(HNM) - Việc đưa nông dân đi học nghề nông ở các nước có nền nông nghiệp tiên tiến không còn là chuyện hiếm ở nhiều địa phương. Từ những chuyến đi bổ ích đó, nhiều nông dân khi về nước đã thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại gà Tiên Viên hiện là nơi đào tạo nghề cho nhiều nông dân. |
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
Năm 2015, anh Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) đã có cơ hội sang Đức để học hỏi về chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp khép kín. Thấy hiệu quả, năm 2016, anh tiếp tục sang Hà Lan để tìm hiểu về phương pháp, kỹ thuật mới trong giết mổ, chế biến... Nhờ những chuyến tham quan, học tập đó, anh Long đã chuyển hướng chăn nuôi sang an toàn, khép kín từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến và chủ động xây dựng thị trường, thay vì phụ thuộc các thương lái đến thu gom như trước đây.
Tiếp chúng tôi, anh Long vui vẻ kể: Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Trong 10 ngày ở Đức, tôi học được cách quản lý, kỹ thuật, xây dựng chăn nuôi lợn hiệu quả. Mặc dù điều kiện ở nước ta không thể làm được như bên nước bạn, nhưng khi trở về, tôi đã vận dụng sáng tạo vào trang trại của mình. Để tạo độ thông thoáng cho chuồng nuôi về mùa đông và mát về mùa hè, tôi đã đầu tư 2 hộp thông gió ở mỗi dãy chuồng rồi nâng cấp trần chống nóng bằng bạt tráng nhôm 2 mặt sang trần bằng inox, trên mặt trần và dưới mái tôn đều có xốp chống nóng, kết hợp dàn mát. Nhờ vậy, mùa hè giảm được 7-9 độ C so với ngoài trời, tiết kiệm được 60% chi phí tiền điện. Không những thế, đàn lợn lớn nhanh, không sinh bệnh...
Trong chuyến đi Hà Lan vào tháng 8-2016, anh Long cũng được học hỏi rất nhiều về kỹ thuật giết mổ, chế biến và nhất là kỹ thuật cấp đông bảo quản thịt lợn. Trở về nước, anh mạnh dạn đầu tư hệ thống giết mổ, chế biến và bảo quản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến cuối năm 2016, chuỗi thịt lợn sinh học A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long đã chủ động được từ con giống, thức ăn, đến giết mổ, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Hiện tại, hợp tác xã đã chủ động tiêu thụ được hơn 30% sản lượng lợn mỗi tháng với giá bán bình quân 110.000 đồng/kg thịt lợn thành phẩm và 150.000 đồng/kg giò, chả...
Cũng giống như anh Long, anh Đặng Đình Tiên chủ trang trại gà Tiên Viên (ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) là một trong số những nông dân chịu khó học làm nghề nông tại các nước tiên tiến. Hơn 20 năm gắn bó với chăn nuôi là chừng ấy năm anh tự mày mò học hỏi cách thức sản xuất... Đặc biệt, 5 năm gần đây, anh Tiên thay đổi hoàn toàn hệ thống chăn nuôi truyền thống của trang trại sang phương pháp chăn nuôi hiện đại. Sự quyết đoán này xuất phát từ những chuyến học tập mô hình chăn nuôi gà ở các nước. Là một nông dân giỏi nghề, lại được học tập, tiếp cận với các tập đoàn, các đơn vị chăn nuôi hàng đầu của các nước đã giúp anh Tiên trở thành chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực chăn nuôi gà tiên tiến. Đến nay, hầu hết các loại gà giống của trang trại gà Tiên Viên đều được thụ tinh trong ống nghiệm, bảo đảm 100% gà mái. Trứng gà Tiên Viên trước khi đưa ra thị trường đều được sát khuẩn, đóng gói và in thương hiệu Tiên Viên để tránh bị lẫn với các loại trứng thường...
Nối tiếp thành công, anh Tiên đang xây dựng chuỗi “Gà ri Tiên Viên”. Hiện, chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trứng Tiên Viên có quy mô diện tích 10ha, với 14 trại chăn nuôi gà khép kín, hiện đại. Bên cạnh đó, anh còn liên kết với các trại chăn nuôi vệ tinh là hộ chăn nuôi địa phương với số lượng hơn 200.000 gà các loại, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 70.000 quả trứng gà sạch.
Đến nay, anh Tiên đã nhân giống thành công giống gà Tiên Viên 1, Tiên Viên 2 với công suất 160.000 gà giống/tháng, bảo đảm cung cấp cho hơn 1.000 trang trại trên địa bàn cả nước. Ngoài ra, anh đang xây dựng dự án khu giết mổ tập trung với công suất 1.000 con gà/giờ với kỳ vọng, khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe của đối tác trong xuất khẩu và đặc biệt là góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt: Thay vì sử dụng các sản phẩm gia cầm tươi sống, khó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ các chợ sang sử dụng thịt mát, thịt cấp đông đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn với sức khỏe con người…
Lựa chọn nông dân ưu tú để đi học
Đánh giá về các chương trình học tập nghề nông của các nước tiên tiến, nhiều nông dân của Hà Nội từng được đi học tập nhận định, đây là chương trình bổ ích và thiết thực. Anh Nguyễn Trọng Long, Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long chia sẻ: “Hiện kinh phí học tập, ngoài một phần Nhà nước hỗ trợ theo chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, còn lại nhiều nông dân đều sẵn sàng đầu tư kinh phí cho chuyến học tập. Điều quan trọng là các đơn vị tổ chức hỗ trợ xây dựng chương trình và giúp nông dân tìm mô hình học tập phù hợp. Bởi nếu bỏ ra vài chục triệu, nhưng khi áp dụng thành công có thể thu lãi tới cả tỷ đồng”.
Anh Đặng Đình Tiên thì cho biết, sau khi tham gia các lớp học ở nước ngoài trở về, trang trại Tiên Viên cũng là nơi tham gia đào tạo cho nhiều nông dân khác muốn phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín hiện đại nhưng chưa có điều kiện đi nước ngoài học tập. Với cách dạy nghề trực tiếp tại trang trại, nông dân học lý thuyết và thực hành tại chỗ, đã thu hút đông đảo nông dân cùng chí hướng tham gia mà không cần bất kỳ biện pháp tuyên truyền, vận động học nghề nào…
Từ những hiệu quả đạt được, Hội Nông dân Hà Nội mong muốn, trong thời gian tới sẽ mở các lớp dạy nghề ở nước ngoài theo chuyên ngành hẹp để đưa các nông dân ưu tú, điển hình của Hà Nội xuất ngoại. Với các mô hình nông nghiệp sẵn có, nông dân sẽ áp dụng và có phương án đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả theo hướng an toàn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường như anh Long, anh Tiên...
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Trịnh Thế Khiết, việc đào tạo nghề cho nông dân ở nước ngoài đã góp phần thay đổi quan trọng tư duy sản xuất của nông dân; qua đó, đã có nhiều áp dụng sáng tạo vào chính mô hình của họ. Tuy nhiên, đối với hình thức đào tạo này, các đơn vị tổ chức cần chuyên sâu theo chuyên ngành (cây trồng, vật nuôi) nhằm tận dụng tối đa thời gian học tập.
Tới đây, Hội Nông dân Hà Nội sẽ chọn các nông dân ưu tú, đã có mô hình sản xuất tốt để đưa đi học tập ở nước ngoài, tạo “hạt giống” để nhân rộng trên địa bàn thành phố. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.