Nông thôn mới

10 sự kiện và thành tựu tiêu biểu của thị xã Sơn Tây năm 2023

HNMO 09/02/2024 - 06:20

10 sự kiện và thành tựu tiêu biểu của thị xã Sơn Tây năm 2023

son-tay-1.jpg

1. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường với trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Chỉ đạo quyết liệt, tập trung, đồng bộ trong giải quyết những việc khó, vướng mắc, vụ việc tồn đọng nhiều năm, vấn đề dân sinh bức xúc, gắn với thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đảng viên, đạt 101,3% kế hoạch Thành ủy giao; 100% số đảng viên có điện thoại thông minh đã cài đặt, đăng ký tài khoản trên phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”; 100% chi bộ thực hiện điểm danh, đăng lịch sinh hoạt chi bộ hằng tháng, khai thác các văn bản tuyên truyền, tài liệu nghiệp vụ, bản tin nội bộ qua ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”.

2. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thị xã khá toàn diện: 10/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra; thu ngân sách nhà nước đạt 110% kế hoạch giao, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 10,3%, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước thực hiện 5.798 tỷ đồng (giá so sánh), tăng 9,2% so với cùng kỳ; doanh thu ngành thương mại - dịch vụ đạt 6.732 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước thực hiện đạt 1.328 tỷ đồng (giá so sánh), tăng 2% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân toàn thị xã đạt 70 triệu đồng/năm, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022.

3. Điểm nổi bật, thành công nhất trong công tác quy hoạch năm 2023 là đã hoàn thành Quy hoạch phân khu ST1, cùng những định hướng phát triển đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô với tính chất văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh, trên cơ sở khai thác lợi thế vùng cảnh quan, hệ thống di tích Thành cổ, Làng cổ Đường Lâm, đền Và...

Nhiều dự án trọng điểm và công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng khung, các tuyến giao thông huyết mạch được tập trung chỉ đạo quyết liệt, như: đường 413, 414, đường Thanh Vị, Ngô Quyền - Phùng Hưng, đường cầu Cộng đi đường tránh quốc lộ 32, đường tránh quốc lộ 32 đi xã Cam Thượng - huyện Ba Vì… Các dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối đồng bộ, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch, dịch vụ, tạo nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển đột phá của thị xã.

4. Tăng cường công tác chỉnh trang đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Thị xã triển khai các dự án cải tạo hệ thống cây xanh, hạ ngầm điện, viễn thông, chiếu sáng, thoát nước theo công nghệ hiện đại; trật tự an toàn giao thông được tăng cường. Chỉ đạo quyết liệt thu gom rác theo giờ; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 100%, bảo đảm mỹ quan đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp, được nhân dân ghi nhận.

5. Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phòng, chống dịch bệnh. Năm 2023, thị xã tổ chức thăm hỏi, tặng 10.401 suất quà cho các đối tượng chính sách, tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng; tổ chức đào tạo nghề cho 2.850/2.500 lao động, đạt 114% kế hoạch; giải quyết việc làm cho 3.400/2.800 lao động, đạt 121,4% kế hoạch. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn từ nguồn ngân sách ủy thác đã thu hút giải quyết việc làm cho 2.453 người, với số tiền 122,194 tỷ đồng; hỗ trợ xây, sửa 50 nhà ở cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn... Trong năm, thị xã giảm 8 hộ nghèo (đạt 114% chỉ tiêu thành phố giao); 119 hộ thoát cận nghèo. Hiện, thị xã còn 14 hộ nghèo (0,04%), 252 hộ cận nghèo (0,65%). Triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Covid-19 và các dịch bệnh khác; số lượng người mắc và số ổ dịch sốt xuất huyết thấp nhất toàn thành phố, không có ca tử vong.

son-tay-2.jpg

6. Thị xã tổ chức nhiều sự kiện tiêu biểu, như: Chương trình Tết làng Việt, Lễ hội đền Và xuân Quý Mão, Giải đấu Vật dân tộc tranh Cúp Phùng Hưng lần thứ II, Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2023, các hoạt động tại tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây và chuỗi các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch tại Làng cổ Đường Lâm... thu hút 1.175.000 lượt khách du lịch đến thị xã, trong đó có 22.400 lượt khách nước ngoài. Triển khai và chuẩn bị đầu tư nhiều dự án trọng điểm trên lĩnh vực văn hóa, như: Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di tích Thành cổ; đầu tư xây dựng hạ tầng đền Và giai đoạn I; Khu trải nghiệm văn hóa xứ Đoài; Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm...

7. Du lịch trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - Làng cổ Đường Lâm là “Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN”. Làng cổ Đường Lâm hấp dẫn du khách bởi ẩm thực đa dạng, phong phú, đạt OCOP, như: Gà Mía, kẹo vừng, kẹo lạc, bánh gai, tương, cùng nhiều sản phẩm khác như: Bánh gai, cá kho tương, thịt quay đòn, thịt nướng, nem truyền thống, cỗ sen mùa hạ, bánh sắn, chè lam, củ cải khô...

Năm 2023, Du lịch trải nghiệm ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - Làng cổ Đường Lâm được trao giải thưởng “Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN” tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á-ATF (diễn ra từ ngày 22 đến 27-1-2024 ở thành phố Viêng Chăn - Lào). Đây là giải thưởng cao quý và cũng là dịp để các đơn vị quảng bá, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam và thương hiệu điểm đến quốc gia “Vietnam Timeless Charm”.

8. Lan tỏa, quảng bá văn hóa, du lịch Sơn Tây qua Đêm hội trăng rằm “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài” năm 2023. Đây là chương trình được tổ chức vươn tầm về quy mô và sức lan tỏa, là sự kiện văn hóa lớn của vùng với nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú, thu hút hơn 3,5 vạn lượt khách du lịch tham dự. Điểm nhấn của chương trình là Hội thi diễu hành mô hình đèn Trung thu được mô phỏng theo các hình tượng, nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, là biểu tượng văn hóa, sản vật đặc trưng của từng địa phương, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Sau Hội thi, nhiều mô hình đã được đưa về phố đi bộ Hồ Gươm tham dự Festival Thu Hà Nội 2023, nhằm phục vụ du khách và nhân dân Thủ đô thưởng lãm, đồng thời giúp quảng bá nét văn hóa đặc trưng và thúc đẩy hoạt động du lịch, mời gọi du khách về với Sơn Tây - về miền di sản.

9. Thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn chính thức được công nhận là điểm du lịch của thành phố Hà Nội. Ngày 22-5-2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2823/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn. Sản phẩm du lịch tại điểm du lịch Lòng Hồ phục vụ khách du lịch với đa dạng trải nghiệm: Nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, thảo dược, chụp ảnh, hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp...

Việc hình thành điểm du lịch thôn Lòng Hồ góp phần thực hiện mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2025-2030 của thị xã Sơn Tây là trở thành một trong những địa phương trọng điểm về du lịch của Thủ đô.

10. Phối hợp đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Cụm đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng và Liên kết phát triển sản phẩm du lịch golf với các địa phương. Hội nghị Cụm đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023 với chủ đề “Xây dựng đô thị thông minh, xanh - sạch - đẹp - sáng gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu” là dịp để thị xã Sơn Tây chủ động, tích cực học tập, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, xây dựng đô thị thông minh, gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu; giúp quảng bá hình ảnh thị xã Sơn Tây - một trong những đô thị đạt được nhiều kết quả nổi bật về xây dựng đô thị xanh, với tỷ lệ che phủ cây xanh trong khu vực nội thị đạt 2,7m2/người, diện tích che phủ cây xanh toàn thị xã đạt 4,1m2/người.

Chương trình Kết nối sản phẩm du lịch golf giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc diễn ra tại Sơn Tây từ ngày 1 đến 2-12-2023 giúp tăng cường kết nối, hợp tác trong phát triển các sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh thị xã Sơn Tây và hình thành tuyến du lịch văn hóa, trải nghiệm, sinh thái bổ trợ cho hoạt động du lịch golf, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, chất lượng, hấp dẫn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện và thành tựu tiêu biểu của thị xã Sơn Tây năm 2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.