Niềm đam mê nghiên cứu sinh học đã giúp Tiến sỹ trẻ Nguyễn Việt Linh (SN 1981, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) trở thành một trong 10 gương mặt trẻ toàn quốc nhận giải thưởng
Sáu năm công tác tại Viện Công nghệ sinh học (2002-2008), Nguyễn Việt Linh tham gia nhiều đề tài lớn của viện như: "Nghiên cứu quy trình tạo phôi động vật bằng kỹ thuật cấy nhân tế bào", "Triển khai công nghệ thụ tinh ống nghiệm và chọn giới tính bằng kỹ thuật PCR vào sản xuất bò sữa cao sản tại Việt Nam", "Tạo phôi in vitro, thao tác và bảo quản phôi các giống lợn địa phương của Việt Nam nhằm bảo tồn đa dạng sinh học ở lợn"... Đặc biệt, Linh đã cùng đồng nghiệp tham gia nghiên cứu đề tài "Biệt hóa tế bào gốc màng dây rốn người thành tế bào hưởng thần kinh và tế bào tim". Đây là một nhánh thuộc đề tài độc lập cấp Nhà nước về nghiên cứu tạo dòng, biệt hóa và ứng dụng tế bào gốc cuống rốn trong điều trị, Linh cho biết, đề tài cung cấp kiến thức mới về lĩnh vực này. Những hiểu biết thu thập từ nhiều nghiên cứu như vậy sẽ góp phần hình thành nên công nghệ tế bào gốc, phục vụ cho y học thay thế, liệu pháp tế bào, góp phần giải quyết hiệu quả việc điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo mà y học hiện nay chưa đáp ứng được như tiểu đường, ung thư, Alzheimer, Parkinson. Nó cũng có tác dụng rất lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Hiện nay, Linh đang ấp ủ nhiều dự định và đặt ra một "lộ trình" để thực hiện đam mê: Trước hết, đưa công nghệ cấy phôi thụ tinh ống nghiệm, chọn giới tính, chuyển cấy phôi tất cả công nghệ sinh sản trên các đối tượng gia súc vào trong sản xuất; tiếp theo, góp công xây dựng ngân hàng đa dạng sinh học và ngân hàng bảo tồn gien... Linh bộc bạch: "Việt Nam là một trong 10 nước có sự đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, việc quan tâm, bảo tồn đến nay vẫn chưa thỏa đáng. Hiện Việt Nam chưa có ngân hàng, vật liệu sinh học nhằm bảo tồn đa dạng sinh học của động vật nuôi và động vật hoang dã. Tôi rất muốn đi theo hướng nghiên cứu đặc tính sinh lý, hóa sinh, sinh học phân tử của các đối tượng như lợn mini hoặc các con vật đặc hữu sao la, mang lớn…".
Với những kết quả đã đạt được và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, chắc chắn Tiến sỹ trẻ Nguyễn Việt Linh sẽ còn có nhiều đóng góp cho nền khoa học nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.