Người tiêu dùng liệu còn muốn mua xe hơi nếu chúng không có túi khí, điều hòa, cân bằng điện tử.
Xe hơi bản thân là một phát minh lớn trong lịch sử loài người. Bên cạnh đó, nhiều phát kiến ứng dụng trên xe hơi tạo nên những bước ngoặt lớn trong ngành. Motor1 đưa ra 10 đóng góp nổi bật nhất:
Dây đai an toàn
Volvo P220 Amazon, mẫu xe đầu tiên trên thế giới trang bị dây đai an toàn cho người lái. |
Đây là một trong những phát minh quan trọng nhất của ngành ôtô thế giới, góp phần cứu sống người lái trong các vụ va chạm. Dây đai an toàn ba điểm, trước khi xuất hiện trên ôtô lần đầu tiên vào năm 1958, đã được dùng cho các phi công máy bay những năm đầu thế kỷ trước. Mẫu xe thương mại đầu tiên trang bị thiết bị an toàn này là Volvo P220 Amazon.
Túi khí
Là trang bị thường chỉ xuất hiện khi có va chạm theo mức độ tính toán của phần mềm điều khiển, túi khí giúp giảm đáng kể chấn thương của người trong xe. Mẫu xe đầu tiên có túi khí cho người lái là Oldsmobile Toronado, được bán như một tùy chọn giá 250 USD và chỉ 1.000 xe có túi khí được sản xuất.
Hệ thống túi khí trên một mẫu xe Mercedes. |
Túi khí xuất hiện trên Mercedes S-class vào 1981 với nhiều chức năng hoàn thiện hơn. Đến 1994, Volvo 850 ra mắt, trang bị túi khí bên hông và cửa xe. Năm 2009, Ford là hãng xe đầu tiên trình làng dây đai an toàn với túi khí có thể phồng lên, giảm nguy cơ tổn thương đối với người dùng trong những vụ va chạm.
Mẫu Volvo V40 ra mắt năm 2011 lần đầu giới thiệu túi khí ở ca-pô. Khi va chạm xảy ra, một luồng khí đẩy kích hoạt túi khí ở vị trí nắp ca-pô gần kính chắn gió, giúp người bị xe húc phải tăng cơ hội sống sót.
Cân bằng điện tử
Kể từ tháng 11-2011, tất cả xe hơi bán ra tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đều phải có chức năng cân bằng điện tử ESP. Đây là trang bị quan trọng bên cạnh túi khí hay dây đai an toàn giúp hạn chế tai nạn và bảo vệ mạng sống con người.
Hệ thống cân bằng điện tử, bùa hộ mệnh cho người sử dụng ôtô. |
Vào năm 1989, kỹ sư Frank Werner Mohn của Mercedes trong lần thử nghiệm mẫu E-class ở Thụy Điển, bị mất kiểm soát chiếc xe mình lái. Ông thắc mắc tại sao không dùng các cảm biến điều khiển lực phanh ABS để can thiệp vào tốc độ bánh xe và phanh chủ động có chọn lọc, giúp chiếc xe tránh khỏi hiện tượng mất kiểm soát.
Lãnh đạo hãng xe Đức nhận thấy ý tưởng tốt của vị kỹ sư và quyết định đầu tư phát triển. Một thuật toán ra đời cho phép tính toán chính xác mỗi bánh cần lực phanh bao nhiêu, hoặc bao nhiêu bánh cần phanh để chiếc xe ổn định khi di chuyển. Về sau, Mohn và các cộng sự sử dụng nhiều hơn các cảm biến phanh ABS, thêm các công cụ hỗ trợ khác.
Ngày nay, công nghệ ESP với hoạt động phức tạp được sử dụng rộng rãi trên ôtô với nhiều cách gọi khác nhau. Tuy nhiên, không phải mẫu xe nào cũng có chức năng này.
Hệ thống phanh khẩn cấp và phát hiện người đi bộ
Gần một thập kỷ trước, những mẫu xe của Volvo đã trang bị tính năng hỗ trợ phanh khẩn cấp đầu tiên trong các đô thị. Hiện nay, phần lớn các dòng xe sang có trang bị này.
Hệ thống camera sử dụng sóng hồng ngoại có thể phát hiện người đi bộ vào ban đêm. |
Hệ thống an toàn với các camera sóng hồng ngoại phát hiện vật thể phía trước, có khả năng giúp xe tự động phanh ở ngưỡng tốc độ dưới 30 km/h. Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, hệ thống phanh khẩn cấp trên xe hơi ngày nay có thể tự phanh ở tốc độ lên đến 200 km/h. Những mẫu xe như Mercedes E-class, S-class là ví dụ.
Kiểm soát hành trình
Kiểm soát hành trình giúp quá trình lái xe trên cao tốc nhàn hơn với các tài xế. |
Đây là một yếu tố quan trọng trong hệ thống lái tự động mà các hãng xe đang hướng đến. Chức năng này trở nên phổ biến trong khoảng 10 năm qua. Kiểm soát hành trình hoạt động nhờ các cảm biến, camera, định vị GPS nhằm duy trì tốc độ, tính toán lực phanh, khoảng cách so với xe phía trước.
Hệ thống lái tự động
Hệ thống lái tự động là một trong những phát minh làm thay đổi cách thức vận chuyển của con người trong tương lai. Kết hợp nhiều công nghệ và một hạ tầng giao thông hoàn thiện, hệ thống lái tự động giúp hành trình di chuyển được tính toán khoa học, tài xế cũng nhàn hơn trước.
Thử nghiệm hệ thống lái bán tự động trên xe Tesla. |
Các hãng xe đang nỗ lực để tiếp cận mục tiêu xe hơi tự động hoàn toàn. Audi, Mercedes, BMW, Tesla, Volvo là những cái tên đi đầu trong lĩnh vực này. Hệ thống lái bán tự động tiên tiến nhất thế giới hiện nay xuất hiện trên mẫu sedan A8 của Audi.
Động cơ diesel
Đặt trong bối cảnh bê bối gian lận khí thải của các hãng xe Đức, nhiều người cho rằng động cơ diesel bẩn, gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, các hãng xe vẫn tin tưởng và đầu tư hàng triệu USD để phát triển loại động cơ này bởi ưu điểm giá thành rẻ của nhiên liệu mà mức tiêu hao thấp.
Mercedes 260 D, mẫu xe đầu tiên sử dụng động cơ diesel. |
Kỹ sư người Đức Rudolf Diesel phát minh động cơ diesel vào năm 1883, nhưng đến năm 1936 mới sử dụng lần đầu tiên trên mẫu xe thương mại Mercedes 260 D. Trong những năm đầu 1980, hệ thống tăng áp bắt đầu được ứng dụng cho động cơ diesel giúp tăng hiệu suất vận hành và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Dẫn động bốn bánh (4WD)
Mercedes giới thiệu hệ thống dẫn động bốn bánh lần đầu trên mẫu xe quân sự VL 170 trong những năm 1930 thế kỷ trước. Hệ thống lái này cho phép điều khiển trục trước và sau xe theo phương đối diện, giúp giảm bán kính vòng quay.
VL 170, mẫu xe quân sự sử dụng hệ thống lái bốn bánh đầu tiên trên thế giới. |
Mẫu xe đường phố đầu tiên sử dụng hệ dẫn động bốn bánh điều khiển điện tử là Honda Prelude vào năm 1988. Tính năng này hiện phổ biến trên những dòng xe địa hình hoặc xe thể thao.
Dẫn động bốn bánh toàn thời gian (AWD)
Hệ thống lái bốn bánh toàn thời gian có trên mẫu Jensen FF 1966. |
Mẫu Jensen FF 1966 với hệ thống lái bốn bánh có 37% lực kéo phân bổ cho trục trước, 63% cho trục sau trở thành chuẩn mực của xe off-road vào thời điểm xe ra mắt. Sau thời gian dài phát triển, hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian ngày càng hoàn thiện hơn.
Người lái hiện nay có thể can thiệp lực kéo đến từng bánh với mức thiết lập tùy chỉnh. Xe bán tải hoặc xe đa dụng gầm cao chuyên off-road thường trang bị hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian.
Điều hòa nhiệt độ
Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, điều hòa nhiệt độ trên xe hơi không đơn thuần làm mát, mà còn cung cấp khả năng làm sạch không khí. Thậm chí mỗi cá nhân đều có thể điều khiển độc lập nhiệt độ mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.