|
Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ trao giải Nhất cho nhà thơ Hoàng Việt Hằng |
Chiều nay (16/12), tại hội trường báo Hànộimới đã diễn ra Lễ tổng kết cuộc thi viết "Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" và trao giải cuộc thi trong năm 2010. Ban tổ chức, đại diện nhà tài trợ Prudential và hơn 30 tác giả có tác phẩm đoạt giải đã có buổi gặp gỡ thân tình, khép lại hành trình 10 năm của cuộc thi.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng có mặt từ sớm và có lẽ là nữ tác giả cao tuổi duy nhất vinh dự nhận giải nhất, "Giải trạng nguyên" trong cuộc thi năm 2010 với tác phẩm "Sang chùa".
"Tôi luôn có duyên với những mảnh đời bất hạnh. Trong một tháng ròng, ngày nào tôi cũng lọ mọ tìm sang chùa Bồ Đề, để rồi có những lúc lẩn thẩn lạc đường về, mãi khuya mới về đến nhà. Sư trụ trì Thích Đàm Lan không hề biết tôi là một nhà báo" - bà tâm sự về "hành trình" làm nên tác phẩm của mình, mà theo nhận xét của ban tổ chức, bà đã đem vào tác phẩm những cảm giác rất riêng tư.
“Sang chùa” nhuần nhị, đầy nữ tính, chầm chậm triển khai, từng chữ làm người đọc phải “vấp”, rõ ràng là một tác phẩm văn học. Được sự nhất trí trong ban chung khảo, nó “cứu” cho năm cuối cùng của cuộc thi khỏi tình trạng “không có trạng nguyên” một cách xứng đáng, không hề gượng ép.
|
2 tác giả nhận giải Nhì cuộc thi năm 2010 |
Nói về những giải chiếm vị trí quan trọng nhất, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong năm 2010, ông Tô Quang Phán, Tổng biên tập Báo Hànộimới điểm lại: "Tác phẩm "Ghi ta Hà Nội ngày ấy, bây giờ” được người trong giới thừa nhận, cho thấy tác giả Nguyễn Văn Học vừa say mê vừa am tường. Văn Chinh trong “Thế rồng chầu và những cây cầu rồng bay” vừa đắm đuối vừa tỉnh táo, chắc nịch về bố cục, lại có những cảm nhận thú vị về lịch sử.
Chỉ là vài “mảnh” kỷ niệm qua miếng ăn, “Chị tôi” của Lê Lành thể hiện sự am hiểu về một Hà Nội sâu xa, không mấy người thấy, người cảm biết. Hoàng Anh, Bảo Lâm trong “Cây xanh - giá trị không thể thiếu của Hà Nội”, sau khi “điểm” sự phong phú, nhiều chủng loại của cây cối trong đô thị, đặt ra vấn đề rất nhân văn mà cũng không dễ giải quyết, như sự hài hòa, chất nhuần nhị trong cuộc sống đang phát triển, trong thành phố “đầy bê tông”.
|
TBT Báo Hànộimới Tô Quang Phán trao hoa cho nhà tài trợ Prudential |
“Tầm nhìn để lại” của Thạch Bách, viết riêng về cố kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật, nhưng nêu ra những day dứt đang là của chung, như bảo vệ hồ Gươm - lẵng hoa giữa lòng Hà Nội, như làm thế nào để chúng ta vừa sống hiện đại vừa hòa nhập vào với thiên nhiên.
Đã có quãng thời gian dài gắn bó với cuộc thi trong cương vị là TBT Báo Hànộimới, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ nhấn mạnh đến ý nghĩa đặc biệt khi cuộc thi diễn ra vào thời điểm Thủ đô Hà Nội tròn 1000 tuổi - "Cũng hiếm có một cuộc thi nào kéo dài tới 10 năm. Những con số này gợi nhiều suy nghĩ, cảm xúc của những người cầm bút".
Quãng thời gian 10 năm, hút số lượng bài không nhỏ, thu hút sự tham gia bền bỉ của nhiều cây bút, cũng khẳng định sự cố gắng, sáng tạo, nỗ lực của Ban biên tập Báo Hànộimới. Cuộc thi tính đến thời điểm này, với kết quả đã nhìn thấy, được dư luận đánh giá cao... có thể khẳng định đã thành công, góp phần phác hoạ gương mặt Thủ đô dưới nhiều góc độ khác nhau, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của nhiều cây bút.
|
Ban tổ chức và tập thể các tác giả đoạt giải cuộc thi năm 2010 |
"Cuộc thi cũng góp phần ý nghĩa vào thành công của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trên phương diện tôn vinh những giá trị cao quý của Thủ đô 1000 năm tuổi"- ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Ông Tô Quang Phán, Tổng biên tập Báo Hànộimới cũng tiếp lời tri ân ở chặng kết của hành trình 10 năm qua: "Cuộc thi thành công nhờ tấm lòng của bạn bè bốn phương với Thủ đô 1000 tuổi nói chung, và Hànộimới nói riêng. Đằng sau những bài được giải, cả nghìn bài gửi tham gia tuy không được chọn đăng đều nói lên rằng ai cũng có một Hà Nội của riêng mình, dù có thể chưa đặt chân tới".
Về mặt tổ chức, nhờ chủ trương xã hội hóa, Hànộimới được sự đồng hành bền bỉ, vô tư của các nhà tài trợ, đặc biệt là Prudential. Khép lại cuộc thi kéo dài 10 năm, Hànộimới sẽ có kế hoạch về những cuộc thi khác, có thể ngắn hơn, theo chủ đề hẹp, thiết thực với người đọc, với kinh phí theo hướng xã hội hoá, tạo sân chơi mới cho các cây viết của Hà Nội và cả nước.