Theo dõi Báo Hànộimới trên

YouTube trao ''bằng khen'' cho Khá Bảnh, cổ súy kiếm tiền bẩn

Theo Xuân Tiến/Zing| 04/04/2019 09:02

Chính sách của YouTube không chấp nhận kênh như Khá Bảnh, nhưng thực tế, YouTube vẫn trao nút vàng, nút bạc cho

Ngày 3-4, YouTube chính thức xóa bỏ kênh của Khá Bảnh. Động thái này được đưa ra sau khi báo chí phản ánh, dư luận lên cao và Bộ TT&TT yêu cầu gỡ bỏ kênh Khá Bảnh.

Tuy vậy, trong email gửi đến báo chí, YouTube không hề thừa nhận Khá Bảnh vi phạm chính sách cộng đồng của mình. Bởi lẽ suốt 2 năm ròng rã, YouTube vẫn ăn chia hàng trăm triệu đồng với Khá Bảnh bằng việc gắn quảng cáo của nhãn hàng lên các video phản cảm.

Bên cạnh đó, YouTube còn khuyến khích kênh Khá Bảnh bằng việc trao thưởng nút vàng, nút bạc và ăn chia hàng trăm triệu đồng tiền quảng cáo mỗi tháng với Khá Bảnh.

Tất cả những gì YouTube quan tâm là tiền

Dưới đây là nội dung YouTube trả lời Zing.vn về trường hợp của Khá Bảnh:

"Gần đây, chúng tôi đối mặt với các hành vi tiêu cực của một số YouTuber làm tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trong mắt các nhà quảng cáo, ngành công nghiệp truyền thông và quan trọng nhất là công chúng. Đối với những hành vi này, chúng tôi cam kết thắt chặt các chính sách của YouTube và sẽ thông tin một cách nhanh chóng và minh bạch hơn. Chúng tôi đã ban hành các biện pháp xử lý mới đối với những trường hợp cá biệt khi hành vi tiêu cực của một nhà sáng tạo làm ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng".

Trao nút vàng cho Khá Bảnh, YouTube đang "khen thưởng" cho những video bạo lực.


Như vậy, kênh YouTube của Khá Bảnh bị xóa là bởi nó làm "tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trong mắt các nhà quảng cáo". YouTube không thừa nhận đây là nội dung xấu, độc hại với người xem. "Hành vi tiêu cực tổn hại hình ảnh" là khái niệm mơ hồ, không nêu được bản chất những gì đang xảy ra với kênh Khá Bảnh.

Ngoài ra, "các biện pháp xử lý mới" của YouTube thực chất trích từ bài viết trên blog của YouTube từ cách đây hơn một năm, đăng đầu năm 2018. Trong đó YouTube cho rằng các trường hợp ảnh hưởng xấu đến cộng đồng "rất hiếm" nhưng "gây tổn hại đến uy tín và doanh thu của những người sáng tạo khác", trong đó hiển nhiên có doanh thu của YouTube.

Điều YouTube quan tâm nhất vẫn là tiền. YouTube chỉ quan tâm hành vi tiêu cực của Khá Bảnh ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà sáng tạo trong mắt nhà quảng cáo, thứ trực tiếp ảnh hưởng đến "chén cơm" của YouTube thay vì chấp nhận thực tế việc các video vi phạm chính sách của chính mình được dung túng kiếm tiền bẩn trong suốt 2 năm qua.

YouTube trao "bằng khen" và nuôi sống Khá Bảnh

"Don't be evil" (không thành kẻ xấu) là khẩu hiệu kinh doanh của Google. Nhưng qua vụ Khá Bảnh và bộ mặt hiện tại của YouTube, chính Google đang là bầu sữa nuôi sống cái xấu, cái ác.

Trong chính sách của mình, YouTube ghi rõ những nội dung không được bật quảng cáo:

- Video mô tả các nhân vật hoặc nội dung giải trí gia đình, dù là hoạt hình hay do người thật đóng vai, tham gia hành vi bạo lực, cực kỳ gây khó chịu hoặc có hành vi không phù hợp, ngay cả khi thực hiện vì mục đích hài hước hoặc châm biếm.

- Nội dung kích động người khác quấy rối hoặc đe dọa cá nhân trên hoặc ngoài YouTube.

- Nội dung đe dọa những cá nhân cụ thể bằng việc gây tổn thương cơ thể hoặc phá hủy tài sản.

- Cảnh quay, âm thanh hoặc hình ảnh có liên quan đến đánh nhau trên đường phố, các vụ tấn công gây thương tích.

Khá Bảnh ngang nhiên cầm đao, gậy ra đường để quay video.


Như vậy, có đầy đủ bằng chứng cho thấy các video của Khá Bảnh không đủ điều kiện để bật kiếm tiền trong suốt 2 năm.

Thế nhưng, không những không ngăn chặn những nội dung này tiếp cận người dùng, YouTube còn khuyến khích chúng.

Cụ thể, YouTube trao nút bạc, nút vàng khi kênh của Khá Bảnh đạt 100.000 và 1.000.000 lượt đăng ký. Trong một video, Khá Bảnh tuyên bố sẽ cố gắng trở thành người Việt Nam đầu tiên có nút kim cương.

Trong trường hợp này, YouTube như một ngôi trường, Khá Bảnh như một cậu học sinh ngỗ nghịch. Ngôi trường có hai cách để thu hút lượt xem là có thật nhiều học sinh giỏi hoặc học sinh hư.

Khá Bảnh được trao nút vàng như phần thưởng khuyến khích sự hư hỏng của cậu. Sự hư hỏng này gây chú ý cho nhiều người. Từ sự chú ý này, YouTube thu được nhiều lượt xem và tiền từ quảng cáo hơn.

Sau 2 năm trao thưởng cho cậu học sinh Khá Bảnh, trước sự lên án của cộng đồng YouTube "bất chợt nhận ra" học sinh này ảnh hưởng đến các bạn khác và bị đuổi khỏi trường.

Sự khuyến khích này thể hiện rõ nhất qua việc Khá Bảnh cho biết ban đầu nhân vật này không có ý định làm YouTube. Kể từ clip ra tù được nhiều anh em chào đón đạt 13 triệu view và kiếm được tiền, Khá Bảnh cùng đàn em mới đi theo con đường này.

Từ lúc đạt 13 triệu lượt xem, "cậu học sinh ngỗ nghịch" Khá Bảnh được "nhà trường" YouTube khuyến khích "cứ hư đi" bằng việc cấp "bằng khen" là nút bạc, nút vàng cùng số tiền quảng cáo mỗi tháng rót vào tài khoản.

Phó mặc kiểm duyệt cho người dùng

YouTube thừa nhận không có hệ thống tự động nào là hoàn hảo và chính họ cũng không thể xem thủ công tất cả các video. Vì vậy người dùng nếu thấy trường hợp vi phạm tốt nhất nên báo cáo cho họ.

Tuy vậy, người dùng thường không có thói quen báo cáo. Bằng chứng là việc các video "giang hồ mạng", nhiều nội dung bẩn, độc hại, vi phạm chính sách của YouTube vẫn tồn tại nhiều năm. Nếu không ai báo cáo, những video này vẫn tiếp tục kiếm tiền từ quảng cáo.

Giang hồ, nội dung bạo lực lọt top thịnh hành của YouTube.

YouTube cam kết "nhân viên YouTube sẽ xem xét các video và người dùng bị gắn cờ 24/7 để xác định xem video/người dùng có vi phạm Nguyên tắc cộng đồng không".

Trên thực tế, phản ứng này rất chậm và chỉ xảy ra khi cộng đồng phản ứng thật sự gay gắt.

Trường hợp của Free Hess, một bác sĩ nhi khoa ở Florida, Mỹ là một ví dụ điển hình. Free Hess cho biết khi đang cùng con xem video về game Splatoon của Nintendo trên YouTube Kids, cô phát hiện một đoạn có hình ảnh một người đàn ông đeo kính râm, cầm con dao tưởng tượng và hướng dẫn trẻ cách cắt tay.

“Nhớ nhé mấy nhóc, cắt ngang để có được sự chú ý, cắt dọc nếu muốn đạt kết quả”, gã vừa nói, vừa mô phỏng hành động dùng dao rạch cổ tay. “Hãy kết liễu cuộc đời mình đi”.

Trong trường hợp của Free Hess, dù đã báo cáo lên YouTube, video trên vẫn tồn tại nhiều tuần liền. Đến khi những video này được gỡ bỏ, nó đã tiếp cận với hàng triệu khán giả nhí và hướng dẫn chúng tự sát.

Free Hess muốn YouTube phải phản ứng nhanh hơn khi người dùng báo cáo video vi phạm. “Chỉ gỡ những video đó thôi là chưa đủ. Tôi muốn nội dung độc hại phải bị xóa ngay lập tức khi bị báo cáo”.

Ai chưa thể giải quyết vấn đề nội dung

Năm 2017, giám đốc kinh doanh của Google - Philipp Schindler cho biết, ông đã yêu cầu nhiều nhân lực hơn để giám sát các vấn đề về nội dung, nhưng nhấn mạnh rằng chỉ có trí thông minh nhân tạo mới có thể đáp ứng nổi quy mô của YouTube.

"Vấn đề không thể giải quyết được bởi con người và không nên được giải quyết bởi con người", Schindler nhận định.

Sau hai năm đặt lòng tin vào AI, YouTube vẫn chưa hoàn toàn khắc phục những yếu kém trong khâu kiểm duyệt.

Theo CNN, với một lượng lớn bài đăng xuất hiện trên các trang này mỗi ngày, sự kết hợp giữa con người và máy móc khó có thể đáp ứng nổi nhu cầu kiểm duyệt.

Một video hủy hoại môi trường, liên quan chất nổ đúng những gì chính sách YouTube cấm vẫn hiển thị quảng cáo với gần 4 triệu lượt xem.


"AI vẫn còn phải phát triển thêm rất lâu mới có thể hiểu được ngôn ngữ thù hằn, bạo lực, khiêu dâm", CNN viết.

Trí tuệ nhân tạo có thể nhận ra những nội dung bẩn dựa vào những gì chúng được học trong các bối cảnh cụ thể. Nếu cho AI học hình ảnh súng ống và các nội dung tôn giáo, nó chỉ có thể áp dụng cho những trường hợp tương tự. Tuy nhiên, không phải vụ thảm sát nào cũng giống nhau.

"Muốn phát hiện được ngôn ngữ kích động bạo lực thì bối cảnh là yếu tố quan trọng nhất", Daniel Lowd, Phó Giáo sư tại Đại học Oregon, người nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và học máy.

Một số trường hợp, các phát ngôn bạo lực lại dùng để châm biếm, phản đối. Ngược lại, một số lời lẽ nghe có vẻ hòa nhã lại gây thù hắn tùy theo văn hóa từng vùng.

"Từ ngữ sẽ gây tác động rất lớn nếu đặt trong bối cảnh văn hóa phù hợp", Lowd nói.

Cũng theo Phó Giáo sư Lowd, ngay cả con người cũng khó nhận ra đâu là bạo lực trong các video chứ đừng nói những cỗ máy được đào tạo.

"Hàng trăm nghìn giờ video là những gì các công ty này kinh doanh. Đó thực sự là những gì họ chào mời và những gì họ muốn". Roberts, Giáo sư tại UCLA, người nghiên cứu kiểm duyệt nội dung và phương tiện truyền thông xã hội cho biết.

Không thể đổ lỗi nền tảng quá lớn để thoái thác trách nhiệm

YouTube không thể viện lý do nền tảng quá lớn để cho rằng họ không thể kiểm soát hoàn toàn.

Google có AI chiến thắng cả loài người trong trò cờ vây. Google có những trợ lý ảo giao tiếp như người thật. Việc tiếp tục đầu tư vào AI kiểm duyệt nội dung là điều Google phải làm khi doanh thu từ YouTube chiếm tỷ trọng cao của tập đoàn này. Nói cách khác, nếu YouTube kiếm được 10 đồng, hãy bỏ ra 1 đồng để đầu tư nghiêm túc cho kiểm duyệt, thay vì chỉ vài xu như hiện nay.

Việc để những kênh giang hồ tự sinh và chỉ diệt khi có phản ứng từ cộng đồng cũng tạo nên sự bất công với những nhà sáng tạo nội dung chân chính.


Nếu AI bất lực, Google cần có đội ngũ kiểm duyệt thủ công để giải quyết bài toán nội dung bởi các nhãn hàng chi tiền để hiển thị quảng cáo, họ có quyền lợi chính đáng được bảo vệ.

Ngoài ra, YouTube cần thừa nhận việc một kênh 2 triệu người đăng ký, thường xuyên vào top thịnh hành chiếu những nội dung vi phạm chính sách, phản cảm là một sự dung túng, ngó lơ. Việc kiểm soát nội dung những kênh lớn có tầm ảnh hưởng và tab thịnh hành không quá khó khăn với YouTube trừ khi họ không muốn làm.

Tóm lại, việc YouTube xóa kênh Khá Bảnh chỉ được xem là hành động đối phó, xoa dịu dư luận bởi những "đại ca giang hồ", khác với nội dung tương tự vẫn tồn tại và kiếm tiền trên nền tảng này.

Điển hình là các kênh như Huấn Hoa Hồng, Hoa Mộc Miên, Dương Minh Tuyền và nhiều kênh đăng lại nội dung của Khá Bảnh.

Việc YouTube để những kênh giang hồ tự sinh sôi và chỉ diệt khi có phản ứng từ cộng đồng cũng tạo nên sự bất công với những nhà sáng tạo nội dung chân chính.

YouTube trao nút bạc, nút vàng cho những "đại ca giang hồ mạng" kiểu Khá Bảnh là một cách định hướng cho những người làm nội dung YouTube đi làm video bẩn để kiếm tiền và có hư danh.

Đó là lý do vì sao YouTube Việt tràn ngập những video giang hồ, dùng chất kích thích, thực hiện những thử thách phản cảm như thử ăn chất thải, rình bạn gái tắm, ném dưa hấu từ tòa nhà cao tầng...


Ngăn chặn kênh YouTube kiểu Khá Bảnh thế nào? Xử lý trực tiếp đối tượng, gỡ bỏ nội dung xấu, làm việc với ngân hàng Nhà nước để ngăn dòng tiền đổ vào các kênh là các biện pháp được đưa ra. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
YouTube trao ''bằng khen'' cho Khá Bảnh, cổ súy kiếm tiền bẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.