Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ỷ Lan Nguyên phi

Mỹ Văn| 04/07/2010 07:09

(HNM) - Vào năm Quý Mão (1063), vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà vẫn chưa có con kế vị. Nhà vua rất lấy làm phiền não, thường đi cầu tự ở nhiều đền chùa. Một hôm, vua đi cầu tự ở chùa Dâu, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Được tin hoàng thượng ngự giá, già trẻ, gái trai các làng hai bên đường đều ra bái rước, chỉ riêng cô gái nghèo làng Thổ Lỗi (sau đổi là Siêu Loại, tên Nôm là Sủi), nay thuộc huyện Gia Lâm, dửng dưng. Vua Lý Thánh Tông lấy làm lạ, sai cấm vệ đòi đến hỏi chuyện. Thấy cô gái xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, ứng đối trôi chảy, vua bèn cho theo xa giá về kinh.

Ban thờ Quốc mẫu Nguyên phi Ỷ Lan, tại chùa Kim Cổ (Hà Nội).  Ảnh: Thái Hiền

Cô gái tên là Lê Thị Yến, nhưng dựa vào sự tích vua gặp cô gái nghèo làng Sủi đứng dựa gốc cây lan, nên được đặt tên là Ỷ Lan (ỷ nghĩa là tựa, hay dựa, còn lan là cây lan). Sau đó, Lý Thánh Tông cho dựng một cung riêng và cử một nữ học sĩ vào cung dạy. Ỷ Lan là người thông minh, lại sớm tối chuyên cần, nên chẳng bao lâu đã lầu thông kinh sử. Năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử, đặt tên là Càn Đức. Có người nối nghiệp, Ỷ Lan lại càng được sủng ái, Lý Thánh Tông phong làm Nguyên phi.

Năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân cùng Lý Thường Kiệt cất quân đi đánh giặc. Ỷ Lan được thay vua coi giữ triều chính. Sử chép, bà Nguyên phi trị nước rất giỏi, khiến nhân tâm hòa hợp, đất nước thanh bình. Trong khi đó, Lý Thánh Tông đi đánh giặc lâu ngày không thắng, phải hồi kinh. Nhưng khi mới về đến châu Cư Liên (nay thuộc vùng Tiên Lữ, Hưng Yên), vua hỏi han, thấy dân chúng hết lòng ca ngợi tài trị nước của Ỷ Lan bèn than thở: “Kẻ kia là đàn bà con gái còn vậy, ta lại tầm thường thế sao?”. Vua lại quay đi đánh giặc, lần ấy thắng to.

Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1072), Lý Thánh Tông băng hà ở điện Hội Tiên. Thái tử Càn Đức mới lên bảy nối ngôi, tức là Lý Nhân Tông, đổi niên hiệu Thái Ninh, tôn mẹ là Ỷ Lan Nguyên phi làm Hoàng Thái phi. Vì vua còn thơ ấu, bà Ỷ Lan thay quyền nhiếp chính, cùng Tể tướng Lý Thường Kiệt đánh quân Tống xâm lược. Hai lần Tống sang, các năm 1075 và 1077, Lý Thường Kiệt cầm quân đánh giặc còn Hoàng Thái phi cùng Thái phó Lý Đạo Thành lo việc lương thảo.

Xuất thân nghèo, Nguyên phi Ỷ Lan thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân chân lấm tay bùn. Bấy giờ, ở nông thôn có nhiều phụ nữ vì nghèo khó mà phải bán mình hoặc đem thân thế nợ, không thể lấy được chồng. Bà xuất tiền trong kho, chuộc những người ấy và đứng ra dựng vợ gả chồng cho họ. Đối với người làm ruộng, từ bao đời, con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp, bà nhiều lần tâu vua trị tội nặng những kẻ ăn trộm trâu. Tháng hai năm Đinh Dậu (1117), trước khi mất 5 tháng, bà còn khuyên vua: “Gần đây, người ở kinh thành và các làng ấp có kẻ chuyên nghề trộm trâu làm cho nông dân cùng quẫn. Có nơi mấy nhà phải cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói việc ấy và triều đình đã từng ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước, sao triều đình vẫn cứ làm ngơ ?”. Sau đó, Lý Nhân Tông hạ lệnh tầm bắt và trị bọn đạo chích. Thậm chí, ngay việc giết trâu dùng trong cỗ bàn khao vọng cũng bị hạn chế. Nhà Lý còn quy định, ở các hương cứ ba nhà lập một bảo để kiểm soát lẫn nhau, cùng chịu liên đới tội lạm giết trâu bò.

Ỷ Lan là người học rộng, am hiểu đạo Phật, ưa việc thiện, bà hưng công dựng nhiều chùa tháp. Bà có làm những bài kinh, câu kệ còn truyền đến ngày nay. Chẳng hạn:

Sắc không
Sắc là không, không tức sắc,
Không là sắc, sắc tức không.
Sắc không đều chẳng quản,
Mới khế hợp chân tông.

(Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học Xã hội - 1977)

Ngày 25 tháng bảy năm Đinh Dậu, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117) đời Lý Nhân Tông, Nguyên phi Ỷ Lan mất, thi hài được hỏa táng theo nghi lễ nhà Phật. Vua dâng tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu, táng ở Thọ lăng Thiên Đức, nơi yên nghỉ của vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông tại quê hương (làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Dân tôn là Phật Bà Quan Âm. Ngay cả khi bà còn sống, nhiều nơi đã lập ban thờ.

Đến nay, sau nhiều cơn binh lửa, trên cả nước còn 72 nơi có đền thờ Ỷ Lan. Đó là đền bên cạnh chùa Dạm, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, chùa Báo Ân (Thanh Hóa), đền Như Quỳnh (Hưng Yên). Tại Hà Nội, có chùa Kim Cổ ở 73 Đường Thành, đền Yên Thái ở ngõ Tạm Thương, quận Hoàn Kiếm, đền làng Sủi, xã Phú Thị, đền Dương Xá, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, chùa Hoàng Xá... Nhân dân gọi nơi thờ bà là đền Bà Tấm. Hằng năm, vào các ngày 19, 20, 21 tháng hai âm lịch, nhân dân 9 xã của tổng Dương Quang (từ xã Phú Thị, huyện Gia Lâm đến huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và những làng cấy ruộng hậu của đền đều lo tổ chức hội. Chính hội là ngày 19 tháng hai, tương truyền là ngày sinh của bà.

Ỷ Lan, người phụ nữ Việt Nam tài sắc, có công sinh hạ và nuôi dạy vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) - một vị vua kiệm ước, nhân ái và có tài. Hơn tám thế kỷ sau ngày bà qua đời, tháng 8-2005, con đường dài 4,4km từ Quốc lộ 5 đến dốc Lời, thuộc địa bàn hai xã Dương Xá và Đặng Xá, huyện Gia Lâm, đã được đặt tên là Đường Ỷ Lan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ỷ Lan Nguyên phi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.