(HNMO) - Tâm lý chủ quan, mất cảnh giác, coi thường các quy định phòng, chống dịch đã thể hiện rõ ở một bộ phận người dân khi thành phố Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới...
Đêm qua (21-9) và sáng nay (22-9), trên các mặt báo và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh các tuyến phố trung tâm của Hà Nội ken chặt người và phương tiện đổ về để vui Tết Trung thu. Trong “biển” người đó, có không ít những ông bố, bà mẹ chở theo con nhỏ, đứng ngồi nhấp nhổm trên xe. Đa phần những người ra đường đều là người trưởng thành, nhân cớ tết dành cho thiếu nhi để “sổ lồng” sau thời gian giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, tiếp tục đe dọa đến trạng thái “bình thường mới” vừa mới trở lại chưa đầy 20 giờ đồng hồ sau gần 60 ngày giãn cách xã hội, hình ảnh những “nam thanh, nữ tú” chen chân diễu phố và không thực hiện giữ khoảng cách an toàn lại trở thành những hình ảnh đáng buồn.
Dư luận bức xúc, việc người dân ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Còn các chuyên gia lập tức lên tiếng cảnh báo về những nỗ lực chống dịch của Hà Nội có thể đổ bể vì sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, hiện dịch Covid-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Đây là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, thời gian tới, thành phố vẫn có thể phát hiện những chùm ca bệnh mới, bởi không thể nói trong thời gian giãn cách đã hết hẳn ca bệnh tại cộng đồng và cũng không thể kiểm tra hết được các ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào.
"Lúc này, chúng ta không nên chủ quan, mất cảnh giác mà phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND thành phố, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Người dân cứ chủ quan, lơ là thì dịch bệnh lại bùng lên. Ví dụ như đêm qua, trong số những người đi chơi Trung thu đó có những ca F0 trong cộng đồng thì nguy cơ rất cao, khó truy vết, vô cùng tai hại. Nếu người dân không ý thức phòng dịch thì lúc đó mọi nỗ lực lại phải làm từ đầu, lại giãn cách, phong tỏa…", PGS.TS Trần Đắc Phu nêu vấn đề.
Phải khẳng định, việc người dân đổ ra đường tối 21-9 là không thực hiện theo yêu cầu phòng, chống dịch đã nêu rõ tại Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND thành phố. Ban hành trong tối 20-9, Chỉ thị 22/CT-UBND đã nêu rõ, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp cao hơn.
Các yêu cầu, khuyến cáo tại Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là người dân không tụ tập nơi đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết và thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người ở các địa điểm công cộng. Sau hơn một năm ban hành, những quy định của Chỉ thị số 15/CT-TTg đã được tuyên truyền sâu rộng, được đại bộ phận nhân dân thực hiện nghiêm túc, trở thành nếp sống mới an toàn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Sau 4 đợt giãn cách kéo dài tổng cộng gần 60 ngày, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngày 21-9 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhân dân Thủ đô khi được quay trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó, Chỉ thị 22/CT-UBND được ban hành đã đáp ứng sự mong chờ của hàng triệu người dân, hàng ngàn cơ quan, doanh nghiệp. Đó cũng là đích hướng tới của thành phố với mong muốn và không ngừng nỗ lực điều chỉnh linh hoạt các giải pháp thích ứng với diễn biến của dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống bình thường cho nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.
Sau gần 2 tháng ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, làm việc trực tuyến, nên nhiều người ngay sau khi thành phố nới lỏng đã ra khỏi nhà mà không suy nghĩ thấu đáo. Họ đã không nghĩ tới tình huống, trong đám đông diễu phố, nếu lẫn một vài F0 thì công sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô trong những ngày "chiến đấu" với dịch bệnh vừa qua có thể sẽ trở thành vô nghĩa. Những ông bố, bà mẹ vì niềm vui trong chốc lát đưa con ra đường vui Tết Trung thu, biết đâu sẽ khiến ngày đến trường của trẻ sẽ tiếp tục lùi xa… Đại dịch không chừa một ai và mỗi người đều phải gánh chịu những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh ở những mức độ khác nhau.
"Người dân sau khi được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh vẫn phải bảo đảm tuân thủ "5K"; hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người, bởi sau khi tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm vi rút, nhất là với những người mới chỉ tiêm mũi 1, lượng kháng thể vẫn còn rất thấp. Người dân cũng lưu ý khai báo y tế hằng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc các ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương hoặc các cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, mất vị giác…", bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo.
Các chuyên gia một lần nữa khẳng định, khi nới lỏng giãn cách xã hội là lúc mỗi người dân càng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, có lý trí, nhận thức và ý thức để tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để có thể chung sống an toàn cùng dịch bệnh khi không thể bóc tách hết mầm bệnh ra khỏi cộng đồng. Cuộc sống "bình thường mới" trở lại nhanh hay chậm, phụ thuộc rất lớn vào ý thức phòng, chống dịch của chính bản thân mỗi người. Bởi người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Hy vọng sau câu chuyện buồn về sự chủ quan, có phần thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, thể hiện trong đêm Trung thu vừa qua, ý thức chống dịch cần phải được xốc lại. Bởi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, việc chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch cũng là một loại vắc xin cần liên tục được duy trì để tạo kháng thể mạnh nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.