(HNM) -
Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế Thanh Oai Dương Bá Mẫn, khi bắt tay vào triển khai công tác DĐĐT năm 2013, một bộ phận nhân dân vẫn chưa thông, còn nhiều ý kiến trái chiều nên ban đầu huyện không đặt mục tiêu hoàn thành 100% diện tích phải DĐĐT trong năm 2013, mà chỉ đề ra kế hoạch thực hiện được khoảng hơn 60% diện tích. UBND huyện đã thành lập các tổ công tác trực tiếp phụ trách từng xã. Hằng tuần, Ban chỉ đạo huyện tổ chức giao ban với Ban chỉ đạo các xã, thị trấn để nắm bắt tình hình, tiến độ thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Phương châm chỉ đạo của huyện là tất cả các phương án DĐĐT phải được công khai bàn bạc, thảo luận, thống nhất thông qua các cuộc họp dân ở xã, thôn, cụm dân cư. Tính đến cuối tháng 10-2013, các xã đã tổ chức được 279 cuộc họp; cấp thôn lên tới 849 cuộc, nhiều buổi họp diễn ra từ tối hôm trước đến 1-2h sáng hôm sau. Chỉ riêng xã Thanh Mai đã có 108 cuộc họp về DĐĐT, trong đó thôn My Thượng họp tới 38 cuộc nên từ chỗ là địa phương gặp nhiều khó khăn khiến huyện phải tập trung giải quyết thì nay lại là xã làm tốt nhất. Tại nhà của các trưởng thôn trong xã treo kín bản đồ, sơ đồ, phương án DĐĐT, bất cứ người dân nào cũng có thể đến xem được. Chính việc công khai này đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân về công tác DĐĐT.
Máy xúc hoạt động suốt ngày đêm trên cánh đồng của xã Xuân Dương. |
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đúng vào ngày Kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10-10-2013, huyện Thanh Oai đã đồng loạt ra quân thi công giao thông thủy lợi nội đồng cho gần 4.000ha đất lúa còn lại ở 83 thôn của 19 xã, thị trấn. Toàn huyện đã huy động hơn 100 máy xúc các loại, bình quân mỗi xã từ 6-8 máy để tiến hành công việc này. Tất cả đường trục chính giao thông nội đồng được thiết kế rộng 4-5m, đường vùng rộng 3-4m và được kết nối với nhau. Dự kiến trong đợt ra quân này, toàn huyện Thanh Oai đào đắp khoảng 2 triệu mét khối đất với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Theo quy định, TP Hà Nội hỗ trợ 50%, huyện hỗ trợ 20% kinh phí đào đắp, còn lại là xã và nhân dân đóng góp. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, trong khi chờ thành phố phê duyệt, huyện quyết định trích ngân sách ứng trước 70% kinh phí hỗ trợ (gồm cả phần ngân sách thành phố).
Không những thế, ngoài kinh phí của thành phố hỗ trợ mỗi héc ta 1 triệu đồng, huyện còn hỗ trợ thêm 300.000 đồng/ha cho Ban Chỉ đạo DĐĐT các xã, thị trấn và để động viên, khích lệ các đơn vị làm tốt công tác DĐĐT. Đến nay, Thanh Oai đã thưởng nóng cho 12 xã và 12 tổ công tác thực hiện tốt với tổng số tiền là 87 triệu đồng. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn ra quân, toàn huyện đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng công việc và phấn đấu hoàn thành trong tháng 11 để đến hết năm 2013 thực hiện xong DĐĐT, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Chủ tịch UBND xã Cao Dương Đỗ Cường cho biết: Tổng số đường giao thông nội đồng của xã cần phải thực hiện đợt này là khoảng 20km, đến nay cơ bản đã đào đắp xong. Bằng nguồn vốn của huyện, xã và nhân dân đóng góp, địa phương cũng đã cứng hóa được 6km đường nội đồng.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên cho rằng, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo là yếu tố quyết định sự thành công của công tác DĐĐT. Cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm, gương mẫu làm trước thì người dân mới tin tưởng làm theo. Chỗ nào ruộng xấu, khó làm thì cán bộ, đảng viên, trưởng thôn nhận trước, từ đó tạo được niềm tin trong nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.