Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý nghĩa của những ngày hội “đổi đồ”

Thanh Phong| 04/08/2013 06:51

Các ngày hội "đổi đồ" cũ còn giá trị sử dụng đang trở thành một trào lưu tiết kiệm rất thiết thực, thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Mới đây, ngày hội "đổi sách cũ" gây quỹ cho trẻ em nghèo đã được đông đảo bạn trẻ tham gia. Chúng ta hãy cùng lắng nghe ý kiến của phụ huynh và các em về hoạt động cộng đồng thú vị này nhé.

Em Phạm Minh Phương (HS lớp 9G, Trường THCS Yên Viên):

- Em đã nghe nói rất nhiều về những ngày hội "đổi đồ" do các tổ chức từ thiện, các nhóm hoạt động vì cộng đồng tổ chức. Nhưng do trong năm học quá bận rộn với việc học tập nên chỉ tranh thủ dịp hè, em mới xin phép bố mẹ tham gia. Chương trình đầu tiên em tham gia là "Hội trao đổi sách cũ - Sẻ chia yêu thương" diễn ra vào ngày 28-7 vừa qua tại Cung Văn hóa - Thể thao Thanh niên Hà Nội. Em đã sắp xếp lại tủ sách của mình và mang những cuốn sách cũ của năm ngoái đến để trao đổi với các bạn. Từ những quyển sách cũ, em đổi được thêm nhiều quyển sách mới, phù hợp với chương trình học sắp tới. Mọi người còn cùng nhau quyên góp các bộ sách giáo khoa cũ cho các em nghèo ở huyện Ba Vì. Hy vọng những quyển sách cũ của em sẽ giúp cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thêm niềm vui chào năm học mới.

Em Nguyễn Thu Trang (HS lớp 10A, Trường THPT Ngô Thì Nhậm):

- Qua các trang mạng xã hội, các website, báo đài, em đã biết đến rất nhiều chương trình "đổi đồ" thú vị. Tại đây, chúng em có thể mang quần áo cũ, sách báo cũ, những món đồ mình không còn sử dụng nhưng chất lượng vẫn tốt đến để trao đổi với những loại đồ cũ của các bạn khác. Em nghĩ đây cũng là một cách mua sắm trao đổi rất tiết kiệm, tránh lãng phí. Đồ cũ mình không dùng nhưng nếu vứt đi hay bỏ xó thì rất phí phạm. Trong khi đó, em lại có thể trao đổi cho các bạn khác để nhận được những món đồ mà mình đang cần. Thế nhưng, em thấy nhiều bạn lại có suy nghĩ tính toán vụ lợi khi tham gia hoạt động cộng đồng này. Các bạn ấy mang những món đồ quá cũ nát, hỏng hóc không còn sử dụng được để cố đổi lấy những món đồ còn mới nhất, rồi tranh cãi nhau rất phản cảm.

Cô Nguyễn Thị Tuyết (phụ huynh HS, 48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội):

- Theo tôi, đây là những chương trình ngoại khóa rất ý nghĩa đối với các em HS. Đối với những em sinh ra trong những gia đình có điều kiện, trẻ sẵn sàng vứt bỏ đi các món đồ chơi, quần áo, sách vở cũ trong khi những thứ đó đối với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn lại rất cần thiết. Do đó, không chỉ dừng lại ở ý nghĩa từ thiện, quyên góp đồ cũ, chương trình còn giúp trẻ biết tiết kiệm, tận dụng những món đồ cũ để trao đổi, sẻ chia với các bạn đồng trang lứa.

Giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến việc mua sách, văn hóa đọc sách thì việc mở ra một ngày hội để các em có thể trao đổi cho nhau những cuốn sách cũ cũng rất thiết thực. Sách cũ nhưng tri thức không bao giờ cũ, nó sẽ góp phần giúp trẻ yêu sách, yêu tinh hoa văn hóa nhân loại hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa của những ngày hội “đổi đồ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.