(HNMO) - Nếu bạn không phải là người giỏi chịu đựng, bạn thường bị áp lực đánh gục thì những công việc liên quan đến ngành khoa hoạc và giáo dục có vẻ phù hợp với bạn hơn là lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và thực thi pháp luật.
Theo số liệu thống kê của Occupational Information Network (O*NET) - Mạng thông tin nghề nghiệp và dữ liệu đầy đủ các thông tin chi tiết về các công việc do Bộ Lao động Mỹ cung cấp, Bussiness Insider đã liệt kê ra 10 công việc đặc biệt chỉ dành cho những người có khả năng chịu đựng áp lực công việc tuyệt vời.
Danh sách đưa ra dựa trên thống kê từ 900 công việc được khảo sát. Mức độ chịu đựng stress sẽ được tính theo thang điểm từ (0-100) - dựa trên mức độ chịu đựng sự chỉ trích và hiệu quả làm việc trong môi trường áp lực tương đối.
Cảnh sát, lực lượng cứu hoả, điều vận xe cứu thương: 99 (điểm)
Đây là những công việc đỏi hỏi tính tập trung và cường độ làm việc liên tục ở mức thời gian giới hạn do nó liên quan trực tiếp đến thiệt hại về của cải và tính mạng con người.
Y tá và trợ lí gây mê: 98
Đây là công việc được liệt kê vào danh sách những việc gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nhiều nhất. Hàng ngày xuất hiện hàng trăm bệnh nhân cần phải gây mê để phẫu thuật hoặc cấp cứu, các y tá và trợ lí buộc phải tiếp xúc với môi trường lây nhiễm bệnh tật, tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm và đặc biệt là tiếp xúc với bức xạ.
Bác sĩ sản khoa, phụ khoa; bác sĩ phẫu thuật: 97
Công việc của họ đòi hỏi sự tập trung và tính chính xác cao để không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của các bà mẹ và em bé. Ngoài ra, họ còn phải làm việc trong môi trường vô cùng căng thẳng khi phải vừa thực hiện ca mổ, vừa phải trấn an tinh thần của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Phi công, kỹ sư máy bay và phi công phụ: 95
Công việc của họ gắn liền với những bảng điện tử chi chít nút bấm và các số liệu, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Sự cẩn thận đến từng chi tiết của họ là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của chuyến bay.
Các nhà phân tích các tình hình thời sự, chính trị trên truyền hình: 95
Đối với công việc phân tích các vấn đề thời sự, ngoài sự hiểu biết sâu xa và kinh nghiệm còn đòi hỏi người làm phải có tầm nhìn chính trị. Hơn nữa, việc làm trên sóng truyền hình đồng nghĩa với tuyên truyền cho những người dân hiểu vấn đề nên đòi hỏi sự chính xác cao trong mức thời gian hạn chế.
Chuyên gia điều trị về tâm lí: 94
Tiếp xúc với nhiều người có bất ổn về tâm lí đòi hỏi các chuyên gia phải có tính nhẫn nại và sự nhiệt tình trong nghề. Đặc biệt, đối với trẻ em mắc các chứng tự kỷ, trầm cảm…chưa suy nghĩ và nhìn nhận được như người lớn nên việc giúp đỡ các em là cả một sự nỗ lực của người chuyên gia. Tuy không bị bó hẹp trong một khoảng thời gian nhất định nhưng việc thu nhận, xử lí và giải quyết các vấn đề tâm lí của nhiều người trong một ngày sẽ làm căng thẳng thần kinh và não bộ của những người trực tiếp làm việc.
Giám đốc điều hành: 94
Mọi người thường nghĩ rằng công việc bàn giấy thường khá nhàn hạ mà lương lại cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng để trở thành giám đốc điều hành của một doanh nghiệp hay một tập đoàn. Họ phải làm việc trong môi trường căng như dây đàn, mọi quyết định của họ có thể ảnh hưởng đến việc làm và cuộc sống của hàng trăm nhân viên trong công ty. Đặc biệt trong những thời kỳ kinh tế suy thoái, họ luôn ở trong tình trạng căng thẳng để cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng tất cả các công việc.
Chỉ huy quân đội: 94
Những người chỉ huy quân đội không phải trực tiếp tham gia cuộc chiến nhưng họ phải sát sườn với công việc bày binh bố trận. Quyết định của họ có thể trực tiếp liên quan đến tính mạng của những binh lính khác . Đây là công việc không chỉ đòi hỏi tầm nhìn nhạy bén mà còn phải có cả ý chí sắt đá.
Phóng viên ảnh: 94
Đây có thể công việc “hái ra tiền” ở nhiều quốc gia trên thế giới tuy nhiên đây cũng là một trong những công việc nguy hiểm đòi hỏi sự tập trung, nhanh nhẹn và chính xác. Để có được những khung hình đẹp về sự kiện hoặc những tình huống bất ngờ như hoả hoạn, tai nạn, chiến tranh… người phóng viên phải lăn xả vào hiện trường, bất chấp nguy hiểm để lấy được cảnh “đắt giá”. Đặc biêt, đây là nghề có sự cạnh tranh cao do sự phát triển của công nghệ, truyền thông.
Diễn viên múa: 94
Nhiều người cho rằng những công việc liên quan đến nghệ thuật đặc biệt là nhảy, múa thường không gây ra nhiều áp lực. Trên thực tế, công việc này lại gây khá nhiều căng thẳng cho người làm nghề. Trước mỗi buổi diễn là thời gian lựa chọn tiết mục, tập luyện với cường độ cao, chưa kể việc xử lí những chấn thương để kịp thời tham gia biểu diễn. Ngoài việc cảm thụ bản nhạc để thể hiện bài nhảy đúng theo tinh thần của tác giả và tác phẩm thì người nghệ sĩ múa luôn phải chuẩn bị tinh thần để xử lí những sơ suất không mong đợi trên sân khấu. Ngoài ra họ cũng chịu nhiều áp lực về tuổi tác và sự cạnh tranh gay gắt giữa những người trong nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.