LTS: Cách đây hơn 10 năm, ngày 9-4-2014, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33-NQ/TW) được ban hành. Kể từ đó, Nghị quyết 33-NQ/TW đã trở thành “kim chỉ nam” dẫn dắt các hoạt động phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp con người Việt Nam không ngừng phát triển toàn diện.
Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài “10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW - Hiện thực sinh động nhìn từ Hà Nội” nhằm đánh giá những thành tựu cũng như hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ở Thủ đô, đồng thời chia sẻ những giải pháp trong phát triển văn hóa và xây dựng con người, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bài 1: Thập niên nền móng, dấu ấn chuyển mình
Với Nghị quyết 33-NQ/TW, văn hóa không chỉ được đặt ở vị trí xứng đáng, mà còn nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự tham gia chủ động của những con người với niềm đam mê văn hóa. Tất cả đã mang lại những chuyển động tích cực trong nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa - xã hội của Thủ đô.
Đáp ứng trúng yêu cầu thực tiễn
Không gian cà phê “Phố Hàng” gồm 5 tầng đậm hình tượng Hà Nội được cải tạo từ ngôi nhà cũ trên phố Phúc Tân. Đúng như slogan của quán: “Nơi gìn giữ, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật Hà Nội 36 phố phường”, ở đây tái hiện gần như đầy đủ nhiều nét đặc sắc các “phố Hàng” nói riêng, văn hóa Hà Nội nói chung.
“Chủ nhân” của ý tưởng này là Đỗ Anh Đức (sinh năm 1985), một thanh niên sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Không gian cà phê “Phố Hàng” còn là điểm hội ngộ của giới trẻ với nhiều mô hình sáng tạo khác của Thủ đô cùng không ít hoạt động giao lưu văn hóa đậm chất Hà Nội như chiếu phim, làm đồ chơi Trung thu truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân gian...
Câu chuyện về sự hồi sinh nghề đậu bạc của Quách Phan Tuấn Anh - con trai của nghệ nhân cuối cùng ở làng nghề đậu bạc Định Công là một ví dụ khác. Hay với mô hình Hạnh Silk - HTX Lụa đũi Nam Cao (số 2 Hoa Lư, Vân Hồ) của chị Lương Thanh Hạnh (sinh năm 1985), đã không chỉ đưa thương hiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam ra thế giới, mà còn mang lại nguồn lực kinh tế bền vững cho đơn vị và người dân làng nghề...
Đó mới chỉ là một vài trong hàng trăm mô hình, cách sáng tạo và những nỗ lực không mệt mỏi của rất nhiều người, trong đó có những bạn trẻ đã neo giữ những hương vị đặc trưng của dân tộc, khôi phục lại những giá trị văn hóa xưa cũ đẹp đẽ… Tất cả những sự chuyển động ấy với những chỉ dấu tích cực là ánh phản chiếu không thể phủ nhận bầu không khí thúc đẩy văn hóa từ chính sách vĩ mô.
TS Lư Thị Thanh Lê, giảng viên khoa Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) khái quát: “Nếu diễn ngôn thường thấy trước đây là “văn hóa suy tàn”, “nghệ nhân cuối cùng”, “làng nghề kêu cứu”, “người trẻ thờ ơ với di sản”..., thì những năm gần đây, trên cả nước và đặc biệt ở Hà Nội đã ghi nhận sự xuất hiện hàng loạt mô hình khởi nghiệp trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam. Các làng nghề sôi động khi đội ngũ sáng tạo tìm được động lực... Một cộng đồng khởi nghiệp dần hình thành ở Hà Nội thông qua sáng kiến Thành phố sáng tạo”.
GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Nghị quyết 33-NQ/TW ra đời năm 2014, cũng vào thời điểm thách thức sống còn về việc toàn cầu hóa dựa trên cách mạng 4.0 sẽ ngày càng nới rộng khoảng cách tụt hậu nếu chúng ta không sớm có giải pháp đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ này”. Ông đồng thời khẳng định: “Nghị quyết 33-NQ/TW đáp ứng trúng vào yêu cầu phát triển bức xúc nhất của đất nước là phát triển con người. Đây là một bước tiến mới về lý luận của Đảng ta”.
Con người - trung tâm của văn hóa
Nghị quyết 33-NQ/TW đề ra 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp, trong đó xác định xây dựng con người Việt Nam toàn diện là nhiệm vụ đầu tiên. Cũng dễ thấy toàn bộ các nhiệm vụ tiếp theo như xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện môi trường văn hóa... về thực chất đều phải lấy con người là trung tâm, tức là đều hướng đến xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Hà Nội thấm nhuần tinh thần ấy và tính chất hướng tâm trong thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 33-NQ/TW ở Hà Nội thể hiện rõ trên nhiều mặt.
10 năm qua, Thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa Nghị quyết 33-NQ/TW thành các nội dung chương trình, kế hoạch, đề án bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị. Trong các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội mỗi nhiệm kỳ qua luôn có chương trình riêng nhằm tập trung nguồn lực phát triển văn hóa, xây dựng con người sát với thực tiễn Hà Nội và theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW. Trong nhiệm kỳ Đại hội XVII, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó đã nêu 18 chỉ tiêu theo 7 nhóm, 3 yêu cầu, cùng 14 nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp như một lần nữa khẳng định quyết tâm của Thành ủy Hà Nội kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại.
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, Hà Nội đã có những bước đi thể hiện quyết tâm chính trị và tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy nguồn lực nội sinh văn hóa. Năm 2022, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND về việc quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với nghệ sĩ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu, tạo ra “đòn bẩy” khuyến khích phát triển văn hóa.
Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã đi tiên phong khi là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa (một trong 6 nhiệm vụ của Nghị quyết 33-NQ/TW). Trong đó, Hà Nội xác định rõ thế mạnh của mình để phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là “vốn” di sản văn hóa sẵn có mà còn có nguồn lực con người to lớn, với trên 51% dân số trẻ, tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện; hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, thời trang, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 6.000 USD/người/năm...
Ngày 19-2-2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp tục ra Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, cho thấy quyết tâm lớn, sự kiên trì, bền bỉ nhằm tạo ra sức sống mới trên địa hạt phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Khát vọng vươn lên, thoát tụt hậu bằng văn hóa nhen nhóm trong những nỗ lực và hành động của nhiều tập thể, cá nhân. Ví dụ như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, Lễ hội thiết kế sáng tạo... dần trở thành nếp. Không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa, hoạt động từ các làng nghề và làng có nghề của Hà Nội còn đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương khi liên tục có sự tăng trưởng về doanh thu, trong đó khoảng 100 làng nghề đạt từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm... (thống kê năm 2023).
Khắp nơi, dù là trong những hoạt động nhỏ nhất, khi văn hóa được đặt vào trung tâm của sự phát triển, sức mạnh và hiệu quả của nó là không thể phủ nhận. Dịp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Bộ Chính trị nêu rõ: “Phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với con người Việt Nam”. Để thấy, câu chuyện xây dựng môi trường văn hóa và con người là hai chiều tác động vô cùng chặt chẽ. Đến nay, sau 5 năm tiếp theo, Thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW với nỗ lực không ngừng để xây dựng môi trường văn hóa mà ở đó con người là mục tiêu và động lực to lớn.
(Còn tiếp)
"Có thể khẳng định, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, Nghị quyết 33-NQ/TW đã thực sự thẩm thấu và lan tỏa trong cuộc sống của Thủ đô hôm nay. Việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người Thủ đô đã có bước phát triển mới đáng tự hào. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là người thụ hưởng; văn hóa đang thực sự trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô".
(Trích phát biểu của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 6-11-2024)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.