1. Biển Đông được cả thế giới quan tâm Biển Đông đã trở thành một trong những chủ đề được dư luận quốc tế quan tâm nhất tại các hội nghị trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam.
Biển Đông đã trở thành một trong những chủ đề được dư luận quốc tế quan tâm nhất tại các hội nghị trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam. Sự kiện các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác liên quan cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 là bước tiến quan trọng giải quyết tranh chấp trong khu vực tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Các bên liên quan khẳng định cam kết tôn trọng và triển khai hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), văn kiện được ký và thể hiện cam kết chung giữa ASEAN và Trung Quốc, tiến tới hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong tương lai.
2. Mỹ rút quân khỏi Iraq
Ngày 31-8, Mỹ rút quân khỏi Iraq, kết thúc cuộc chiến từng gây tranh cãi gay gắt kéo dài hơn 7 năm ngay trong nội bộ nước Mỹ. Để lại nhiệm vụ giữ gìn an ninh cho người Iraq, một trong những điều đang được dư luận Iraq đặc biệt quan tâm khi lữ đoàn tác chiến cuối cùng của Mỹ rời đi là hằng ngày người dân nước này phải chứng kiến các vụ đánh bom, khủng bố, nền kinh tế kém phát triển, đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị… Binh sỹ Mỹ kết thúc sứ mệnh tham chiến ở Iraq để dồn lực lượng cho chiến trường Afghanistan, tiếp tục cuộc chiến bước sang năm thứ 10 tại đất nước Hồi giáo này. Giới quan sát cho rằng khi Mỹ càng đổ nhiều người và của cho cuộc chiến ở Afghanistan thì họ lại càng sa lầy tại đây.
3. Chấn động từ "quả bom sự thật" WikiLeaks
Công bố hàng triệu trang tài liệu mật về cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq, hàng trăm nghìn thư tín ngoại giao của Mỹ..., trang web được thành lập năm 2006 đã không chỉ gây chấn động thế giới mà còn đẩy Washington vào tình thế khó xử, vì những sự thật chưa bao giờ được biết đến. Người sáng lập WikiLeaks - Julian Assange đã bị chính quyền Anh bắt giữ theo lệnh truy nã của Interpol với cáo buộc liên quan đến tình dục từ Thụy Điển; song vụ bắt giữ không đồng nghĩa với việc WikiLeaks sẽ ngừng công bố các tài liệu đã có. Đến nay, không ai ngoài ông chủ trang web này biết chính xác WikiLeaks có bao nhiêu thành viên ban quản trị và bao nhiêu cộng tác viên trên toàn thế giới.
4. Khủng hoảng nợ công tại châu Âu
Khởi phát từ Hy Lạp, cơn bệnh khủng hoảng nợ ngày càng có chiều hướng lây lan, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). "Quỹ chống khủng hoảng" trị giá 750 tỷ euro (1.000 tỷ USD) do EU và IMF thiết lập mới chỉ cứu được "đất nước của các vị thần" và gần đây nhất là Ireland thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, nhưng xem ra rất nhỏ bé nếu các mắt xích nợ khác như Bồ Đào Nha, Italy hay Tây Ban Nha tiếp tục đứt tung. Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để giảm ngân sách đang đe dọa khả năng phục hồi của khu vực đồng euro trong khi sự mong manh của các nền kinh tế thành viên đang thử thách tính thống nhất của EU cũng như khiến giấc mơ siêu cường của Lục địa già trở nên xa vời. Bóng ma nợ công châu Âu đã gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới khiến bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2010 chưa hết ảm đạm.
5. Bán đảo Triều Tiên không ngừng bị "đốt nóng"
Vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc nổ tung (ngày 26-3) trên Hoàng Hải khiến 46 thủy thủ thiệt mạng và cuộc đấu pháo bất ngờ tại khu vực biên giới trên biển phía Tây giữa Hàn Quốc và Triều Tiên (ngày 23-11) đã châm ngòi cho những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang. Thông tin về khả năng Triều Tiên đang vận hành 2.000 máy ly tâm làm giàu urani, trong khi Hàn Quốc và Mỹ không ngừng gia tăng sức ép trên các mặt trận, khiến nỗ lực của cộng đồng quốc tế vì một nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thêm khó khăn.
6. Kỳ tích cuộc giải cứu thợ mỏ Chile
Tháng 10-2010, cả thế giới hướng về Chile để dõi theo cuộc giải cứu 33 thợ mỏ sống sót trong vụ sập hầm (từ 5-8). Với tốc độ phi thường và tiến trình thực hiện hoàn hảo, tất cả 33 thợ mỏ Chile được đưa lên từ độ sâu hơn 700m dưới lòng đất sau thời gian bị mắc kẹt kỷ lục (68 ngày) trong lịch sử. Sự kiện về những người thợ mỏ được giải cứu khiến đất nước Chile nổi tiếng như một tấm gương của lòng dũng cảm và ý chí sinh tồn của con người. Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả sau sự kiện này là bài học muôn thuở về an toàn lao động cho những người thợ mỏ.
7. Thảm họa kinh hoàng tại Campuchia
Là một trong những lễ hội lớn nhất được tổ chức hằng năm tại Campuchia, song lễ hội nước diễn ra rạng sáng 23-11-2010 trên đảo Koh Pich (Kim cương) ở thủ đô Phnom Penh lại trở thành thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử 31 năm qua tại xứ Chùa Tháp. Hơn 450 người chết, khoảng 700 người bị thương do giẫm đạp khi tình trạng tắc nghẽn xảy ra trên cây cầu chỉ rộng khoảng 12m dẫn vào đảo. Những gì xảy ra tại Campuchia tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn trong tổ chức lễ hội ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.
8. Bi kịch hàng không Ba Lan
Ngày 10-4, cả đất nước Ba Lan rung động và bàng hoàng trước tin Tổng thống Lech Kaczynski cùng phu nhân và hàng chục tướng lĩnh, quan chức cấp cao thiệt mạng trong một tai nạn máy bay thảm khốc gần sân bay tại Smolensk ở miền Tây nước Nga. Đây là lần đầu tiên một tổng thống của Ba Lan qua đời khi đang tại vị. Thảm kịch đã gây ra sự xáo trộn lớn trong đời sống xã hội và chính trị ở nước này. Bản báo cáo kết luận điều tra cuối cùng cho thấy nguyên nhân của vụ tai nạn là do sai lầm của phi hành đoàn trong điều kiện thời tiết dày đặc sương mù.
9. Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu tại Cancun không tạo đột phá
Diễn ra tháng 12-2010, 190 quốc gia tham dự hội nghị lần này chỉ đạt đồng thuận về phương thức mới đấu tranh chống lại tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó có việc thành lập Quỹ Khí hậu xanh hỗ trợ các nước đang phát triển. Bất đồng lớn nhất giữa các nước giàu và nước nghèo vẫn là chưa tìm được tiếng nói chung trong việc tìm ra một hiệp ước có giá trị pháp lý để thay thế Nghị định thư Kyoto, sẽ hết hạn vào năm 2012. Trong khi đó hậu quả nhãn tiền của việc BĐKH là lũ lụt, hạn hán, thiên tai tàn khốc đang tác động đến nhiều nước trên thế giới. Năm 2010 cũng là năm thế giới chứng kiến những trận động đất và sóng thần khủng khiếp gây thiệt hại lớn về người và của ở Indonesia (tháng 10), Haiti (tháng 1)...
10. Sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico
Vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon ngày 20-4-2010 đã gây ra thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Từ ngày định mệnh đó cho đến khi giếng dầu bị rò rỉ được đóng lại vào ngày 15-7 sau hàng loạt nỗ lực của "khổ chủ" BP, khoảng 4,9 triệu thùng dầu đã tràn ra Vịnh Mexico, gây thiệt hại sinh thái nghiêm trọng và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân trong khu vực. Sự cố cũng khiến "người khổng lồ" dầu mỏ của nước Anh đứng trước nguy cơ khánh kiệt khi phải bán một loạt tài sản để bồi thường khoảng 6,1 tỷ USD cho tai nạn khủng khiếp này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.