Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu trái cây: Mặt hàng tiềm lực của nông sản Việt Nam

Đỗ Minh| 15/12/2020 11:49

(HNMO) - Trái cây được coi là mặt hàng tiềm lực trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giá trị xuất khẩu rau, trái cây 11 tháng năm 2020 đạt 3,01 tỷ USD thì mặt hàng trái cây chiếm tới gần 80%.

Đáng lưu ý, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 đã giúp xuất khẩu trái cây sang thị trường EU tăng đáng kể. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây cần xây dựng các vùng trồng bảo đảm các tiêu chuẩn, tăng khả năng chế biến, bảo quản để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng.

Vùng trồng vải tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) được cấp mã vùng xuất khẩu sang Nhật Bản.

1.749 vùng trồng quả tươi được cấp mã số xuất khẩu

Đầu tháng 12 vừa qua, Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) xuất khẩu đợt đầu 3,6 vạn quả bưởi đào đường sang Nga. Đây là lô bưởi đầu tiên của Bắc Giang xuất sang thị trường Nga. Bà Đỗ Thị Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng cho biết, để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu bưởi sang Nga, từ nhiều năm trước, công ty đã liên kết với các hộ nông dân tại các xã Bình Sơn, Lục Sơn, huyện Lục Nam xây dựng vùng trồng bưởi hữu cơ chất lượng. “Để lô hàng 3,6 vạn quả bưởi tươi được xuất sang thị trường Nga, cách đây 4 tháng, doanh nghiệp bên Nga đã sang kiểm tra vùng trồng và cùng công ty hoàn tất các thủ tục kiểm định chất lượng để xuất khẩu. Sản phẩm bưởi xuất khẩu là bưởi đào đường loại 1, trọng lượng từ 1,4-1,6 kg/quả. Đây được coi là thành công rất lớn của xuất khẩu trái cây Việt Nam”, bà Đỗ Thị Hằng nhấn mạnh.

Trước lô bưởi tại Bắc Giang, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho hay, vào tháng 10-2020, Chile đã thông báo chấp nhận nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam. Trước đó, hồi cuối tháng 6, lần đầu tiên, 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang tổ chức xuất khẩu gần 5 tấn vải thiều sang Nhật Bản bằng đường hàng không. Trong tháng 9, lô hàng đầu tiên gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA bằng đường tàu biển và hàng không…

“Trong 11 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu rau, trái cây đạt 3,01 tỷ USD, thì mặt hàng trái cây chiếm tới gần 80% giá trị xuất khẩu trong nhóm này. Đáng chú ý, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song xuất khẩu trái cây vẫn ghi nhận tăng trưởng tại nhiều thị trường, đặc biệt là EU. Dự kiến năm nay, xuất khẩu trái cây sang thị trường EU tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước”, ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ.

Đánh giá về tiềm năng của mặt hàng trái cây, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho rằng, cả nước hiện có khoảng 1,05 triệu ha cây ăn quả, sản lượng hơn 12,6 triệu tấn. Trong đó, xoài đạt 814,8 nghìn tấn, thanh long đạt 1,242 triệu tấn, bưởi đạt 779,3 nghìn tấn… Ngoài ra, cả nước có 1.749 vùng trồng quả tươi được cấp mã số xuất khẩu, 1.200 mã số cho cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu.

Về thị trường, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với Hiệp định EVFTA, rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Đáng chú ý, việc giảm thuế theo EVFTA sẽ giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn để tiến vào thị trường châu Âu. “Hiện EU là thị trường nhập khẩu rau, quả lớn thứ tư của Việt Nam. Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân châu Âu tăng cao trở lại, xuất khẩu trái cây sang thị trường này dự báo sẽ ghi nhận sự tăng trưởng đột biến”, ông Trần Thanh Hải phân tích.  

Vùng trồng bưởi tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).

Đồng bộ các giải pháp

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường, hạn chế lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả ở nước ta hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, khó đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức liên kết sản xuất; năng suất bình quân nhiều loại cây ăn quả thấp. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm của các vùng sản xuất cây ăn quả của Việt Nam chưa chuyên nghiệp, đặc biệt là thiếu vắng các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, xuất khẩu… 

Để khắc phục hạn chế này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ tiếp tục cùng các địa phương rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung. Đồng thời, xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc, trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn, chính ngạch. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các địa phương căn cứ vào thế mạnh, sản phẩm đặc sản để đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng căn cứ theo thị trường; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu; đặc biệt cần nâng cao năng lực chế biến cho mặt hàng trái cây.

Để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán, cơ quan phụ trách nông sản tại các nước kịp thời giải quyết mọi nội dung liên quan đến thương mại nông sản quốc tế, các tiêu chuẩn về chất lượng, các quy định quốc tế…

Về phía các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết xây dựng vùng trồng chất lượng gắn với nhà máy chế biến. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Đinh Công Khuê chia sẻ, mới đây công ty triển khai dự án xây dựng một tổ hợp chế biến rau quả tại tỉnh Sơn La với quy mô 50.000 tấn sản phẩm/năm, bảo đảm tiêu thụ rau quả cho 40.000 - 50.000ha rau quả hàng năm.  

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Cùng với quy hoạch vùng, liên kết doanh nghiệp sản xuất chuỗi, tăng cường khả năng bảo quản, chế biến, tháo gỡ khó khăn trong thị trường và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại, thế hệ mới trái cây Việt Nam sẽ có những bứt phá lớn trong thời gian tới và là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu nông sản Việt Nam".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu trái cây: Mặt hàng tiềm lực của nông sản Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.