Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý nghĩa của các loài hoa gắn liền với Tết

Theo Thể thao văn hóa| 24/01/2017 17:48

Bên cạnh “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”… thì hoa là một trong những thứ không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về. Không chỉ trang trí cho góc nhà thêm xinh đẹp, mỗi một loài hoa còn mang một ý nghĩa khác nhau, tượng trưng cho những lời chúc, kỳ vọng trong một năm mới.


Hoa Đào - Vạn sự như ý

Đối với người miền Bắc, nhắc đến Tết là người ta sẽ nghĩ ngay đến hoa đào – loài hoa chỉ nở vào mùa Xuân, để phục vụ Tết Nguyên Đán.

Trong tâm linh, ngày xưa, để ma quỷ không đến quấy phá cuộc sống, người dân đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành đào về cắm trong lọ. Theo đó, chỉ cần nhìn thấy cành đào thì lũ quỷ sẽ chạy xa, không đến gần nhà đó nữa.


Ngày này, khi cuộc sống phát triển hơn, người ta không còn tin nhiều vào ma quỷ, nhưng hoa đào vẫn là loại hoa được chưng nhiều trong dịp Tết. Ý nghĩa của việc chưng hoa đào ngày Tết cũng không còn dừng ở việc trừ ma quỷ, trừ tà nữa, mà nó được hướng sang những ý nghĩa tốt đẹp hơn.

Đối với nhiều người, hoa đào cũng giống như một người con gái miền Bắc đẹp dịu dàng, đằm thắm mà quyến rũ vô cùng. Nó tượng trưng cho sự tinh tế, sang trọng và thuỷ chung.

Ngoài ra, hoa đào còn là biểu tượng cho sự đổi mới, sự sinh sôi, phát triển mạnh mẽ, nó có thể mang đến nguồn sinh khí mới, giúp mọi người trong nhà luôn khỏe mạnh, bình an và vạn sự như ý trong năm mới.

Đào được bày bán nhiều vào dịp gần Tết.


Hoa Đào nở vào mùa xuân còn biểu trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, tình bạn thân thiết và tình yêu. Chưng một cành đào đẹp trong nhà hay gửi tặng người thân, bạn bè một cành đào thắm là lời chúc tuyệt vời nhất mà bạn muốn gửi đến họ trong năm mới.

Hoa Mai - Quyền quý, cao thượng

Miền Bắc có hoà đào thì miền Nam có hoa mai. Màu vàng của hoa mai từ lâu được xem là màu tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Người ta chưng hoa mai vào dịp Tết với mong muốn một năm mới phát tài, giàu sang. Theo quan niệm của nhiều người, nhà nào có hoa mai nở càng nhiều cánh thì nhà đó càng may mắn và sung túc trong năm mới.

Cây mai có rễ cắm sâu vào lòng đất, không bị gục ngã trước gió bão. Nó cũng có thể chịu đựng được mọi loại thời tiết, kể cả khắc nghiệt. Bởi vậy mà mai còn tượng trưng cho phẩm đức nhẫn nại và đức hy sinh cao cả, sự bền bỉ của người Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, mai còn là biểu tượng cho sự cao thượng, quyền quý.

Mai thường được chưng cả cây.


Những đoá mai vàng nợ rộ trong tiết xuân còn cho thấy niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết và gắn bó mọi người lại với nhau.

Hoa Trạng Nguyên - Thành công, may mắn

Chuyện xưa kể rằng, trên đường lên kinh dự thi, một cậu học trò thấy một cây lá xanh mọc ven đường. Sau khi thi đỗ trạng nguyên trở về làng, ngang qua con đường ấy, cậu học trò ngày nào bỗng nhận thấy trên ngọn cây những chiếc lá xanh chuyển thành màu đỏ, dường như cây cũng đang chúc mừng anh thi đỗ trạng nguyên. Từ đó, anh gọi cây này là cây hoa Trạng Nguyên.

Cây hoa Trạng Nguyên tượng trưng cho nét cao quý, mộc mạc và dịu dàng, không những mang đến niềm vui về sự học hành đỗ đạt mà loài hoa này còn biểu hiện sự đoàn tụ và niềm hạnh phúc, bình an và niềm tin tưởng ở tương lai. Chính vì vậy những gia đình có các “cậu tú, cô cử” thường bày loài hoa này vào dịp Tết.


Những cánh hoa đỏ thắm vừa mang đến vẻ đẹp cho ngôi nhà trong dịp Tết vừa thể hiện được mong muốn một năm mới thành công và may mắn cho cả gia đình.

Hoa Trạng Nguyên thường được mua và chưng theo chậu.

Hoa Lan - Giàu có, tinh tế

Đối với người Hy Lạp cổ đại, hoa lan (hoa phong lan) vinh danh những anh hùng, và sau khi sự gia tăng phổ biến của những bộ sưu tập phong lan ở Anh thời Victoria, ý nghĩa của nó chuyển dần dần trở thành biểu tượng của sự sang trọng.

Hoa phong lan cũng được cho rằng là một vị thuốc chữa các bệnh khác nhau và phòng bệnh, cho phép con người tránh khỏi bệnh tật. Người Aztec uống một hỗn hợp của hoa phong lan vani và sô-cô-la để cung cấp cho họ quyền lực và sức mạnh, và người Trung Quốc tin rằng hoa phong lan có thể giúp chữa trị bệnh ho và phổi.

Ngày nay, hoa phong lan được coi là một biểu tượng của vẻ đẹp hiếm thấy, của sự sang trọng, giàu có, sự quý phái, tinh tế và quân tử. Bởi vậy mà rất nhiều người chọn hoa lan để trang trí trong nhà trong dịp Tết.


Hoa lan có nhiều chủng loại và màu sắc khác nhau, mỗi loài lan lại mang một vẻ đẹp riêng biệt, một ý nghĩa riêng, không loài nào giống loài nào. Chưng hoa lan vào ngày Tết sẽ mang lại may mắn, vượng khí cho gia đình trong suốt một năm mới tới.

Hoa Cúc - Phúc lộc đầy nhà


Hoa cúc là một trong những loài hoa nở rộ trong dịp tết Nguyên Đán. Sắc hương của nó tuy giản dị nhưng làm say lòng người, không những vậy, loại hoa này còn tươi rất lâu. Bởi vậy mà vào dịp Tết, gia đình nào cũng cố tìm kiếm cho bằng được một chậu hoa cúc hoặc vài cành cúc để trang trí trong nhà.

Theo phong thủy, hoa cúc mang biểu tượng của sự sống, tăng thêm phúc lộc cũng như sự hoan hỉ đến nhà. Đặt những chậu hoa cúc nhỏ hay cắm hoa cúc có thể giúp ổn định phúc khí trong nhà. Tuy nhiên, bạn nhớ lưu ý rằng, hoa cúc nên đặt nơi có nhiều ánh sáng trong nhà để sự may mắn thêm mạnh mẽ và rực rỡ.


Ngoài ra, hoa cúc còn biểu trưng cho sự trường tồn, sự hiếu thảo, lòng cao thượng... Nó cũng là một trong 4 loại cây tượng trung cho sự quân tử.

Hoa cúc có nhiều chủng loại và màu sắc khác nhau: Cúc trắng, cúc vàng, cúc đỏ, cúc tím… Màu sắc rực rỡ của những bông cúc khiến không khí xuân thêm ấm áp và tươi vui hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa của các loài hoa gắn liền với Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.