện trạng nghề cá quy mô nhỏ của Việt Nam. Định hướng thị trường tiêu thụ chưa sát với thực tế, việc quản lý thực hiện quy hoạch lỏng lẻo dẫn đến phát sinh một số vùng nuôi tự phát ở các địa phương.
Theo ông Nguyễn Tử Cương, Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, nhiều quy định trong luật không phù hợp với thực tế, chẳng hạn: Theo quy định, việc cấp phép tàu mới chỉ áp dụng cho những loại tàu hoạt động khai thác thủy sản nhưng trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền vẫn cấp Giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu chuyên hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong nuôi trồng thủy sản, luật quy định thời gian tối đa để giao, cho thuê mặt nước biển là 20 năm nhưng không quy định thời gian tối thiểu. Điều này dẫn đến tình trạng các địa phương áp dụng tùy tiện, cho thuê 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm… Việc phát triển tàu cá được Chính phủ quan tâm nhưng các quy định về phê duyệt hồ sơ thiết kế tàu cá còn bất cập, cả nước có 300 cơ sở đóng tàu cá nhưng hầu hết là thủ công, chỉ có khoảng 10 cơ sở đủ năng lực đóng tàu theo thiết kế… dẫn tới tình trạng tàu đóng nhiều công suất nhỏ, vừa gây lãng phí tiền của vừa gây ô nhiễm nguồn nước biển vì đánh bắt gần bờ.
Bãi bỏ quy định không phù hợp
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung luật, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo đó, quy định rõ một số chính sách như: Phát triển nghề cá nội đồng mang tính sản xuất tập trung, phân biệt nghề cá ven bờ, nghề cá xa bờ hay nghề cá có quy mô nhỏ và nghề cá thương mại. Ưu tiên khuyến khích khai thác thủy sản xa bờ, gắn với phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ quốc phòng an ninh trên biển. Bổ sung quy định về xử lý đối với tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trái phép trong vùng biển Việt Nam. Quy định về quy hoạch trong lĩnh vực thủy sản về bảo tồn biển, nguồn lợi thủy sản phải rõ ràng, không chung chung. Điều tra nguồn lợi thủy sản phải có công bố con số chính xác, ngư dân được khai thác ở ngư trường nào, để không xảy ra việc khai thác quá nhiều ở ngư trường ít nguồn lợi dẫn tới cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. "Việc sửa đổi luật phải tiến hành công khai, minh bạch, đồng thời mời các chuyên gia trong ngành để nghiên cứu mang tính thực tiễn cao, tránh tình trạng vừa sửa đổi lại phải thu hồi" ông Nguyễn Tử Cương nói.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đến nay, Việt Nam vẫn chưa thống kê được nguồn lợi thủy sản là bao nhiêu, các loại cá ở từng ngư trường, việc khai thác quá "nóng" làm cho nguồn lợi có nguy cơ cạn kiệt... Do đó, các đơn vị trong ngành cần tập trung nghiên cứu, sửa đổi những vấn đề bức xúc hiện nay của Luật Thủy sản, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, hội nhập của ngành Thủy sản; sửa đổi quy định về khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa theo huớng quy định rõ cách thức quản lý, tiêu chí quản lý, phân cấp quản lý; quy định về thời gian cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản phải cụ thể...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.