Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu trái cây: Khó khăn vì chưa đạt chuẩn

Đào Huyền| 28/03/2011 07:25

(HNM) - Thanh long, bưởi và một số loại trái cây đặc sản vùng nhiệt đới như măng cụt, xoài, nhãn… của Việt Nam đã chinh phục nhiều thị trường lớn khó tính như Mỹ, Trung Quốc, EU…


Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu (XK) trái cây Việt Nam có lợi thế và tiềm năng lớn tương đương với các mặt hàng gạo, cà phê, điều… Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá các loại trái cây đều giảm mạnh do nhiều nước châu Âu đã tạm ngưng nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam do không đạt tiêu chuẩn Global GAP - tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc.

Tiềm năng lớn


Chế biến dứa tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.    Ảnh: Huy Hùng


Bộ NN&PTNT cho biết, cả nước hiện có gần 800.000ha cây ăn quả, trong đó, riêng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 270.000ha với sản lượng trái cây mỗi năm khoảng 7 triệu tấn. Năm 2010, kim ngạch XK rau quả cả nước đạt trên 471 triệu USD, tăng hơn 33 triệu USD so với năm trước đó. Mục tiêu đến năm 2015, giá trị XK trái cây của Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD. Nhiều chuyên gia cho rằng, với lợi thế đồng đất của Việt Nam thì đó không phải là mục tiêu khó đạt được. Hiện trong các thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn nhất dù nước này nổi tiếng là "kho" trái cây thế giới. Năm 2010, kim ngạch XK trái cây vào thị trường Trung Quốc đạt khoảng 235 triệu USD, Nhật Bản là thị trường thứ hai với kim ngạch khoảng 54.5 triệu USD. Trong những năm qua, XK trái cây của Việt Nam sang EU tăng cao, đặc biệt là sau khi EU cấp giấy chứng nhận GAP cho thanh long Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, EU là nước nhập khẩu hoa quả lớn nhất thế giới, do đó nhu cầu các loại quả nhiệt đới tại thị trường này sẽ tiếp tục tăng mạnh, trung bình khoảng 8%/năm. Các loại trái cây được ưa thích tại thị trường EU là chuối, xoài, dứa, đu đủ… Thanh long và bưởi Việt Nam cũng trở thành mặt hàng nhập khẩu ưa thích tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Trước tiềm năng lớn này, Bộ Công thương vừa đưa ra dự báo, XK hoa quả từ nay tới cuối năm sẽ tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường lớn trên thế giới là rất cao. Trái cây tươi, trái cây đóng hộp, trái cây sấy khô sẽ tạo nên sự bứt phá trong kim ngạch XK trái cây thời gian tới. Đánh giá về trái cây Việt Nam, một số tạp chí thế giới viết rằng, trái cây của Việt Nam rất ngon, có đặc trưng và mùi vị riêng. Nếu những năm trước đây, thanh long xuất sang Mỹ phải qua nước thứ 3 như Thái Lan thì gần đây, khả năng tìm kiếm thị trường XK của doanh nghiệp Việt Nam đã nâng lên và làm cho giá trị xuất khẩu tăng đáng kể.

Chưa đạt tiêu chuẩn Global GAP

Theo Hiệp hội Rau, quả Việt Nam, thời gian gần đây giá các loại trái cây có xu hướng giảm mạnh. Nguyên nhân chính là do nhiều nước châu Âu đã tạm ngưng nhập khẩu trái cây tươi không đạt tiêu chuẩn Global GAP. Thực tế, trái cây Việt Nam vào Trung Quốc, Thái Lan thì dễ dàng nhưng để đứng vững trên thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản thì phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe như Global GAP hoặc VietGap. Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Long Giang (Tiền Giang) cho biết, do không đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP để XK sang châu Âu nên nhãn của Việt Nam chỉ trông chờ thị trường nội địa và Trung Quốc. Mặt hàng bưởi nổi tiếng là thế song đến thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị đối tác ngưng đàm phán ký hợp đồng XK sang châu Âu vì diện tích và sản lượng bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn Global GAP rất ít. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, đầu năm 2011, XK trái cây Việt Nam gặp nhiều khó khăn khiến hầu hết các loại trái cây rớt giá, gây khó khăn lớn cho bà con nông dân. Nguyên nhân là do diện tích cây trồng đạt tiêu chuẩn GAP của EU thấp, lượng trái cây không đạt tiêu chuẩn, bị trả về nhiều.

Thực tế, với tiềm năng cung ứng trái cây Việt Nam thì việc tăng kim ngạch XK mặt hàng này không khó. Song các doanh nghiệp Việt Nam cần bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, không thể luẩn quẩn mãi trên thị trường châu Á, phải biết mở rộng sang thị trường châu Âu, có như vậy trái cây Việt Nam mới được nâng cao giá trị, nông dân và DN mới có nhiều lợi nhuận. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng điều lo lắng của trái cây Việt Nam hiện nay không phải là thị trường, chất lượng mà là phải bảo đảm số lượng lớn và an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều đáng quan tâm nữa là công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam hiện còn thua nhiều nước. Trái cây nước ngoài khi nhập vào Việt Nam có thể để được hàng tháng. Đây là điều trái cây Việt Nam chưa có được. Trái cây Việt Nam dù được đánh giá ngon nhưng không thể đẩy mạnh xuất khẩu được do ta sản xuất manh mún, chất lượng không ổn định, màu sắc, kích cỡ không đều... TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, có trái cây ngon đến mấy nhưng không có điều kiện bảo quản, xử lý sau thu hoạch thì cũng không thể XK được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu trái cây: Khó khăn vì chưa đạt chuẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.