(HNMO) – Từ đầu tháng 10 trở lại đây, bạo lực leo thang căng thẳng giữa Israel và Palestine khiến nhiều người lo ngại về sự bùng phát của một phong trào Intifada thứ 3. Tuy nhiên, không giống như hai lần trước, làn sóng bạo lực này chịu sự tác động không hề nhỏ từ truyền thông xã hội.
Bạo lực bùng phát căng thẳng giữa Israel và Palestine từ đầu tháng 10 trở lại đây. Ảnh: BBC |
Mồi lửa làm bùng phát bạo lực
Israel và Palestine đang chứng kiến những căng thẳng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua với lo ngại nguy cơ bạo lực có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Đến thời điểm hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy các cuộc tấn công của người Palestine được tiến hành một cách có tổ chức. Theo các nhà chức trách cũng như giới phân tích, các vụ tấn công và trả đũa của người Palestine hầu như mang tính chất tự phát.
Tuy nhiên, không giống như hai phong trào Intifada (cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại Israel) từng xảy ra vào năm 1987 và 2000 bắt nguồn từ những vụ đụng độ trực tiếp, mồi lửa châm ngòi cho tình trạng bạo lực lần này là truyền thông xã hội.
Những ngày qua, các đoạn video và tin tức lan tỏa một cách nhanh chóng và rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã làm dấy lên làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa hai cộng đồng người Do Thái và Palestine.
Cả hai phía đều công bố những video có tính chất gây sốc nhằm công kích lẫn nhau và nhanh chóng tập hợp những thành phần quá khích tham gia vào các vụ tấn công bạo lực.
Hôm 13/10, camera giám sát ghi lại hình ảnh người đàn ông Palestine lái xe đâm vào một nạn nhân Do Thái, sau đó giết chết người này một cách tàn nhẫn bằng dao thái thịt. Chỉ vài giây sau khi công bố, đoạn video đã lan tỏa khắp mạng xã hội, gây nên sự phẫn nộ kịch liệt trong cộng đồng người Do Thái.
Từ phía Palestine, một đoạn clip khác cũng được đăng tải, với hình ảnh em bé 3 tuổi người Palestine chết gục trên tay cha trong một cuộc không kích của Israel ở dải Gaza. Đoạn video có sức lay động vô cùng lớn trong cộng đồng Palestine, rất nhiều người Ả Rập đã chia sẻ và bày tỏ sự căm phẫn đối với người Do Thái cũng như chính quyền Israel.
Lực lượng Hamas công bố một đoạn video ghi lại một vụ tấn công người Do Thái. Ảnh: BBC |
Có thể nói những video đã trở thành thứ vũ khí có sức mạnh không ngờ. Chúng lan tỏa một cách nhanh chóng, rộng rãi và tác động trực tiếp đến từng người truy cập. Vô tình những đoạn video như thế này đã cổ xúy và kích động tình trạng bạo lực ở cả hai phía Israel và Palestine.
Các cuộc tấn công trả đũa và biểu tình bạo lực của người Palestine đang lan tới dải Gaza. Mới đây nhất, ngày 13/10, hai vụ tấn công đẫm máu đã xảy ra tại các thành phố Jerusalem và Ra'anana, khiến ít nhất 1 người chết và 17 người bị thương.
Khi bị chính quyền Israel bắt giữ, những thanh niên Palestine nói rằng họ đã bị kích động bởi những video chia sẻ trên mạng.
Đâu là nguyên nhân?
Có 3 nguyên nhân vì sao truyền thông xã hội lại có tác động lớn như vậy đến xung đột Israel – Palestine, khiến cho bạo lực bùng phát và leo thang ở thời điểm này.
Thứ nhất, do bản chất của xung đột Israel-Palestine. Mâu thuẫn giữa hai cộng đồng xuất phát từ những khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc và mâu thuẫn về lãnh thổ. Chính điều này khiến cho quan hệ giữa Israel và Palestine luôn mang tính chất phức tạp và nhạy cảm, dễ dàng bị tác động bởi dư luận và truyền thông xã hội.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển như hiện nay, tin tức có thể lan tỏa trong tích tắc với quy mô không ngờ tới. Hệ quả là, những lời đồn thổi hay video gây sốc mà hàng triệu người đang chia sẻ mạng xã hội đã thổi bùng lên ngọn lửa bạo lực giữa Israel và Palestine, càng làm gia tăng thêm khó khăn cho hai phía trong việc đàm phán để đạt được một thỏa thuận thực sự.
Thứ hai, xung đột Israel – Palestine đã tồn tại quá lâu mà vẫn chưa tìm được cách giải quyết khiến cho người dân Palestine không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục chờ đợi. Sau 22 năm thương thuyết vô vọng, người Palestine chỉ còn chờ một cái cớ, một mồi lửa là có thể thồi bùng lên tất cả những giận dữ, thất vọng đè nén lên họ trong suốt những năm tháng chờ đợi một giải pháp từ những người cầm quyền.
Theo một cuộc điều tra mới đây của Trung tâm Nghiên cứu chính trị và Chiến lược Palestine, người dân Palestine giờ đây không còn tin vào tiến trình hòa bình Trung Đông nữa, đa số họ muốn nổi dậy vũ trang chống lại Israel.
Theo ông Ahmed Tibi, một nghị sĩ Israel, chính sự tức giận, mất lòng tin và sức ép từ quá trình mở rộng khu định cư của người Do Thái trên phần đất của Palestine đã khiến cho những thanh niên trẻ Palestine tấn công người Israel và tự hủy hoại cuộc sống của mình.
Thứ ba, do sức mạnh tự thân của truyền thông đại chúng. Ngày nay, với sự tiên tiến của công nghệ, thông tin trên mạng xã hội có thể phát tán với tốc độ tính bằng giây và quy mô gần như không giới hạn. Với sức lay động vô cùng lớn, chỉ một đoạn video, một bức ảnh hay thậm chí một lời bình luận cũng có thể làm bùng lên cả một làn sóng bạo lực. Điều này đã được chứng minh bằng cuộc “Cách mạng màu” hay “Mùa xuân Ả Rập” nổ ra ở Bắc Phi, Trung Đông 4 năm trước. Đây cũng là điều đang diễn ra ở Bờ Tây và Jerusalem.
Những bức ảnh hay video có sức lay động rất lớn thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. BBC |
Tóm lại, mạng xã hội có thể coi như chất xúc tác cho các cuộc xung đột giữa Palestine và Israel thời gian gần đây. Với sự tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng, tính chất của xung đột Israel-Palestine lần này sẽ không còn như trước. Đáng lo ngại hơn cả là nguy cơ các vụ tấn công tự phát có thể trở thành phong trào nổi dậy có tổ chức, có người dẫn dắt và được liên kết bởi truyền thông xã hội.
Giới phân tích cho rằng nếu “Intifada 3” bùng nổ và có sự lèo lái của truyền thông thì mức độ nghiêm trọng sẽ không lường hết và thiệt hại cả hai bên tranh chấp sẽ vượt mọi dự đoán. Kịch bản này xảy ra sẽ khiến nhà chức trách của cả hai bên phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ để kiềm chế bạo lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.