Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yêu cầu cơ sở nước tương công bố chỉ tiêu 3-MCPD

HONGHAI| 02/08/2005 13:24

Sáng nay, Sở Y tế TP HCM ban hành công văn yêu cầu các cơ sở sản xuất nước tương, xì dầu, dầu hào trên địa bàn thành phố phải đăng ký công bố hàm lượng 3-MCPD. Thời hạn đăng ký chậm nhất đến ngày 30/8.

Chỉ tiêu 3-MCPD sẽ được các cơ sở sản xuất nước tương công bố.

Sáng nay, Sở Y tế TP HCM ban hành công văn yêu cầu các cơ sở sản xuất nước tương, xì dầu, dầu hào trên địa bàn thành phố phải đăng ký công bố hàm lượng 3-MCPD. Thời hạn đăng ký chậm nhất đến ngày 30/8.

Theo công văn, nếu quá thời hạn này mà các cơ sở chưa bổ sung hàm lượng 3-MCPD vào hồ sơ công bố Tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì xem như chưa công bố. Hồ sơ của cơ sở được công bố trước đó, nhưng chưa có hàm lượng 3-MCPD, coi như không còn giá trị.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang cho biết, việc yêu cầu công bố bổ sung hàm lượng 3-MCPD là nhằm tạo cơ sở cho hoạt động kiểm tra, xử phạt nếu các cơ sở sản xuất nước tương, xì dầu, dầu hào vi phạm. "Khi các cơ sở sản xuất đăng ký công bố chất lượng sản phẩm thì trường hợp kiểm tra phát hiện có vi phạm hoặc kinh doanh không đúng theo tiêu chuẩn đã đăng ký mới có thể tiến hành xử phạt được", ông Giang nói.

Ngày lấy mẫu tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất nước tương, xì dầu, dầu hào trên địa bàn thành phố sẽ được Sở Y tế quyết định vào chiều ngày mai sau cuộc họp với Thanh Tra Bộ Y tế tại TP HCM. Mức độ thành phần kiểm tra, quy mô và số lượng cơ sở sẽ được lấy mẫu... cũng sẽ được quyết định vào chiều ngày mai. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng: "Sẽ còn tùy thuộc vào khả năng xét nghiệm của các đơn vị làm dịch vụ phân tích thí nghiệm của Việt Nam và kinh phí hoạt động".  

Ngày 25/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 11/2005 về việc Quy định về hàm lượng 3-MCPD trong nước tương, xì dầu, dầu hào. Theo quy định này, hàm lượng 3-MCPD trong các sản phẩm này không được vượt quá 1mg/kg. Việc xác định 3-MCPD theo phương pháp thử 52 TCN - TQTP 0010:2005 - Thường quy kỹ thuật xác định 3-monoclo propan 1,2 diol trong một số loại nước chấm gia vị.

Tuy nhiên tháng 7 ăn chay đang đến gần. Rất nhiều người tiêu dùng đang tỏ ra hoang mang về việc có nên tiếp tục sử dụng nước tương hay không. Bà Nguyễn Quế Hoa, 65 tuổi ngụ tại quận Bình Thạnh thường xuyên ăn chay vào dịp rằm tháng 7 băn khoăn: "Có lẽ tôi chuyển sang ăn tương hay chỉ mua nước tương do nhà chùa làm theo phương pháp lên men truyền thống mà thôi". Còn chị Hai Thanh, quận 1 thì cho biết: "Tôi sẽ mua nhiều loại nước tương hay nước chấm chay để ăn cùng một lúc. Theo tôi, làm như vậy chất gây ung thư có cũng không đủ lượng để gây bệnh".

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang cũng đề nghị các cơ sở sản xuất tự chủ động công bố chất lượng nước chấm các loại để làm yên lòng người tiêu dùng, không nên chờ kết luận của các cơ quan chức năng mới công khai chất lượng. Ông Giang cũng khuyến cáo người dân nên chọn mua những sản phẩm nước chấm có quy trình sản xuất theo phương pháp lên men truyền thống. "Tuy nhiên, thông thường khó mà phân biệt loại nước chấm nào lên men truyền thống hay công nghiệp nên nhiều người tiêu dùng chọn lựa theo cảm tính và niềm tin vào sản phẩm", ông Giang nhận xét.

Theo VNE

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu cơ sở nước tương công bố chỉ tiêu 3-MCPD

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.