(HNMO) - Một trong những điểm nhấn của Galaxy S20 mới mà Samsung vừa ra mắt rạng sáng 12-2 (giờ Việt Nam) là khả năng zoom tới 100X. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là tính năng “bình mới, rượu cũ”.
Chỉ có mặt trên phiên bản cao cấp nhất là Galaxy S20 Ultra, tính năng zoom 100X được hiện thực hóa nhờ cơ chế phóng ảnh Space Zoom (theo cách gọi của Samsung). Đây là sự kết hợp giữa ống kính quang học và các thuật toán nội suy, mà cụ thể là ống kính với khả năng zoom, cơ chế xử lý hình ảnh và cảm biến độ phân giải siêu cao.
Cụ thể, ở các cấp độ zoom thấp, Samsung Galaxy S20 Ultra sử dụng thuần túy ống kính tele 4X “gập” bên trên cảm biến 48 Mpx. Ống kính này có thêm một lăng kính để bẻ luồng sáng vuông góc qua các thấu kính, rồi vào cảm biến (xem ảnh). Kết cấu đặc biệt này giúp Samsung tích hợp thêm nhiều lớp thấu kính (đạt zoom 4x) mà không làm tăng độ dày của máy như cách chồng lớp thông thường.
Để có mức zoom từ 4X tới 10X, Galaxy S20 Ultra ứng dụng cơ chế zoom quang học kết hợp mà Samsung gọi là “zoom quang học không tổn hao” (lossless optical zoom), hay nói một cách nôm na là cắt cúp hoặc kết hợp điểm ảnh từ các cảm biến khác nhau.
Từ 10x tới 100x, Galaxy S20 Ultra sẽ sử dụng phương thức zoom số như truyền thống lâu nay, đồng nghĩa rằng mức zoom càng cao, độ nét và độ chi tiết ảnh sẽ càng thấp. Đối với S20 thường và S20 Plus, cơ chế zoom quang học kết hợp nói trên chỉ đạt 3X thay vì 10X, khiến tổng mức zoom cuối cùng chỉ đạt được 30X thay vì 100X như “đàn anh” S20 Ultra.
Cũng cần nói rằng, khái niệm hình ảnh “không tổn hao” mà Samsung sử dụng ở đây không hoàn toàn chính xác, bởi nó chỉ ám chỉ việc người dùng sẽ không nhận thấy chất lượng ảnh bị suy giảm khi chụp ở zoom tới 10X, chứ không mô tả việc dữ liệu của mỗi bức ảnh không suy giảm sau các điều chỉnh số.
Dĩ nhiên, phương thức đạt mức zoom 100X của Samsung không phải độc nhất vô nhị. Hồi năm ngoái, Huawei đã từng áp dụng thủ thuật tương tự cho mẫu P30 Pro vốn cũng sử dụng ống kính gấp tương tự.
Mẫu máy này cũng đạt được mức zoom quang học không tổn hao ở mức 10X, nhờ sử dụng cảm biến 8Mpx lắp dưới ống kính tele zoom quang học 5X, rồi “lấy thêm” dữ liệu từ máy ảnh chính 40 Mpx (dưới ống kính góc rộng thông thường), từ đó kết hợp tạo ra hình ảnh. Khi kết hợp với cơ chế nội suy thông thường, mức zoom tối đa của P30 Pro đạt 50X.
Tuy nhiên, thử nghiệm thực tế cho thấy những bức ảnh trong điều kiện ánh sáng tốt chỉ duy trì được chất lượng đủ sử dụng tới khoảng 32X mà thôi. Ngoài Huawei P30 Pro, một điện thoại khác của năm 2019 cũng có cơ chế zoom tương tự là Oppo Reno, với “tổng zoom” đạt 60X. Thử nghiệm thực tế cho thấy, các ảnh zoom với độ phân giải 13 Mpx thu từ điện thoại Oppo khá tốt trong điều kiện đủ sáng, nhưng rất mờ trong điều kiện thiếu sáng.
Như vậy, có thể thấy Galaxy S20 Ultra không hề mới về mặt công nghệ. Vậy Samsung đã tạo ra ưu thế riêng cho sản phẩm mới này nhờ món gì?
Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở phần cứng tiên tiến hơn. Trong khi cảm biến tele của Huawei P30 Pro chỉ là 8Mpx, Oppo Reno là 13 Mpx thì bên dưới ống kính tele của Galaxy S20 Ultra là cảm biến 48 Mpx, tức là to hơn nhiều lần.
Tương tự như vậy, máy ảnh chính của điện thoại mới nhà Samsung có cảm biến lên tới 108 Mpx (thay vì 40 Mpx trên máy của Huawei hay 48 Mpx trên máy của Oppo). Việc kết hợp hai cảm biến với độ phân giải vượt trội giúp Samsung thu về nhiều dữ liệu hơn, qua đó duy trì chất lượng hình ảnh tốt hơn, nhiều chi tiết hơn trên các bức hình zoom xa của Galaxy S20 Ultra.
Bên cạnh đó, cũng phải kể tới những “bí mật” về phần mềm xử lý ảnh mà Samsung sử dụng cho sản phẩm của mình. Đây cũng là yếu tố đem lại tỉ lệ hiệu quả lớn trong việc cải thiện chất lượng hình ảnh cuối cùng mà người dùng thu được. Thực tế, Apple iPhone 11 Pro mới nhất cũng chỉ sử dụng máy ảnh 12 Mpx, nhưng cho hình ảnh chất lượng rất tốt.
Tuy nhiên, chắc chắn khi những chiếc Galaxy S20 Ultra đầu tiên được lên kệ bán lẻ, người dùng sẽ có cái nhìn thực tế rõ ràng hơn để đưa ra lựa chọn. Cuộc đối đầu chất lượng ảnh chụp của Galaxy, iPhone, Pixel năm 2020 chắc chắn cũng sẽ sôi động và thú vị không kém các năm trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.