Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Ý Đảng, lòng dân'' là sức mạnh để Việt Nam tiếp tục phát triển

Quỳnh Chi| 30/01/2021 07:06

(HNM) - Những cụm từ như “câu chuyện thành công”, “ngôi sao đang lên”, “điều thần kỳ mới ở châu Á”, “phi thường” hay “nền kinh tế sáng giá nhất châu Á”… đã và đang được các tổ chức và truyền thông quốc tế sử dụng rộng rãi khi đánh giá về những thành tựu phát triển của Việt Nam thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, “ý Đảng, lòng dân” là tiền đề quan trọng, tạo ra sức mạnh, niềm tin để Việt Nam tiếp tục phát triển năng động.

Bạn bè quốc tế tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước trên con đường phát triển sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho rằng, công tác chuẩn bị các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam được đánh giá cao. Những văn kiện này sẽ quyết định quá trình phát triển trong 5 năm và 10 năm tới của Việt Nam. “Tôi cho rằng mọi con mắt đang tập trung vào Việt Nam vì những thành công Việt Nam đạt được trong năm 2020. Điều quan trọng đối với Việt Nam là chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng bền vững”, bà C.Wiesen nhấn mạnh.

Về những thành tựu của Việt Nam trong năm 2020, theo Trưởng đại diện thường trú UNDP, sự có mặt lần đầu tiên của Việt Nam trong nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao là điều phi thường. Sự kiện này không chỉ cho thấy cam kết của Chính phủ đối với tăng trưởng mà quan trọng hơn là sự phát triển lấy con người làm trung tâm và đây được xác định là ưu tiên hàng đầu. Việt Nam đã làm tốt rất nhiều khía cạnh của chỉ số phát triển con người để có được thành tích này. Tuổi thọ là một yếu tố rất quan trọng, giáo dục và thu nhập cũng vậy.

Đề cập tới việc Việt Nam thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa kiểm soát dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bà C.Wiesen nhấn mạnh đây là một thành tích đáng kinh ngạc. Yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công của Việt Nam là sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là khả năng tiên đoán và cách ứng phó nhanh nhạy. Một nhân tố nữa cần đề cập là sự bao trùm, huy động hỗ trợ của toàn dân và kêu gọi phát huy đổi mới sáng tạo. Theo bà C.Wiesen, kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam do UNDP thực hiện cho thấy người dân hài lòng ở mức rất cao đối với những gì Chính phủ thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này đã tạo nên niềm tin cho người dân và họ sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, một yếu tố then chốt để tạo nên thành công.

Giáo sư Thomas Engelbert thuộc Đại học Hamburg (Đức) nhận định, yếu tố then chốt làm nên thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam là hành động hướng tới tương lai và có mục tiêu, tính tới thực tế. Tất cả luôn được thể hiện nhất quán, rõ ràng. Thành công lớn nhất là lĩnh vực kinh tế. Việt Nam đã từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu trở thành thị trường mới nổi phát triển với trọng tâm là sản xuất thương mại. Trên trường quốc tế, Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Vị thế của Việt Nam trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) càng được nâng cao sau khi đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Việt Nam đã trở thành đối tác tiềm năng của một số quốc gia châu Á và phương Tây trong nhiều lĩnh vực, kể cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ niềm vui trước những thành tựu của Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận, ông Alberto Salazar, phóng viên Hãng thông tấn Prensa Latina (Cuba) nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam có thể tự hào về Đảng Cộng sản của mình cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tự hào về dân tộc mình. Chính “ý Đảng, lòng dân” là tiền đề quan trọng, tạo ra sức mạnh, niềm tin để Việt Nam tiếp tục phát triển năng động và tự tin hiện thực hóa những mục tiêu được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Ý Đảng, lòng dân'' là sức mạnh để Việt Nam tiếp tục phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.