(HNMO) – Chiều ngày 9/10, tại trụ sở Bộ Công thương ở Hà Nội, đại diện các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công thương đã tiến hành Lễ ký thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau.
Đó là hoạt động nhằm triển khai Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 17/8/2012 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, gắn với việc thực hiện Thông báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về việc phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngay tại lễ ký kết này đã có 11/16 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương tiến hành ký kết các thỏa thuận song phương trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau.
Theo thỏa thuận được ký giữa các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công thương: Các bên xác định việc ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa sản xuất trong nước, là nhiệm vụ vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài, góp phần thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam”, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Bên cạnh đó, việc hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng các lợi ích của từng tập đoàn, tổng công ty, công ty thành viên và phù hợp với quy định của pháp luật.
Hơn nữa, việc hợp tác được thực hiện theo lộ trình và từng giai đoạn cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với sự phát triển chung của mỗi tập đoàn, tổng công ty, công ty thành viên; đóng góp vào sự phát triển của ngành và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đáng chú ý, để chuẩn bị cho Lễ ký kết, Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình hành động Bộ Công thương hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã cùng các doanh nghiệp rà soát, đánh giá, bước đầu đề xuất về khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ đối với các nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị, hàng hoá sản xuất trong nước, nhất là những ngành có tỷ lệ tồn kho cao, làm cơ sở cho các nội dung của thỏa thuận ký kết hôm nay.
Theo đó, qua tìm hiểu, nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hàng năm của các đơn vị là rất lớn, đa dạng. Ví như: Tập đoàn điện lực Việt Nam có nhu cầu mua than, điện, nhiên liệu, thiết bị điện... và nhu cầu tiêu thụ điện, máy biến áp, thiết bị điện, dây cáp điện...; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có nhu cầu mua than, giấy các loại, quần áo bảo hộ lao động... và tiêu thụ xăm lốp ô tô, xe máy, máy kéo các loại, hóa chất các loại, que hàn, phân bón..; Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam có nhu cầu mua nhiên liệu, điện năng, các thiết bị an toàn điện, đo đếm điện, vải nguyên liệu bảo hộ lao động...và nhu cầu tiêu thụ than, dầu bôi trơn, các phương tiện vận tải thủy, bộ (sà lan, xe tải, xe cẩu..)...
Hay như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có nhu cầu mua xăng dầu các loại, bảo hộ lao động...và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu các loại, dầu bôi trơn, sơn các loại...; Tập đoàn Dệt may Việt Nam có nhu cầu mua than, giấy, hóa chất các loại... và có nhu cầu bán các sản phẩm may mặc đồng phục, bảo hộ lao động...; Tổng công ty Giấy Việt Nam có nhu cầu mua than, một số hóa chất... và có nhu cầu bán các sản phẩm giấy viết, giấy in, các hóa chất cơ bản...; Tổng công ty cổ phần Bia- Rượu – NGK Sài Gòn có nhu cầu mua than, giấy các loại, bao bì nhựa các loại... và có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bia, nước GK...
Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty, công ty hôm nay thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết tương trợ, cùng nhau vượt khó để phát triển, đồng thời cũng thể hiện sự sáng tạo, chủ động, tinh thần phối hợp chặt chẽ, hoạt động có hiệu quả vì doanh nghiệp của Ban chỉ đạo Chương trình Hành động Bộ Công thương thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Với các doanh nghiệp, lễ ký kết hôm nay là minh chứng rõ ràng vai trò tiên phong, gương mẫu của các doanh nghiệp trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt, đồng thời thể hiện vai trò hạt nhân cho phong trào doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hàng hoá Việt Nam, hưởng ứng thiết thực Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và hy vọng sẽ tiếp tục được nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
9 tháng đầu năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công thương cũng như các doanh nghiệp trong cả nước, gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho tăng cao. Tính đến cuối tháng 9 năm 2012 ước tính lượng than tồn kho khoảng 8,9 triệu tấn; chỉ số tồn kho của sản xuất sắt, thép và gang tăng 40,6% so với cùng kỳ, nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng với công suất từ 30-45%; chỉ số tồn kho của nhóm may trang phục, phân bón và hợp chất nitơ, sản phẩm khác từ plastic, pin ắc quy, dây điện và cáp điện, mô tô xe máy, sản xuất xe có động cơ... tăng trên 20%... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.