Giới trẻ

Tuổi trẻ Thủ đô thi đua sáng tạo

Thu Hằng thực hiện 27/08/2024 - 07:21

“Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc” trong thanh thiếu niên và nhi đồng thành phố Hà Nội lần thứ 20 năm 2024 do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với các đơn vị hữu quan vừa tổ chức thành công.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi xung quanh sự kiện này.

ban-giam-khao.jpg
Ban Giám khảo chấm điểm các sản phẩm tham dự “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng” thành phố Hà Nội lần thứ 20, năm 2024.

- Ông có thể cho biết những điểm mới của cuộc thi năm nay?

- Đây là năm đầu tiên, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội được giao chủ trì cuộc thi. Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị triển khai sự kiện này bảo đảm khoa học, khách quan, đúng tiến độ.

Cuộc thi nhận được 571 đề tài, mô hình, sản phẩm tham dự, thuộc 5 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập (134 hồ sơ); phần mềm tin học (92 hồ sơ); sản phẩm thân thiện với môi trường (153 hồ sơ); dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em (113 hồ sơ); các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế (79 hồ sơ). Ban tổ chức đã trao 86 giải gồm: 1 giải Đặc biệt, 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 20 giải Ba và 50 giải Khuyến khích.

Năm nay, chúng tôi thành lập 5 hội đồng chuyên môn và mời các chuyên gia, nhà khoa học đủ kinh nghiệm và năng lực tham gia Ban Giám khảo, vừa chấm thuyết minh vừa khảo nghiệm sản phẩm. Vì vậy, tiết kiệm được thời gian thuê tổ chuyên gia kỹ thuật bên ngoài mà chất lượng chấm thi cũng bảo đảm hơn. Giá trị cho các giải thưởng (giải đặc biệt, nhất, nhì, ba, giải khuyến khích) đều được tăng lên.

- Ông có nhận xét gì về các đề tài, sản phẩm tham dự?

- Năm nay, cả 5 lĩnh vực dự thi đều có nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo rất phong phú của các em học sinh.

Các sản phẩm khá đa dạng, được thể hiện, lưu giữ dưới nhiều hình thức: Mô hình, video clip, phần mềm tin học, website, CD, USB... Nhiều mô hình được chuẩn bị công phu. Bên cạnh mô hình tĩnh, có rất nhiều mô hình động (có điện, điều khiển, lồng âm thanh…) rất sinh động, hấp dẫn, được tính toán và điều khiển khá chính xác. Tiêu biểu là đề tài Thiết kế và chế tạo mô hình “Lịch laser đồng bộ Mặt trời” (giải Nhất), “Mô hình hệ thống máy chiên củ, quả liên tục, chênh áp theo phương pháp cột chất lỏng” (giải Nhất); “Mô hình địa đạo Củ Chi” (giải Nhì), Mô hình: “Dinh Độc lập - Biểu tượng lịch sử đặc biệt về nền hòa bình dân tộc” (giải Ba); “Bản hòa ca của cát và ánh sáng” (giải Ba); Mô hình “Em yêu Hà Nội” (giải Ba)...

Đa số các đề tài đạt giải đều có sự kết hợp của nhiều ngành khoa học. Đề tài “Robot phát hiện và diệt khuẩn bằng vật liệu sinh học hiệu năng cao” (giải Đặc biệt) là sự kết hợp của kiến thức về sinh học, hóa học và khoa học máy tính; đề tài: “Mô hình hệ thống tưới tự động đa cảm biến tích hợp IoT” (giải Nhì); “Ứng dụng công nghệ IoT vào thiết bị giám sát và điều chỉnh môi trường nuôi baba giống tại miền Bắc” (giải Khuyến khích) là sự kết hợp của khoa học nông nghiệp và khoa học máy tính...

Một số đề tài mang hơi thở của cuộc sống như đề tài: “Hệ thống an toàn cho trẻ em trên ô tô sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh và giám sát nồng độ ô xy trong không khí” (giải Nhất); đề tài: “Cảnh báo vị trí ngọn lửa và hướng dẫn thoát hiểm” (giải Nhì)...

Nhiều đề tài, đặc biệt trong lĩnh vực giải pháp kỹ thuật và phần mềm tin học bám sát, nắm bắt kịp công nghệ của cuộc Cách mạng 4.0 (công nghệ IoT, công nghệ nhận diện hình ảnh, công nghệ robot, công nghệ thực tế ảo tăng cường, công nghệ trí tuệ nhân tạo…). Tiêu biểu là đề tài: “Bộ thiết bị hỗ trợ giám sát quy chế, nền nếp trong trường học” (giải Nhất); đề tài: “Ứng dụng công nghệ Lidar và chế tạo robot phục vụ công tác cứu hộ tại hầm mỏ hoặc tại các đám cháy nhà cao tầng” (giải Nhì)...

- Để nâng cao chất lượng cuộc thi cho các năm kế tiếp, Ban tổ chức có những kế hoạch gì, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo và Thành đoàn Hà Nội trong việc triển khai, tổ chức cuộc thi. Dự kiến trong tháng 9 tới chúng tôi sẽ gửi thông báo về thể lệ cuộc thi lần thứ 21 tới các trường, sớm hơn 6 tháng so với trước đây, để có thêm nhiều thời gian cho các bạn trẻ triển khai ý tưởng. Thời gian nhận sản phẩm cũng sớm hơn (cuối tháng 4) thay vì cuối tháng 5 là lúc các cháu bước vào kỳ thi chuyển cấp, nghỉ hè.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kết quả và ý nghĩa của cuộc thi, nhất là những quận, huyện chưa có học sinh tham gia. Tổ chức tổng kết, tuyên dương kịp thời các đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp cho thành công của cuộc thi.

Mục tiêu chung là động viên, khuyến khích tinh thần không ngừng học tập, đam mê khoa học để các sản phẩm do các em tạo ra ngày càng được hoàn thiện hơn. Những ý tưởng sáng tạo ban đầu sẽ được hun đúc, phát triển để trở thành năng lực sáng tạo đối với đông đảo học sinh Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuổi trẻ Thủ đô thi đua sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.