(HNMO) - Sáng 9-11, Nhóm Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội thảo công bố Kiểm soát Xung đột lợi ích trong khu vực công - Quy định và thực tiễn ở Việt Nam.
Đây là nghiên cứu do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp thực hiện, được tiến hành trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Sơn La, Thái Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Đồng Tháp) và 5 bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng và Công Thương. Đã có 570 người dân, 512 doanh nghiệp và gần 1.400 cán bộ công chức (CBCC) tham gia khảo sát.
Kết quả công bố cho thấy: Xung đột lợi ích (XĐLI) chưa được CBCC, doanh nghiệp và người dân nhận thức rõ; XĐLI và kiểm soát XĐLI chưa được chính thức hóa trong văn bản pháp luật làm cơ sở nâng cao hiệu quả quản lý công và phòng, chống tham nhũng; Các tình huống XĐLI xảy ra khá phổ biến, đa dạng và có nguy cơ trở thành “thông lệ” trong hoạt động công vụ; Hiệu quả kiểm soát XĐLI còn hạn chế và chưa gắn kết được với các yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.
Theo nhóm nghiên cứu, đa số các đối tượng được hỏi còn chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về khái niệm XĐLI. Chỉ có khoảng 25% người được hỏi hiểu XĐLI là xung đột giữa lợi ích riêng của CBCC và lợi ích chung. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đưa ra một khái nhiệm chính thức về XĐLI. Giữa các văn bản pháp luật chưa có sự đồng bộ hoặc tương đồng cần thiết để thực thi hiệu quả.
Đáng chú ý, các tình huống XĐLI xảy ra khá phổ biến và đa dạng. XĐLI xuất hiện ở cả 6 hoạt động của CBCC, nhất là các hoạt động: đấu thầu, cấp phép, phê duyệt dự án và tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự. Hình thức XĐLI phổ biến nhất là: Tặng quà, giúp đỡ người thân, sử dụng lợi thế thông tin. Gần 70% số doanh nghiệp và CBCC có biết rõ việc tặng/nhận quà cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc.
CBCC và doanh nghiệp đều có cảm nhận chung là tặng quà đã trở thành "trào lưu", "thông lệ", thậm chí là "luật chơi". Nhiều doanh nghiệp tặng quà để không bị "phân biệt đối xử", trong khi CBCC tặng quà cho cấp trên để thể hiện "sự biết điều".
Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, việc xử lý chưa nghiêm minh; lãnh đạo chưa gương mẫu và thiếu các công cụ kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực hiện các quy định kiểm soát XĐLI (có từ 25% đến 40% CBCC được hỏi cho rằng cơ quan họ không thực hiện các biện pháp kiểm soát XĐLI theo quy định).
Bên cạnh đó, việc thiếu các biện pháp khuyến khích người dân hoặc CBCC phát hiện, kiến nghị hoặc phản ánh về tình huống XĐLI cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiệu lực kiểm soát XĐLI còn hạn chế.
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị, trong đó, tập trung vào ba nhóm giải phá nhằm cải cách thể chế nâng cao hiệu quả quản trị công và phòng ngừa tham nhũng ở Việt Nam, gồm: Tăng cường nhận thức; Hoàn thiện thể chế và Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về kiểm soát XĐLI.
Theo đó, kiểm soát XĐLI cần gắn với các yêu cầu về cải cách TTHC; kiểm soát tốt chế độ công vụ; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của bộ máy chính quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.