(HNM) - Tháng 1, tháng 2 âm lịch - tháng của những hội vật làng. Trong những hội vật nổi tiếng nhất ở Đồng bằng Bắc bộ chắc phải kể đến hội vật làng Yên Nội (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) vào ngày 12-2.
Hội vật nơi đây cũng là dịp để người dân thể hiện tình yêu với vật, môn thể thao đã gắn bó với không biết bao nhiêu thế hệ người Yên Nội. Để rồi vật như một nét riêng, khiến người Yên Nội tự hào…
Trồng lúa và đấu vật
Yên Nội không có nghề phụ, chỉ có mỗi nghề chính là trồng lúa. Lúa đem lại cơm ăn cho người nơi đây, còn vật đem lại sự phong phú về đời sống tinh thần cho họ. Ở Yên Nội từ những đứa trẻ cho đến những người lớn tuổi đều biết đến vật. Cánh đàn ông ham vật đã đành, phụ nữ cũng thích môn này. Chẳng gì, tiếng trống hội vật cũng đã đi theo họ từ lúc bé xíu. Cứ đến hội làng, sới vật đông nghẹt giới nữ trong thôn. Họ hò reo cổ vũ chỉ trỏ, bình bán nhau về những thế vật chẳng kém cánh đàn ông. Thậm chí ngày trước khi có hội vật làng khác thì các bà các chị còn dắt cả con cái rồng rắn tới xem. Mẹ HLV đội vật Quân đội Nguyễn Quang Long kể rằng, những năm 1980 bà cứ dắt các con đi xem vật ở các hội làng khác, đến bữa trưa khi người ta đánh chén trong quán thì mẹ con bà chỉ ngồi gốc tre ăn chút cơm nắm, ăn xong lại vào xem tiếp đến tối mịt mới về. Chuyện như nhà bà trong thôn lúc ấy không hiếm. Bây giờ chuyện này không nhiều nhưng tình yêu môn vật của người Yên Nội không suy xuyển là mấy. Vì thế, nếu lãnh đạo thôn cứ hô đóng góp cho hội vật làng là nhân dân hào hứng tham gia ngay.
Miếng đánh tuyệt chiêu của đô vật Yên Nội Phí Hữu Tình (tại giải Vô địch vật toàn quốc 1993). |
Ông Nguyễn Đình Khinh, một trong những đô vật được nể trọng nhất thôn bảo rằng hội vật có lẽ đã xuất hiện ở Yên Nội từ gần 400 năm nay, khi đình làng được khánh thành. Từng ấy thời gian gắn bó với người Yên Nội nên người ở đây mê vật như điếu đổ. Họ đã làm hội vật ngày 12-2 âm lịch trở nên nổi tiếng và đến giờ mỗi dịp tổ chức có đến hàng trăm đô từ khắp nơi về đây tranh tài.
Những kỳ tích
Mê vật rồi như lẽ đương nhiên, người Yên Nội cũng nổi tiếng giỏi vật. Trai làng Yên Nội đã chinh phục không biết bao nhiêu giải vật làng ở xứ Đoài. Bây giờ các cụ lớn tuổi trong thôn vẫn nhớ về đô vật Nguyễn Đình Bảng người gầy guộc nhưng khi đã "nằm bò" thì không ai nhấc lên được. Hay đô Bảy Phạn có biệt danh "trâu trắng" nổi tiếng với miếng ép ván - khóa tay bẻ lưng. Sau lứa các cụ, Yên Nội còn sinh ra nhiều đô tài danh khác. Tài vật của họ khiến các HLV không thể bỏ qua khi tuyển chọn VĐV cho các cuộc đấu lớn. Đến giờ việc HLV Nguyễn Đình Khinh và 3 đô vật là Phí Hữu Tình, Nguyễn Đình Chi, Nguyễn Văn Công được tham dự Olympic 1980 Mátxcơva vẫn là niềm tự hào khôn xiết của người Yên Nội. Cả 4 đô đều trưởng thành từ phong trào vật trong thôn, từ hội vật làng. Một thôn mà có từng ấy đô vật được dự Olympic là chuyện có một không hai ở Việt Nam. Kỳ ấy, các đô vật Việt Nam không giành huy chương nhưng cũng thắng được 1 trận. Thành tích ấy lại thuộc về một đô vật ở Yên Nội là Phí Hữu Tình (hiện đang là HLV vật Hà Nội).
Sau lứa HLV, VĐV tài năng ấy, người Yên Nội vẫn liên tục góp mặt ở các đội tuyển Hà Tây, Quân đội và quốc gia nam, nữ. Người làng đoạt huy chương quốc gia dễ cũng đến hơn 50 người. Kể tên và thành tích của họ ra thì nhiều. Nào là Vũ Văn Ba, Nguyễn Đình Lệ, Vũ Văn Ni, Vũ Văn Bảy, Vũ Việt Tân, anh em Quang Long, Quang Thành, nào là Nguyễn Thế Hải, Phí Hữu Sơn, Nguyễn Đình Khu, Nguyễn Thị Lụa… Đến giờ thành đạt nhất trong thôn đang là Nguyễn Quang Long (HLV vật Quân đội) và Nguyễn Thị Lụa (VĐV đội tuyển Hà Nội). Nguyễn Quang Long nổi lên từ khi còn là VĐV với chức vô địch giải châu Á - Thái Bình Dương. Sau này khi làm HLV tại các SEA Games 24 và 25, VĐV của Long cũng mang về cho thể thao Việt Nam gần chục HCV. Ở SEA Games 25, các đô vật ở đội tự do của Nguyễn Quang Long xuất sắc đoạt tới 3 HCV, cứu cho vật Việt Nam một phen bẽ mặt. Trong khi ấy Nguyễn Thị Lụa đang là đô vật nữ xuất sắc nhất Việt Nam hiện tại, từng giành HCĐ châu Á 2007. Điều thú vị là theo đường họ hàng, Nguyễn Thị Lụa phải gọi HLV Nguyễn Quang Thành (HLV đội Thái Nguyên), Nguyễn Quang Long là ông trẻ. Như SEA Games 25 vừa rồi, cả hai ông cháu đều có mặt ở đội tuyển quốc gia. Tiếc là Nguyễn Thị Lụa không có cơ hội thi đấu vì đối thủ bỏ cuộc quá nhiều nên không đủ người dự hạng cân 48kg nữ. Nếu không, HCV khó thoát khỏi tay Lụa.
Giữ lửa đam mê
Yên Nội là đất vật nên không ngẫu nhiên mà thể thao Hà Tây trước đây và Quân đội lại đặt lớp vật ngay tại địa phương. Hiện tại, tuyến trẻ Quân đội vẫn đặt 2 lớp ngay ở thôn trong khi Hà Nội có 1 lớp thu hút tổng cộng hơn 80 thiếu niên trong thôn tham gia. Trẻ con trong thôn theo học vật để mong được như ông Khinh, ông Tình hay bác Thành, bác Long, chị Lụa. Chúng cũng mong có một ngày trong dịp hội làng sẽ được vinh danh, nhận phần thưởng của thôn dành cho những người có thành tích cao về học vấn cũng như những người có huy chương tại các giải quốc gia, quốc tế... Còn Trường cấp 2 Đồng Quang khi được xây mới lại khu thể chất cũng sẽ có diện tích đáng kể để Ban Giám hiệu cũng như Trung tâm TDTT Quân đội tổ chức các lớp vật nhằm nuôi dưỡng niềm đam mê cho trẻ em trong xã.
Ít nhất như vậy cũng giữ được lửa đam mê vật cho người trong thôn. Thực tế đến giờ sự đam mê vật của người Yên Nội vẫn không đổi cho dù cuộc sống đổi thay với tốc độ chóng mặt, người trong thôn cũng phải lo cơm áo gạo tiền để có cuộc sống sung túc thay vì chỉ trồng lúa cho đủ ăn như ngày xưa. Cứ nhìn thấy ánh mắt người dân nơi đây sáng lên khi người ngoài nhắc đến vật thì đủ hiểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.