Chiều 3-11, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TƯ, ngày 7-01-2019, của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Tham dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên.
10 năm xây dựng và triển khai 95.964 mô hình “Dân vận khéo"
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Vũ Hà cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ; 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TƯ; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, đã tạo sự thống nhất, đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Thành ủy đã xây dựng, chỉ đạo các cấp ủy Đảng thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chương trình công tác toàn khóa về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thành phố.
Các cấp chính quyền từ thành phố tới cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản lãnh đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận, nhất là Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 1-10-2021 của Thành ủy “Về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước”, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó, HĐND các cấp thành phố có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động, thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô. UBND thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính và triển khai quyết liệt, bài bản thí điểm mô hình chính quyền đô thị, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Từ năm 2013 đến nay, cấp thành phố đã tổ chức 2.514 cuộc giám sát, 144 hội nghị phản biện xã hội; cấp quận, huyện, thị xã đã tổ chức 21.100 cuộc giám sát, 1.499 hội nghị phản biện xã hội; cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 68.463 cuộc giám sát, 11.742 hội nghị phản biện xã hội...
Đáng chú ý, các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo”, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng. Từ năm 2013 đến nay, có 95.964 mô hình “Dân vận khéo” các cấp được đăng ký triển khai. Qua đó, nhiều mô hình nhân rộng; nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Thành ủy Hà Nội rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó đã quán triệt sâu sắc dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Công tác dân vận phải bám sát, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tiễn của Thủ đô. Đặc biệt là không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở vận dụng và thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý trong việc triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TƯ tại các địa phương, đơn vị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TƯ mà Thành uỷ Hà Nội đã triển khai trong 10 năm qua.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Phạm Tất Thắng đề nghị hệ thống Dân vận thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác dân vận; thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân”. Từ đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết của nhân dân.
Khơi lên khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân Thủ đô
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, tình hình quốc tế, trong nước và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã có những biến động sâu sắc. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa công nghệ và mạng xã hội, thành phố Hà Nội với vai trò là Thủ đô cũng chịu nhiều áp lực lớn về tốc độ gia tăng dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Cũng trong 10 năm qua, Trung ương đã ban hành thêm nhiều quy định mới về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, hàng loạt các quy định về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên người đứng đầu. Nhiều văn bản liên quan đến việc phát huy dân chủ trong xã hội; triển khai công tác dân vận chính quyền cũng đã được ban hành…
Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TƯ và Kết luận 43-KL/TƯ. Quá trình triển khai của thành phố cũng có nhiều điểm sáng tạo, phù hợp thực tiễn của Thủ đô, qua đó góp phần củng cố niềm tin của dân với Đảng, chế độ; tăng cường sự gắn bó mật thiết của Đảng với nhân dân, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận.
Việc Hà Nội là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất đã cho thấy, thành phố luôn quan tâm đầu tư, phát triển những vùng xa trung tâm và khu vực người dân còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, Hà Nội cũng đã ban hành các Nghị quyết nhằm tập trung nguồn lực đầu tư cho 3 lĩnh vực trọng điểm là văn hoá, y tế, giáo dục; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh Thủ đô và đất nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ quá trình hội nhập. Thành phố cũng đã triển khai các chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”…
Đáng chú ý, trong 10 năm qua, những vấn đề trọng đại của Thủ đô và đất nước đều nhận được sự quan tâm, tham gia tự nguyện của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây là minh chứng rõ nét, thể hiện vai trò của công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong những năm qua.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, kết quả này có được là do công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đã được thành phố Hà Nội triển khai toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ vậy, 3 mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 25-NQ/TƯ là: Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ; phát huy sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã đạt những kết quả rõ nét
Biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của hệ thống dân vận thành phố, đặc biệt là cấp cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TƯ, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn áp lực, thậm chí còn gay gắt hơn thời gian qua. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi hệ thống dân vận phải tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo để xây dựng các mô hình công tác dân vận tại các khu chung cư, khu tập trung đông công nhân, người thuê trọ…
Nhấn mạnh bài học kinh nghiệm quý được đúc rút từ quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với thời gian triển khai từ khi có chủ trương đến khi khởi công dự án chỉ trong vòng 1 năm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, kết quả quan trọng này chỉ có được khi làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và có được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, từ đó khơi lên khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đồng thời khẳng định, việc triển khai công tác dân vận “không thể đi một mình” mà phải kết hợp chặt chẽ với các nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng như: Tư tưởng, đạo đức, tổ chức và kiểm tra giám sát.
Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các quận, huyện rà soát các hương ước, quy ước của các làng xã đã có từ hàng trăm năm để gìn giữ và phát huy vai trò tự quản của các thôn làng, tổ dân phố, khu dân cư. Cùng vói đó, Ban Dân vận Thành ủy cần nghiên cứu, xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể để ứng dụng khoa học công nghệ, mạng xã hội vào việc triển khai công tác dân vận trong tình hình mới. Mục tiêu là để người dân nắm bắt được các thông tin chính thống một cách nhanh nhất, phổ biến nhất; qua đó, nắm bắt kịp thời tâm tư, diễn biến và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Cùng với đó cần nghiên cứu và tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả; tiếp tục triển khai các phong trào thi đua dân vận khéo; nghiên cứu sáng tạo các mô hình dân vận khéo thiết thực về an ninh trật tự, xoá đói giảm nghèo… và tổ chức lễ trao giải vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô để động viên, khích lệ nhân dân.
Nhấn mạnh chỉ khi có sự tự nguyện của nhân dân thì công tác dân vận mới trọn vẹn hơn, Phó Bí thư Thành ủy cũng mong muốn, thời gian tới hệ thống dân vận thành phố sẽ có thêm nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, qua đó đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển chung của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.