(HNM) - Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, qua 15 ngày thực hiện Tháng ATGT (9-2011) số vụ việc vi phạm TTATGT được phát hiện nhiều hơn, xử lý kiên quyết hơn. Song, điều đáng nói là dù có chuyển biến nhất định, ý thức người tham gia giao thông vẫn là vấn đề nóng khiến cho TTATGT vẫn chưa ổn, tính mạng người tham gia giao thông vẫn bị đe dọa...
Mới qua nửa tháng thực hiện các biện pháp để bảo đảm TTATGT trong Tháng ATGT, Phòng CSGT đã xử lý gần 19.400 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền hơn 6 tỷ đồng, tăng 25% tổng số tiền phạt so với cùng kỳ năm 2010. CA đã tạm giữ 1.025 phương tiện các loại và hơn 7.900 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe hơn 3.300 trường hợp (tăng 73%). Trong số các vi phạm bị xử lý, thực hiện chuyên sâu chủ đề "Phòng, chống uống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông", CSGT phát hiện hơn 900 trường hợp vi phạm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Theo đánh giá của đơn vị, việc xử lý lỗi vi phạm này đã tác động mạnh tới người tham gia giao thông có thói quen sử dụng bia, rượu.
Lực lượng CSGT - CATP kiểm tra, xử phạt lỗi uống rượu bia khi lái xe. Ảnh: Dương Hiệp |
Tuy nhiên, để làm chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông trên diện rộng không dễ. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Đường bộ, đường sắt cho biết, quá trình xử lý vi phạm về rượu bia, dù cơ bản nhận được sự đồng tình của nhân dân và sự chấp hành của người vi phạm, lực lượng CSGT vẫn gặp không ít khó khăn. Không phải người điều khiển vi phạm nào cũng sẵn sàng hợp tác với cơ quan CA. Có trường hợp quá say xỉn, lực lượng làm nhiệm vụ phải mất nhiều thời gian vận động, giải thích, thuyết phục, yêu cầu, người vi phạm mới chấp nhận thử nồng độ cồn trong máu. Theo đánh giá của lực lượng CSGT, người vi phạm về rượu bia rất dễ mất bình tĩnh, nên thường không chịu đo nồng độ cồn, thậm chí lăng mạ người làm nhiệm vụ. Nhiều trường hợp chủ quán nhậu báo cho khách hàng về việc CSGT làm nhiệm vụ xử lý vi phạm rượu bia, dẫn đến việc thực khách lên xe bỏ chạy nháo nhào, gây nguy hiểm... Mỗi trường hợp như vậy, CSGT phải bố trí 3-4 CBCS mới giải quyết được các thủ tục hành chính về xử phạt vi phạm TTATGT. Có trường hợp, do người vi phạm cố tình chây ỳ, chống đối, CSGT phải lập nhiều biên bản, xử lý thêm cả hành vi không chấp hành...
Một chuyên đề khác được CSGT Hà Nội triển khai mạnh mẽ trong dịp này là việc xử lý ô tô đỗ, dừng sai quy định. Đến nay, CSGT đã xử lý 3.676 trường hợp dừng, đỗ sai quy định, trong đó xử lý "nguội" 16 trường hợp. Chuyên đề này cũng được cơ quan CA cho là đã thực hiện hiệu quả, góp phần không nhỏ đến việc giải tỏa ùn tắc giao thông. Thực tế là CSGT và các lực lượng hỗ trợ đã xóa được một số tụ điểm phức tạp về dừng đỗ, nhất là trên các tuyến trọng điểm nội đô như Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú, Lý Thái Tổ, Bà Triệu, Hàng Bài... Có được kết quả đó, theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, là do nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã có ý thức hợp tác chặt chẽ với cơ quan CA. Nhưng những bức xúc chưa hết khi mà còn nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác không chấp hành quy định, cho xe dừng, đỗ tràn lan trước cổng. Cộng với khó khăn khi TP mới có 333 điểm đỗ, khiến cho tình trạng ô tô dừng, đỗ trái quy định, gây cản trở giao thông chưa thể giải quyết triệt để.
Thực tế, nỗ lực của cơ quan CA mới chỉ có ý nghĩa tác động nhỏ, làm cho người tham gia giao thông e ngại đôi chút với một số loại vi phạm, chưa làm chuyển biến toàn diện về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Trong khi đó, thời điểm này, giao thông Hà Nội lại phải chịu sức ép nặng nề do bước vào năm học mới cộng với tình hình thời tiết phức tạp, mưa ngập đe dọa, số phương tiện tăng nhanh... Vì vậy cơ quan CA tiếp tục nhấn mạnh, trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay, ý thức người tham gia giao thông vẫn là yếu tố quyết định đến TTATGT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.