Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yên Hòa - “viên ngọc thô” chờ tỏa sáng

Bảo Khánh| 26/02/2021 12:46

(HNMCT) - Bản Yên Hòa nằm ở xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), nơi có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dài tới  43,5km.

Đúng như tên gọi, đến với Yên Hòa, du khách sẽ cảm nhận được sự bình yên của bản làng cùng sự hòa nhã, hiếu khách của người dân nơi đây. Tuy nhiên, Yên Hòa hiện vẫn như “viên ngọc thô” chờ được mài giũa để có thể phát triển du lịch cộng đồng - một trong những lợi thế nổi bật của bản.

Một góc bản Yên Hòa. Ảnh: Linh Tâm

Bình yên bản nhỏ

Để đến được với bản Yên Hòa, du khách phải vượt 50km đường bộ từ thị trấn Mường Xén đến xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn), sau đó tiếp tục đi thuyền trên sông Nậm Nơn khoảng 3,5km. Khung cảnh hai bên bờ sông thanh bình với những bản làng, những ngôi nhà sàn ẩn hiện sau vườn cây xanh mướt, những chiếc thuyền độc mộc chở người dân vượt sông, kéo lưới bắt cá, vớt rêu... Không chỉ tô điểm cho khung cảnh thiên nhiên, Nậm Nơn còn mang lại nguồn sinh kế, cung cấp thủy hải sản cho người dân ở các bản ven sông.

Thuyền cập bến, dân bản ùa ra chào đón du khách như người thân lâu ngày gặp lại. Sau vài phút nghỉ ngơi, du khách sẽ đi dạo quanh làng, thăm tháp Xốp Lợt có niên đại hơn 1.000 năm, mang phong cách kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc vô cùng độc đáo. Ông Vi Văn Vinh, Trưởng bản Yên Hòa cho biết: “Tháp Xốp Lợt là công trình tín ngưỡng quan trọng đối với người dân bản Yên Hòa. Tháp nổi tiếng linh thiêng và giữ được những nét kiến trúc độc đáo. Đây là điểm tham quan của du khách khi đến với bản”.

Cũng theo Trưởng bản Vi Văn Vinh, Yên Hòa hiện có 89 hộ dân, 386 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Thái và Khơ Mú cùng chung sống đoàn kết, trong đó người Thái chiếm khoảng 90% dân số. Bản Yên Hòa không chỉ mang vẻ đẹp thanh bình của những nếp nhà sàn san sát, mà còn hấp dẫn bởi những phong tục tập quán được bảo tồn nguyên vẹn. Một trong số đó là nghề dệt thổ cẩm truyền thống với 100% hộ gia đình có nghề. Chị Đương Thị Xuân, 26 tuổi, cho biết: “Phụ nữ Thái ai cũng biết dệt từ nhỏ. Không chỉ dệt trang phục cho mình và những thành viên trong gia đình, sản phẩm thổ cẩm truyền thống của Yên Hòa còn được người dân các vùng lân cận, đặc biệt là người Lào ưa chuộng. Bởi vậy, bên cạnh việc làm rẫy, chăn nuôi, đánh bắt... nghề dệt thổ cẩm cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân bản Yên Hòa”.

Phát triển du lịch cộng đồng là mục tiêu

Đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của bản Yên Hòa, ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Fivestar Travel cho rằng: “Yên Hòa có đầy đủ điều kiện để trở thành một bản du lịch cộng đồng nhưng để hoàn thiện sản phẩm, tạo bản sắc riêng và thu hút khách, chính quyền địa phương và bà con cần tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, biển chỉ dẫn, cải tạo bến thuyền và cảnh quan cho bản làng. Bên cạnh đó, cần lựa chọn những gia đình có đủ điều kiện cơ sở vật chất đón khách; tăng cường tập huấn cho bà con các kỹ năng nấu ăn, giao tiếp, phục vụ khách, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng về ẩm thực, phong tục tập quán, nghề truyền thống... của bản cho du khách”.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Vietsky Đào Hồng Thương chia sẻ: “Để tạo thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh ở bản Yên Hòa, trước hết cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản để phục vụ khách như điện lưới, nước sạch, nhà vệ sinh đạt chuẩn. Nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng giống như bản Lác (Hòa Bình), Ngọc Chiến (Sơn La) hay Cát Cát, Tả Phìn (Lào Cai)... Khi hết dịch, nếu được phát triển bài bản song song với việc đẩy mạnh marketing điểm đến, Yên Hòa sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách quốc tế”.

Những năm gần đây, chính quyền địa phương và người dân xã Mỹ Lý và huyện Kỳ Sơn đã có những thay đổi tích cực trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông Lữ Quang Hưng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Huyện đang xây dựng dự thảo Đề án xây dựng và phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, bản Yên Hòa sẽ là một trong những mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu. Cùng với việc đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, huyện cũng chú trọng xây dựng các tuyến điểm liên kết với bản Yên Hòa như tuyến du lịch trên dòng sông Nậm Nơn (từ bản Nậm Nơn (Lào) - bản Yên Hòa (xã Mỹ Lý) - Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương); tăng cường công tác bảo tồn tháp Xốp Lợt, định hướng không gian kiến trúc bản làng, lựa chọn một số hộ gia đình để xây dựng mô hình mẫu đón tiếp khách du lịch...

Với những nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân bản Yên Hòa, tin rằng “viên ngọc thô” này sẽ sớm tỏa sáng trong thời gian tới...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Yên Hòa - “viên ngọc thô” chờ tỏa sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.