Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yếu công nghệ sẽ khó cạnh tranh

Hồng Sơn| 04/11/2014 06:17

(HNM) - Áp lực nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ càng trở nên



Đây là nội dung chính của hội thảo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp DN” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức ngày 3-11, tại Hà Nội.

"Gót chân Asin"

Đến nay, DN dân doanh chiếm khoảng 97% tổng số DN cả nước, chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tuy dễ thích nghi và chủ DN dễ quyết định phương án sản xuất - kinh doanh nhưng vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu không dễ khắc phục. Đó là phần lớn DN đều có mức vốn nhỏ, từ 5 đến 20 tỷ đồng, phải dựa vào vốn vay ngân hàng để kinh doanh. "Cái khó bó cái khôn" đã kìm hãm sự năng động của DN trước mục tiêu cần huy động vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất "ra tấm ra món" trước sự thay đổi rất nhanh trên thị trường. Điểm yếu nữa là đội ngũ người lao động trong DN vốn không đồng đều; khó tiếp thu, vận hành dây chuyền, công nghệ sản xuất tiên tiến. Đây là 2 tồn tại được xem là "tật cố hữu" của cộng đồng DNVVN Việt Nam. Ngoài ra, ý thức đổi mới công nghệ của các DN cũng rất thấp, bởi chỉ có 6,4% chủ DN có khoản đầu tư cho mục tiêu này.

Áp dụng công nghệ tiên tiến sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải


Sự hạn hẹp về tiềm lực tài chính cùng hạn chế về công nghệ cùng với năng lực điều hành, kiến thức kinh doanh của chủ DN thật sự là nguyên nhân dẫn đến sự thua thiệt, lép vế trước DN nước ngoài trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Do sử dụng dây chuyền sản xuất, công nghệ lạc hậu nên phần lớn DN dân doanh đang phải chấp nhận mức tiêu thụ năng lượng gấp 1,3-1,5 lần để làm ra một sản phẩm cùng chủng loại của DN nước ngoài như Thái Lan, Indonesia. Đáng lo ngại hơn là, một khi chi phí đầu vào tăng cao, buộc chủ DN phải xác định giá bán sản phẩm ra thị trường cao hơn so với hàng nước ngoài thì sẽ dẫn đến tình trạng khó bán sản phẩm. Nói cách khác, hàng Việt có nguy cơ suy giảm sức cạnh tranh là căn nguyên nảy sinh thực tế "thua trên sân nhà" trong tương lai gần do mất sức cạnh tranh.

Các chuyên gia nhấn mạnh, nguy cơ đã nhãn tiền bởi cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành ngay trong năm 2015, với mức độ cạnh tranh tăng cao. Mức cạnh tranh sẽ nóng hơn khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand… Khi đó, thuế suất sẽ giảm rất nhanh để tiến dần về 0%. Việc các tập đoàn lớn của Hàn Quốc gồm Samsung, LG… vừa công bố cần tìm khoảng 100 DN Việt làm nhà cung cấp linh kiện nhưng "bói mãi không ra" là một ví dụ cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng yếu kém về công nghệ của DN trong nước.

Tập trung các nguồn lực, thúc đẩy tiếp nhận công nghệ

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, việc sử dụng công nghệ như thế nào, có đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài ở mỗi DN hay không là yêu cầu quan trọng hàng đầu; từ đó xác định sức cạnh tranh của đơn vị nói riêng cũng như quốc gia nói chung. Theo nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, những năm gần đây Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, song cũng đang đứng trước nhiều thách thức để có thể củng cố và nâng cao khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Mục tiêu của việc tiếp nhận, sử dụng công nghệ mới sẽ giúp DN nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng tính trên mỗi sản phẩm; đặc biệt là đối với hàng xuất khẩu.

Theo nhiều chuyên gia, kết quả tiếp nhận và chuyển giao công nghệ (CGCN) của DN trong nước còn hạn chế, nhất là đối với khu vực kinh tế dân doanh; thể hiện ở việc chủ yếu nhận CGCN giữa các đơn vị trong nước; trong khi đó, việc CGCN từ các DN đầu tư nước ngoài - với công nghệ hiện đại, cho DN nội cũng chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, cần có chính sách và khuyến khích việc chủ động thực hiện CGCN giữa các DN, với sự định hướng từ các cấp; ngành, địa phương cũng như giữa từng DN trong cùng lĩnh vực…, cần tạo ra sự lan tỏa trong tiếp nhận, CGCN trên diện rộng, trong đó kết hợp với việc khuyến khích DN nội làm tốt công tác nghiên cứu và ứng dụng phát triển sản phẩm (R&D) trên cơ sở sáng tạo.

Chính phủ đang xác định sẽ hỗ trợ DN trong quá trình ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Cụ thể, dự án nhằm tạo ra sản phẩm mới được hỗ trợ 30% vốn đầu tư, tăng lên 50% nếu thực hiện ở vùng KT-XH khó khăn; sẽ hỗ trợ trong tiếp thị và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa DN Việt Nam và đối tác đến từ các nước công nghiệp phát triển, như Hàn Quốc, Nhật Bản… đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu được kết quả tốt trong tương lai gần. Đơn cử như DN Nhật Bản đã và đang CGCN đánh bắt và sơ chế cá ngừ đại dương cho ngư dân Việt Nam, hay việc một số DN Hàn Quốc dự định sẽ chuyển giao 100 công nghệ thuộc những lĩnh vực quan trọng như cơ khí chế tạo, da giày, ô tô, điện - điện tử… cho đối tác Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Yếu công nghệ sẽ khó cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.