10 dự án tham gia vào chung kết cuộc thi “Bệ phóng khởi nghiệp" đều gắn với những sản phẩm thiết thực, ý nghĩa cho cuộc sống, nhiều sản phẩm đã được sản xuất ra thị trường.
Chiều 24-12, Thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức chung kết cuộc thi “Bệ phóng khởi nghiệp (STARTUP LAUNCHPAD)” lần thứ II, năm 2024, với sự tham gia tranh tài của 10 đội thi.
Sau khi phát động, cuộc thi đã quy tụ được gần 50 dự án xuất sắc, đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp đến từ 17 trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại vòng chung kết, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Việt Nam đang bước vào một Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là kỷ nguyên mà chúng ta phải dám nghĩ lớn, dám làm lớn và dám vượt qua giới hạn của chính mình. Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai mạnh mẽ các chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các bạn trẻ hiện thực hóa khát vọng của mình.
Cuộc thi Bệ phóng khởi nghiệp là một trong những minh chứng của sự sáng tạo, xung kích và tiên phong của tuổi trẻ Thủ đô trong việc đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đây không chỉ là một sân chơi để thỏa mãn niềm đam mê khởi nghiệp, sáng tạo của các bạn sinh viên Thủ đô, mà còn là cầu nối giữa những ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc, có tính khả thi cao với các nguồn lực, hỗ trợ thiết thực nhằm tạo một “bệ phóng” đưa các ý tưởng, dự án ấy đến gần hơn với thị trường và cộng đồng, góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, hiện đại và bền vững cho Thủ đô.
“Chúng tôi hy vọng rằng, từ sân chơi này sẽ khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp của các bạn sinh viên, thanh niên và những "hạt giống" khởi nghiệp hôm nay sẽ được vun trồng và phát triển, góp phần đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; đưa Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu của cả nước”, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố nhấn mạnh.
Trải qua vòng sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn được ra 10 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất để tham gia vòng chung kết. 10 dự án tham gia vào chung kết đều gắn với những sản phẩm thiết thực, ý nghĩa cho cuộc sống, nhiều sản phẩm đã được sản xuất ra thị trường.
Để chuẩn bị cho vòng chung kết, 10 dự án, ý tưởng xuất sắc của cuộc thi đã được tham gia các hoạt động “ươm mầm” với một chuỗi hội thảo đào tạo, hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm.
Tại vòng chung kết, các đội thi đã thuyết trình trước Hội đồng Ban giám khảo là các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân, quỹ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp, sẵn sàng đầu tư vào dự án tiềm năng.
Kết quả, giải Nhất thuộc về đội Neural of Things - Awake Drive - Hệ thống giám sát và duy trì độ tỉnh táo cho tài xế bằng công nghệ sóng não (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Giải Nhì thuộc về đội GypFoam - Vật liệu xây dựng đa năng từ phế thải nông nghiệp và công nghiệp (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) và Cánh cửa tương lai Easy-Comm, nền tảng hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính (Trường Đại học Mở Hà Nội).
Giải Ba thuộc về đội Align health - Số hóa quá trình phục hồi chức năng và vật lý trị liệu tại nhà với AI (Trường Đại học VinUni), RELIFE Phân than xanh Relife - Phân bón than sinh học vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp (Trường Đại học Thương mại); HERITAGE SPIRIT - Bộ thẻ HeritageflashXR (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.