Việt Nam cất cánh bằng xung lực nào? Bao giờ thì Việt Nam “hóa Rồng”? Bao giờ Việt Nam thành con Hổ mới ở châu Á?
Đó không chỉ là những lời bàn luận trong những cuộc “trà dư tửu hậu”, mà còn là những câu hỏi được đặt ra nghiêm túc trong không ít cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế về con đường phát triển của Việt Nam.
Nhìn từ những yếu tố có tính nền tảng như sức mạnh từ truyền thống lịch sử, văn hóa; vị trí địa lý, địa - chính trị, tài nguyên, dân số; bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước; đặc biệt là khát vọng vươn tới của người Việt Nam thì “hóa Rồng”, “hóa Hổ” không phải là câu chuyện choáng lộng, phù phiếm, thời thượng. Nhưng nếu không phá tung được các nút thắt, các điểm nghẽn bằng các xung lực thì “hóa Rồng”, “hóa Hổ” chỉ là giấc mơ xa vời.
Các xung lực đó là gì? Đó chính là ba khâu đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực!
Thể chế, thể chế và thể chế!
Nói như thế để thấy việc hoàn thiện thể chế quan trọng và cấp bách như thế nào, vì thể chế được xem là “nguồn lực gốc của các nguồn lực”. Chỉ khi thể chế được khơi thông, hoàn thiện theo hướng kiến tạo thì các nguồn lực khác mới phát huy được hết sức mạnh. Thể chế ở nước ta bao gồm thể chế chính trị, thể chế kinh tế, thể chế xã hội..., trong đó, thể chế chính trị tạo khuôn khổ, định hướng, đề ra các nguyên tắc để xác lập và vận hành thể chế kinh tế, thể chế xã hội...
Cải cách thể chế là khâu đột phá được đặc biệt chú trọng trong mấy năm qua và đã đạt những thành tựu đáng khích lệ: Hệ thống pháp luật bớt mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột hơn; bộ máy nhà nước tinh gọn và hiệu quả hơn; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn (từ năm 2021 đến nay, các bộ đã cắt giảm tới 2.350 quy định); hệ thống thể chế của Việt Nam dần tương đồng với chuẩn quốc tế hơn.
Gần đây, trên các diễn đàn, các cuộc bàn thảo về việc nền hành chính công phải chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, chuyển từ quản lý Nhà nước sang quản trị quốc gia đã diễn ra khá sôi nổi. Nhưng trên thực tế, để chuyển từ tư duy sang hành động là cả một quá trình gập ghềnh với không ít khó khăn, vướng mắc, trở ngại. Một nền quản trị quốc gia chỉ thực sự tốt khi pháp trị được đề cao, công việc vận hành của Nhà nước được minh bạch, chế độ trách nhiệm được xác lập rõ ràng, người dân được tham gia vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách, và đương nhiên không thể thiếu một cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các cơ quan nhà nước có quyền cấp phép, có quyền phân bổ các nguồn lực.
Nhà nước pháp quyền có sứ mệnh bảo vệ quyền chính đáng của người dân. Khi người dân được thực thi đúng các quyền của mình theo Hiến pháp thì khơi mở được các nguồn lực và đất nước sẽ thịnh vượng. Nếu cái gì cũng quản lý, hoặc lối nghĩ “quản lý được đến đâu thì cho phát triển đến đó” vô hình trung sẽ tạo rào cản, thu hẹp không gian sáng tạo và hành động, dễ dẫn đến sự tù đọng, bức bối, chán nản, triệt tiêu năng lượng đột phá tạo ra cái mới. Từ Nhà nước quản lý phải chuyển sang Nhà nước kiến tạo là như vậy. Cần chấm dứt sử dụng văn bản hành chính đặt ra thủ tục, yêu cầu khác luật, nghĩa là tình trạng ban hành các văn bản dưới luật xung đột với các đạo luật. Gần đây, có tình trạng cán bộ “nằm im, bất động” trước tình hình cấp bách, đòi hỏi nóng bỏng của thực tiễn. Có người không làm vì nếu làm thì cũng chẳng được "lộc lá" gì cho bản thân. Có người không làm vì sợ sai. Thậm chí có người còn cho rằng chẳng thà bị kiểm điểm trước tổ chức Đảng vì thiếu tích cực còn hơn là phải đối diện với nguy cơ làm sai, phải đứng trước tòa án. Cán bộ không dám làm có thể do năng lực hạn chế và có thể do chưa có phân tách mạch lạc giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Vì thế, để cán bộ dám nghĩ, dám làm, cần thể chế hóa nhanh chóng Kết luận 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị "Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung".
Hoàn thiện thể chế phải tiến tới xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Cơ chế tai hại này thường mang lại lợi ích cục bộ cho các cơ quan quản lý, cho lợi ích nhóm. Chính vì thế, họ thường cài cắm tinh vi quyền lực và quyền lợi của mình khi dự thảo các văn bản pháp luật. Đó là một dạng “tham nhũng chính sách” đã được cảnh báo róng riết từ mấy năm nay. Cơ chế “xin - cho” là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và tiêu cực. Có một thực trạng khá phổ biến ở ta là cái gì không quản lý được thì cấm. Cái đó lâu dần trở thành thói quen của hệ thống công quyền. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào người dân được làm những gì luật pháp không cấm, còn hệ thống công quyền chỉ được làm những gì luật pháp cho phép thì không gian sáng tạo rộng mở, kinh doanh nhộn nhịp, đời sống dựng xây thêm sinh khí. Khi mà quyền phân bổ ngân sách và các nguồn lực khác vẫn thuộc về Nhà nước thì phải đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, bảo đảm minh bạch quy trình ban hành quyết định.
Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về cải cách, hoàn thiện thể chế. Sự quyết liệt trong cải cách thể chế được thể hiện rất rõ, rất sáng khi Quốc hội đã tiến hành những kỳ họp bất thường, khi Quốc hội quyết định dùng một luật sửa nhiều luật để kịp thời tháo gỡ nút thắt cho những vấn đề kinh tế - xã hội nan giải, cấp bách. Đó là khi việc đấu thầu thuốc chữa bệnh, thuê mua thiết bị y tế tê liệt, làm đình trệ hoạt động của không ít bệnh viện, sức khỏe và tính mạng của người dân bi đe dọa. Đó là khi thị trường bất động sản gần như đóng băng, những khu đất vàng bị bỏ hoang, những dự án lớn dang dở, hàng trăm ngàn tỷ đồng bị chôn vùi, hàng loạt doanh nghiệp “chết lâm sàng” ngay sau khi “quả bom” vỡ nợ trái phiếu của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát phát nổ. Có thể thấy, trong lịch sử 78 năm của Quốc hội, các phiên họp bất thường với cách thức ra những quyết định kịp thời và đúng đắn như vậy là chưa có tiền lệ.
Vừa qua, tinh thần kiến tạo phát triển đã được thể hiện rất rõ trong quá trình thảo luận sửa đổi Luật Đất đai - một đạo luật có tầm quan trọng đặc biệt. Qua tới 4 lần Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội, đến tháng 10-2022, Dự thảo lần đầu tiên được chính thức trình Quốc hội, rồi sau đó đã ghi nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Trải qua các phiên thảo luận sôi nổi tại các kỳ họp thứ tư, thứ năm, đến kỳ họp thứ sáu vào cuối năm 2023, Quốc hội khóa XV vẫn quyết định chưa thông qua Luật Đất đai với nhận thức rằng, lần sửa đổi này được triển khai sâu rộng như thế mà không xử lý được những vấn đề nóng bỏng đặt ra thì luật sẽ tiếp tục cản trở quá trình phát triển của đất nước. Và khi các vấn đề đã được thống nhất, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường ngay trong những ngày đầu năm 2024 để xem xét thông qua. Cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng tạo ra bầu không khí thảo luận rất sôi nổi không chỉ ở Quốc hội mà còn ở các cấp của Hà Nội với tinh thần là phải tạo ra được cơ chế vượt trội có tính đột phá để Hà Nội phát triển mạnh lên một tầm vóc mới theo phương châm Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, xứng đáng là Thủ đô của đất nước 100 triệu dân, một đại đô thị hiện đại hàng đầu trong khu vực.
Chỉ tính đến tháng 6-2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành tới 1.010 văn bản, gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội; 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hà Nội là địa phương tiên phong thực hiện phân cấp, ủy quyền trong cải cách hành chính. Đến cuối năm 2023, Hà Nội đã thực hiện bổ sung phân cấp cho cấp huyện tại 9 lĩnh vực; quy định chi tiết phân cấp quản lý nhà nước 16 ngành, lĩnh vực; đồng thời, đã thực hiện ủy quyền 708 thủ tục hành chính trên tổng số 1.895 thủ tục, đạt tỷ lệ 37,6% tổng số thủ tục hành chính cấp Thành phố và cấp huyện. Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân, Hà Nội đã thống nhất chủ trương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố, hướng tới mục tiêu “Minh bạch - Công khai - Hiện đại và phi địa giới hành chính trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính”. Năm 2023, kết quả cải cách hành chính được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao, chỉ số PAR INDEX năm 2022 của Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Động lực tăng tốc từ hạ tầng
Một trong ba khâu đột phá chiến lược là phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đây chính là nút thắt lớn do hạ tầng giao thông nước ta có quy mô nhỏ, chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn. Chính vì vậy, trong những năm qua, Việt Nam đã tập trung nguồn lực, dành tới khoảng 9 - 10% GDP hằng năm để đầu tư vào giao thông, năng lượng, viễn thông, nước và vệ sinh... Cùng với đó, Việt Nam nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường bộ, đường sắt tốc độ cao, đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mekong mở rộng và đường sắt xuyên Á; xây dựng hệ thống cảng biển đáp ứng tốt nhu cầu thông quan về hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa; nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vai trò và quy mô ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực...
Nhìn sang các nước xung quanh, chúng ta thấy Trung Quốc đã xây dựng hệ thống đường cao tốc đứng đầu thế giới với 16.000km, Indonesia 2.633km, Malaysia 2.001km... Việt Nam đang nỗ lực cao độ để đạt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 3.000km và đến năm 2030 sẽ có 5.000km đường cao tốc. Đến tháng 10-2023, cả nước đã có 1.832km đường bộ cao tốc và hiện đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063km đi qua 32 tỉnh, thành phố, nối liền từ Cửa khẩu Hữu Nghị đến Mũi Cà Mau.
Dịp 2-9-2023, chúng ta đã khởi công 3 gói thầu quan trọng với tổng mức đầu tư lên đến 53.000 tỷ đồng của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất. Đây là dự án trọng điểm trong quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng vốn đầu tư 420.000 tỷ đồng. Hệ thống đường sắt nước ta hiện nay, về cơ bản được xây dựng từ hơn 100 năm trước, đang là một trong những hệ thống đường sắt lạc hậu nhất khu vực và thế giới. Chính phủ đã đề xuất Quốc hội dành nguồn lực riêng để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, phương án tốc độ được lựa chọn có thể là 300km/h, với tổng số vốn khoảng 240.000 tỷ đồng. Đến năm 2023, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là gần 71.500 tỷ đồng. Hà Nội đang triển khai xây dựng theo từng giai đoạn 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 310km, trong đó tuyến Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào sử dụng, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sắp đưa vào vận hành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy.
Tuy hạ tầng giao thông đường bộ đã có những bước tiến vượt trội so với giai đoạn trước, nhưng vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn, nút thắt, nhất là về vốn và pháp lý. Điển hình là Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51km, tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng) khánh thành dịp 30-4-2023 cũng phải mất tới 11 năm triển khai với 3 lần động thổ, 3 lần thay đổi nhà đầu tư, chỉ đến khi Tập đoàn Đèo Cả vào giải cứu thì công trình mới hoàn thành. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ra đời được hy vọng tạo hành lang pháp lý rõ ràng, tạo bước đột phá về thu hút nguồn vốn xã hội hóa để triển khai các dự án hạ tầng, nhất là đường bộ cao tốc. Nhưng gần đây, không ít nhà đầu tư lâm vào cảnh “khóc dở, mếu dở” do sự chồng chéo, xung đột tại các văn bản quy phạm pháp luật và chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, gây thiệt hại kéo dài cho nhà đầu tư, dẫn đến các dự án PPP bị đình trệ. Từ thực tế đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất dành 10.342 tỷ đồng từ vốn ngân sách để xử lý những vướng mắc, bất cập của 8 dự án BOT theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Đồng thời, có một tín hiệu tích cực là trong kỳ họp thứ sáu vào cuối năm 2023, Quốc hội đã quyết định nâng mức vốn đầu tư công cho các dự án PPP từ 50% lên 70%. Thực tế, hầu hết dự án hạ tầng giao thông, đường bộ cao tốc đã và đang triển khai đều bị nghẽn do thiếu vốn, giải phóng mặt bằng chậm, tình trạng chủ mỏ vật liệu găm hàng, tăng giá trục lợi... Riêng đối với Dự án đường cao tốc Vành đai 4 Vùng Thủ đô theo phương thức PPP, dài 112km đi qua Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, hiện nay, Hà Nội đang tập trung cao độ giải phóng mặt bằng, tổ chức 14 mũi thi công để đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Cũng phải thấy rằng, cùng với “hạ tầng cứng”, Việt Nam còn có bước chuyển quan trọng của “hạ tầng số”, như việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, dùng căn cước công dân gắn chíp tích hợp nhiều thông tin, dữ liệu dân cư để bớt gánh nặng thủ tục cho người dân.
Cú hích lớn cho “then chốt của then chốt”
Bác Hồ nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược. Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ làm tăng tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của quốc gia, quyết định sự thành công của việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Cần thu hút nguồn nhân lực cao trong cả ba lĩnh vực: Nghiên cứu, quản lý và ứng dụng, nhất là các ngành mũi nhọn, các xu thế phát triển mới để có thể "đi sau, về trước" như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo...
Thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã đạt được những kết quả nhất định. Một trong những điểm sáng là lĩnh vực công nghệ thông tin (ICT). Mức doanh thu từ ICT khoảng 103 tỷ USD năm 2018 đã tăng lên 148 tỷ USD năm 2022. Trên bảng xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam tăng 10 bậc, từ vị trí 67 năm 2022 lên 57. Đánh giá kỹ năng của các lập trình viên Việt Nam, bảng xếp hạng TopCoder 2023 xác định chúng ta ở vị trí thứ 10. Những bước nhảy vọt kể trên cho thấy sự tiến bộ, mức độ phát triển của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhìn chung, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng ta không thể yên lòng khi năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á: Chỉ bằng 7% của Singapore, bằng 17,6% Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và thậm chí chỉ đạt 87,4% so với Lào. Đây là một chỉ số cơ bản cho thấy chất lượng nhân lực của Việt Nam còn thấp. Chúng ta thiếu các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quản lý, khoa học - công nghệ, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao. Thể lực người lao động còn có bất cập, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10cm và thấp hơn chiều cao trung bình của đa số các nước trong khu vực châu Á: Chúng ta đã trải qua hơn 10 năm trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng (thời kỳ dân số vàng sẽ kéo dài trong khoảng 34 năm và kết thúc vào năm 2041), nhưng thực tế cho thấy giá trị thặng dư, hiệu suất kinh tế chưa tương xứng với lực lượng lao động 51 triệu người hiện có của cả nước.
Cả khu vực công và khu vực tư đều rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó, việc thu hút và trọng dụng nhân tài là khâu trọng yếu vì người tài là lực lượng tinh túy, có khả năng tạo ra sự đột biến phát triển. Lâu nay ta vẫn nói nhiều về việc trọng dụng nhân tài, nhưng trên thực tế, các chính sách, cơ chế chưa đủ sức hút, chưa phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam cả trong nước và nước ngoài. Tình trạng lãng phí chất xám và “chảy máu chất xám” chậm được khắc phục. Đành rằng, trong nền kinh tế thị trường, dòng lao động dịch chuyển là điều bình thường, nhưng chỉ trong ba năm qua, việc đã có khoảng 40.000 lao động chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là điều rất đáng suy nghĩ về việc thu hút, sử dụng nhân lực trong khu vực công.
Nói là trọng dụng nhân tài nhưng lại không có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, có tính vượt trội đối với nhân tài thì đó chỉ là lời nói suông. Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2022, Hà Nội tuyển dụng được 55 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học; từ năm 2017 đến nay, đã tuyển dụng được 32 bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II, tuyển dụng được 77 vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt huy chương vàng hoặc giải nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp. Mặc dù đã nỗ lực, nhưng phải thấy rằng con số này là quá ít ỏi so với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài, của Thủ đô trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khi thảo luận Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), một trong những vấn đề nóng nhất được nhiều ý kiến nhấn mạnh chính là Hà Nội phải xây dựng được chính sách và cơ chế vượt trội để thu hút nhân tài. Người tài thực sự là người luôn trọng danh dự. Ngoài chế độ lương, nhà ở hay các ưu đãi vật chất khác, điều đặc biệt quan trọng nữa là phải tạo môi trường làm việc thông thoáng để nhân tài phát huy khả năng sáng tạo, cống hiến được nhiều nhất cho đất nước. Cần có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo, trong đó có việc cho vận dụng “hộp thử nghiệm cơ chế chính sách sandbox”, cùng với việc thành lập và sử dụng có hiệu quả các quỹ để khuyến khích nhân tài.
Thời gian không chờ đợi chúng ta. Phải hoàn thiện được thể chế, phải tạo ra được cơ chế, phải tìm được cách thức để giải phóng bằng được khát vọng, tiềm năng, sức lao động, sáng tạo sung mãn của người Việt Nam. Để tránh nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, toàn hệ thống của chúng ta phải được nâng lên một trình độ mới, phải vào cuộc với một tinh thần mới, nguồn năng lượng mới, trong đó, việc thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược chính là chìa khóa vạn năng, tạo xung lực cho đất nước cất cánh tới hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.