Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất xứ bài thơ ”60 tuổi” của Bác Hồ: Trần mà như thế kém gì tiên

Lê Xuân Đức| 19/05/2013 06:13

(HNM) - Năm 1949, sắp đến ngày 19-5, ngày sinh của Bác, nhiều cán bộ đang cùng làm việc ở Việt Bắc, thể theo nguyện vọng của đồng bào đã đề nghị Bác cho được tổ chức chúc mừng sinh nhật. Bác đã làm bài thơ "Không đề" bày tỏ tâm sự của mình và đáp lại tấm thịnh tình kính yêu của đồng chí, đồng bào:

Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.


Năm 1950, cũng gần đến ngày 19-5, ngày Bác tròn 60 tuổi, theo truyền thống đến tuổi hạc, tuổi lên lão, thường được tổ chức lễ mừng, lễ chúc. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề nghị Bác cho tổ chức lễ kỷ niệm mừng Bác 60 tuổi. Bác đã từ chối bằng cách đọc lại bài thơ “Không đề”: Chờ cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.

Đồng chí Xuân Thủy cho biết, tuy Bác khước từ, nhưng Thường vụ Trung ương Đảng, Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận kiên trì tiếp tục đề đạt với Bác, Bác biết rằng không thể từ chối được, đành phải nhân nhượng. Bác đề nghị:

- Thôi thì, nhân có một cuộc họp của Hội đồng Chính phủ sẽ được triệu tập vào ngày 21-5, chiều họp xong, sẽ xin có buổi tiếp khách chung đại biểu quân dân chính đảng

Mọi người vui mừng, thỏa mãn, tuy rằng như thế lễ mừng thọ Bác sẽ diễn ra muộn hơn hai ngày, nhưng rồi bảo nhau, điều chính là có dịp được chúc mừng Bác.

Ban tổ chức được thành lập, thiết kế chương trình, nội dung buổi lễ vừa trang trọng, vừa thân tình, đầy ý nghĩa. Nhiều cán bộ cao cấp và nhân sĩ danh tiếng xung phong ghi tên góp các tiết mục văn nghệ để cùng mừng vui.

Ngày 21-5, các đại biểu quân dân chính đảng tề tựu đông đủ trong một căn nhà lợp mái lá được gọi là hội trường của Phủ Chủ tịch. Bác đi họp chưa về, trời đã sâm sẩm tối, Ban tổ chức đã cho chạy máy nổ, mấy bóng đèn điện bừng sáng cả một góc rừng sâu. Ông Trần Duy Hưng lúc đó vẫn giữ danh nghĩa Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội nhưng việc chính đang làm là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã giới thiệu dự kiến chương trình để các đại biểu biết và cùng thực hiện sao cho nhịp nhàng. Ông Trần Duy Hưng vừa nói xong thì Bác đến. Mọi người đứng cả dậy tay vỗ, miệng hô vang "Hồ Chủ tịch muôn năm…". Bác giơ hai tay lên cao, rồi hạ dần dần xuống, ý đề nghị mọi người trở lại yên lặng. Bác nói với ông Trần Duy Hưng: "Chú cứ để Bác tự tiếp khách". Bác nói tiếp:

- Chẳng mấy khi có dịp gặp đầy đủ các cụ, các anh chị em, các cháu, tôi xin nói về vận hội mới của cách mạng thế giới, nhất là từ sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Bác đã nói rành rõ về tình hình, Bác cũng nói về việc Mỹ sẽ can thiệp sâu vào Đông Dương. Sự quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Một đại biểu nhiều tuổi đứng dậy, mạnh dạn đề nghị Bác kể chuyện về việc vừa qua Bác đi gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Liên Xô. Cả hội trường vỗ tay kéo dài. Thế là mọi người được biết rõ ràng hơn về chuyến đi bí mật ba tháng của Bác sang Trung Quốc, Liên Xô để tranh thủ sự ủng hộ cho cách mạng Việt Nam.

Bác kể chuyến đi vất vả nhưng thành công lớn. Cuộc kháng chiến của ta từ nay có một hậu phương rộng lớn và hùng mạnh, các nước bạn đã hiểu ta, ủng hộ giúp đỡ ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn là chính, phải nỗ lực, phải tự lực cánh sinh, chủ động vươn lên mạnh mẽ…

Nhân lúc Bác ngừng lời, Linh mục Phạm Bá Trực, Phó trưởng Ban thường trực Quốc hội, đứng lên thay mặt toàn thể đọc những lời chúc thọ Bác. Lời chúc mở đầu bằng mấy câu tiếng Latinh rất trịnh trọng. Khi cụ Phạm Bá Trực ngừng lời, theo nhà thơ Xuân Diệu (có mặt trong buổi lễ), Bác Hồ tươi cười cảm ơn và nói: Tôi có mấy câu thơ cũng chỉ là khoai khoai sắn sắn thôi xin được đọc ra đây:

Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên.


Bài thơ nói vui mà rất khoa học, chính xác, biện chứng vô cùng. Ăn, ngủ, làm việc là ba mặt hoạt động của con người, nó chi phối mọi hoạt động khác. Người ta trần thế bởi vì bị mắc mớ, bị trục trặc trong mối quan hệ giữa ba yếu tố đó, không thanh thoát nổi. Trong đời con người mà đạt được độ hài hòa, nhịp nhàng: Ăn khỏe/ngủ ngon/làm việc khỏe thì rõ ràng đã vượt lên trên cái trần thế và chẳng kém gì tiên. Câu thơ có một phần từ cái gốc dân gian "Ăn được, ngủ được là tiên". Trong câu thơ của Bác, Bác điều chỉnh, bổ sung và định tiêu chuẩn cho… tiên. Bác nói ăn khỏe, ngủ ngon chứ chưa yêu cầu ăn ngon. Nghe kể những mẩu chuyện về cuộc sống hằng ngày của Bác, ta càng xúc động. Bữa ăn của một vị Chủ tịch nước cũng chỉ có quả cà, bát canh, con cá, mà có khi và quý nhất là từ ao nhà, vườn nhà. Đấy lại cũng là những bữa sang tiếp anh hùng, chiến sĩ. Cuộc đời thanh bạch, nếp sống thanh đạm hệt như một nhà hiền triết. Cái nhìn "Trần mà như thế kém gì tiên" cũng là cái nhìn hết sức thanh đạm của nhà hiền triết.

Bác như một nhà hiền triết và hơn nhà hiền triết. Nhu cầu sống của Bác là ăn, ngủ và làm việc, hoàn toàn không có nhu cầu hưởng thụ. Làm việc khỏe là một cái nhìn mới, một quan niệm sống mới, đem đến một nội dung mới cho câu thơ. Làm việc khỏe là cái gốc. Ăn khỏe, ngủ ngon cũng để làm việc khỏe. Xin nhớ, làm việc khỏe của Bác là làm việc cho nước, cho dân chứ không phải cho bản thân Bác. Khi làm việc khỏe là lúc Bác cống hiến nhiều nhất sức lực và trí tuệ của mình cho đất nước, cho dân tộc, cho cách mạng và Bác lấy đó làm tiêu chuẩn hạnh phúc cao nhất. Khái niệm ông tiên qua Bác đến với chúng ta trở nên gần gũi vô cùng. Ông tiên đời thường mà lại rất tiên.

Bài thơ ứng khẩu tự nhiên, tươi trẻ, vui vẻ, khỏe khoắn và thoải mái, tràn trề sức trẻ, sức thanh xuân. Bài thơ Bác đọc vừa dứt, mọi người đứng dậy vỗ tay, cười vang thoải mái. Những nghi thức nghiêm trang của lễ mừng không còn nữa mà nhường chỗ cho không khí cởi mở chan hòa, ấm cúng tình người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất xứ bài thơ ”60 tuổi” của Bác Hồ: Trần mà như thế kém gì tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.