Theo dõi Báo Hànộimới trên

111 xin nghe!

Hà Hiền| 25/03/2018 08:08

(HNM) - Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111 (Tổng đài) đã tiếp nhận, kết nối, chia sẻ, xử lý hàng nghìn cuộc gọi phản ánh, tố giác các vấn đề liên quan đến trẻ em.


“Người bạn tâm tình”

Tổng đài 111 được thiết lập trên cơ sở Đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em 18001567, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6-12-2017. Với đầu số dễ nhớ, Tổng đài nhanh chóng trở thành “người bạn tâm tình” của mọi người, mọi nhà. Người bấm “phím số diệu kỳ” 111 thuộc rất nhiều thành phần, lứa tuổi, nhưng nội dung các cuộc gọi đều tập trung phản ánh những vấn đề liên quan đến trẻ em.

Nhân viên Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em tiếp nhận các thông tin liên quan đến trẻ em.


Ngày 22-3, cùng nhân viên tư vấn trực Tổng đài trong khoảng 1 giờ, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau mỗi lời chào “A lô, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em xin nghe!” là một câu chuyện, một vụ việc liên quan đến trẻ em được gợi mở. Cuộc gọi đến từ tỉnh Đồng Nai thông báo: Khu vực ngã tư Bồn Nước (TP Biên Hòa) có người đàn ông dắt theo 4 trẻ nhỏ đi ăn xin. Người dân nghi ngờ người đàn ông này lợi dụng, bắt ép trẻ em hành nghề “cái bang”. Cuộc gọi khác từ một người thuộc tỉnh miền núi phía Bắc nhờ tư vấn tâm lý cho trẻ em phải chứng kiến cảnh bố mẹ đánh nhau, cãi nhau thường xuyên khiến trẻ bị tổn thương. Người gọi đến từ TP Hải Phòng giãi bày cảm giác bất an khi thông tin về những vụ án mạng, bạo hành, xâm hại trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội…

Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ khi Tổng đài hoạt động với đầu số 111, số cuộc gọi qua đường dây nóng phản ánh các vấn đề liên quan đến trẻ em tăng khoảng 30%. Trung bình mỗi tháng Tổng đài tiếp nhận hơn 60.000 cuộc gọi, trong đó có hơn 2.000 cuộc gọi nhờ tư vấn.

Song song với nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ cho người gọi những thông tin cần thiết qua điện thoại, cán bộ, nhân viên Tổng đài còn tổng hợp, phân tích, đánh giá nội dung các cuộc gọi để tìm ra giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với những “ca” phức tạp. Điển hình là trường hợp cháu Đ.N.T.Đ. (sinh năm 2011, ở xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), nạn nhân của P.H.T. (sinh năm 1964) - kẻ đã thực hiện hành vi dâm ô đối với cháu Đ.N.T.Đ. Nhận thông tin tố giác từ mẹ nạn nhân vào tháng 2 vừa qua, nhân viên Tổng đài kết nối ngay với Phòng LĐ-TB&XH huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), đề nghị can thiệp, hỗ trợ. Nhờ có sự can thiệp kịp thời, cháu Đ.N.T.Đ. nhanh chóng ổn định tâm lý và đi học trở lại; đối tượng P.H.T. đã nhận tội. Trường hợp khác là cháu L.C.Đ. và L.T.T.T. ở thôn Mỗ Xá, xã Phú An Nam (Chương Mỹ, Hà Nội), thường xuyên bị bố đẻ đánh đập và dọa giết, cũng được can thiệp, hỗ trợ kịp thời nhờ sự vào cuộc có trách nhiệm của nhân viên Tổng đài. Hiện tại, hai cháu đang sống an toàn ở nhà ông bà ngoại…

Ngoài ra, Tổng đài còn phát triển dịch vụ tư vấn trực tiếp, đánh giá, trị liệu tâm lý cho trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, mua bán. Sau khi nhận được sự hỗ trợ, đa số nạn nhân vượt qua nỗi đau, tự tin hòa nhập xã hội.

Thiếu dịch vụ kết nối, hỗ trợ

Bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn (Cục Trẻ em) cho hay: Những thông tin về trẻ em được chia sẻ qua Tổng đài phản ánh nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Nổi cộm nhất là tình trạng trẻ em yêu sớm, quan hệ tình dục sớm có xu hướng gia tăng; tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại, mua bán có diễn biến phức tạp… Để giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều phía, trong đó, đội ngũ cán bộ và mạng lưới dịch vụ hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng. Tiếc rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở cơ sở phải kiêm nhiệm quá nhiều việc, lại hay luân chuyển khiến quá trình kết nối để giải quyết các vụ việc gặp nhiều khó khăn. “Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, chúng tôi tiếp nhận tin phản ánh về cháu bé ở huyện Bến Cầu (Tây Ninh) nghi bị xâm hại tình dục. Với trường hợp này, quá trình xác minh thông tin, đưa ra giải pháp hỗ trợ bị chậm do cán bộ chuyên trách lại đang bận một số nhiệm vụ chăm sóc trẻ dịp áp Tết”, bà Nguyễn Thuận Hải nói.

Không chỉ thiếu cán bộ, các dịch vụ kết nối, hỗ trợ cho Tổng đài cũng đang rất thiếu. Theo kế hoạch, cả nước có 3 trung tâm tiếp nhận cuộc gọi đến Tổng đài - được đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh An Giang. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng hoạt động, Tổng đài mới có trung tâm tại Hà Nội tiếp nhận cuộc gọi, nguy cơ quá tải rất lớn. Mạng lưới dịch vụ trợ giúp tâm lý cho trẻ em hầu như chưa hình thành tại cộng đồng nên đa số trẻ em gặp rủi ro mới nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất, rất hiếm trường hợp được hỗ trợ về tinh thần.

Để hoạt động tư vấn, hỗ trợ trẻ em đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Công Hiệu mong muốn các cơ quan chức năng sớm đưa trung tâm tiếp nhận cuộc gọi đến Tổng đài đặt tại Đà Nẵng và An Giang đi vào hoạt động; có chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở cơ sở. Bên cạnh đó, Nhà nước cần mở rộng mạng lưới dịch vụ trợ giúp, tư vấn tâm lý cho trẻ em; tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
111 xin nghe!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.