(HNMO) - Ngày 27-7-2013 vừa qua, cuộc thi Ý tưởng Trẻ thơ năm thứ 6 do Công ty Honda Việt Nam phối hợp với Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã bước vào vòng thi Thực hiện và Đánh giá mô hình đầy gay cấn.
"Phát minh" chiếc cầu quả lắc qua sông Hồng. |
Nếu như vòng thi đầu tiên các thí sinh thể hiện trên tranh vẽ những phát minh, sáng kiến giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn thì vòng thi Thực hiện và Đánh giá Mô hình là cơ hội để các em nhỏ hiện thực hóa ý tưởng tĩnh thành mô hình có cơ chế hoạt động như một cỗ máy thực thụ. Bên cạnh sự sáng tạo trong khâu lựa chọn vật liệu có kích thước, chất liệu, hình dáng phù hợp, phần thi Thực hiện Mô hình còn đòi hỏi sự kết hợp nhiều kĩ năng khác nhau như trí tưởng tượng, sự khéo léo, tỉ mỉ và tính kiên trì.
Mong muốn phát minh ra chiếc cầu quả lắc, giúp con người đi lại nhanh hơn bởi quan sát thấy chiếc đồng hồ quả lắc cũng di chuyển qua lại suốt ngày đêm mà không biết mệt, em Hà Tuấn Minh - Hà Nội đã dựng mô hình từ những nguyên liệu dễ kiếm như keo 502, ống hút, màu vẽ Acrylic, tấm gỗ lớn, xốp và tăm tre… Chiếc cầu quả lắc được chuyển động qua lại và điểm dừng là hai bên bờ sông để cho người đi lên và đi xuống. Mô hình hoạt động được nhờ vào năng lượng gió và ánh nắng mặt trời.
Ô tô dự báo thời tiết. |
Mơ ước có những ngôi nhà bong bóng có thể giúp con người bay lên cao tránh khỏi ô nhiễm bụi bặm, sự chật chội đông đúc ở dưới mặt đất, bạn Nguyễn Hải Nam – Quảng Nam tạo ra mô hình từ các nguyên liệu đã sử dụng như xốp, giấy cactong, giấy báo cũ, giấy vụn, giấy màu, gỗ, que kem, màu tô, cành cây khô, bóng nhựa, bông… và nhiều vật liệu tái sử dụng khác… Nhà bong bóng có thể nâng lên, hạ xuống và xoay quanh trụ. Ở đó, các em nhỏ có thể tha hồ hóng gió, hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn thành phố.
Mỗi mô hình là sự tổng hòa của nhiều chi tiết nhỏ đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, dám chấp nhận thử thách để thành công của các em. Bởi lần đầu tiếp xúc với các công đoạn như lựa chọn vật liệu, lắp ráp các bộ phận, các em đều gặp phải những khó khăn như lựa chọn sai vật liệu phải thay đổi lại, việc cưa, cắt khung mô hình khó thực hiện hay để làm hoàn chỉnh mô hình cần sự đầu tư thời gian rất lớn… Thế nhưng, những khó khăn lại khiến các em càng quyết tâm hơn để hoàn thiện mô hình sao cho độc đáo, sống động và giống với ý tưởng ban đầu nhất.
Qua phần thi này, cuộc thi Ý tưởng Trẻ thơ mong muốn đem tới những trải nghiệm mới mẻ cho các em nhỏ cũng như tạo cơ hội cho các em phát triển những kĩ năng thực tế và rèn luyện đức tính kiên trì, chấp nhận thử thách để đạt được thành công. Chia sẻ về vòng thi Thực hiện và Đánh giá Mô hình, ông Kiwamu Kayano – Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam cho biết: “Đây là điểm độc đáo khác biệt nhất của cuộc thi Ý tưởng Trẻ thơ với các sân chơi dành cho trẻ em khác bởi các em nhỏ không chỉ thỏa sức sáng tạo, đưa ra ý tưởng, giải pháp giúp cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn được bắt tay vào biến ý tưởng thành hiện thực. Vòng thi này cũng là dịp để người lớn đến gần hơn với những ước mơ, trí tưởng tượng của con trẻ, từ đó tìm ra khả năng tiềm ẩn của mỗi em và đưa ra định hướng phát triển trong tương lai”.
-------------------------------------
Vòng Chung kết của vuộc thi dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/8 tới đây. Ban Giám khảo sẽ chọn 10 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải bao gồm: 2 Giải Nhất (Học bổng trị giá 20 triệu đồng), 2 Giải Nhì (Học bổng trị giá 14 triệu đồng), 2 Giải Ba (Học bổng trị giá 8 triệu đồng), 4 giải Honda (Học bổng trị giá 4 triệu đồng). Bên cạnh đó sẽ có 20 Giải khuyến khích (Học bổng trị giá 2 triệu) cho các ý tưởng lọt vào Vòng Chung kết. Trường học của các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì và Ba sẽ lần lượt nhận được phần thưởng có trị giá tương ứng là 60, 50 và 40 triệu đồng (bằng hiện vật) cùng nhiều học bổng giá trị khác dành cho các trường có số lượng tranh dự thi hợp lệ cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.