(HNM) - Sau hơn một tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1-8-2020), các đơn hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã tăng rõ rệt so với những tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, ngành Thủy sản cần tiếp tục nỗ lực vượt qua hàng loạt khó khăn, tháo gỡ những "rào cản" để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị phần tại thị trường quan trọng này.
Tận dụng lợi thế từ thị trường lớn
Mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Ninh Thuận và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Lễ xuất khẩu lô sản phẩm tôm đông lạnh đầu tiên của Việt Nam (trực tiếp là của Công ty TNHH Thông Thuận) sang một số nước châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận Trương Hữu Thông cho biết: Bước đầu, công ty đã tận dụng được lợi thế mà EVFTA mang lại, các đơn hàng tại thị trường châu Âu tăng mạnh. Tháng 9-2020, công ty dự kiến sẽ xuất khẩu với giá trị 9,5 triệu USD, trong đó lượng hàng vào châu Âu khoảng 4,5 triệu USD.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thủy sản và thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho biết, đến hết tháng 8-2020, công ty đã xuất khẩu 3.000 tấn tôm và các sản phẩm chế biến từ tôm sang thị trường châu Âu, với giá trị khoảng 31 triệu USD, tăng 8% về số lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Về tác động tích cực của EVFTA đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân, khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 840 dòng thuế, trong đó phần lớn có thuế suất cơ sở từ 6 đến 22%, sẽ được giảm về 0%. Trong đó, tôm, cá tra, cá ngừ là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường châu Âu… nên doanh nghiệp thủy sản có nhiều lợi thế về thuế suất cũng như các thủ tục pháp lý khi xuất khẩu vào thị trường này. Hiện châu Âu là một trong 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất và ổn định ở mức hơn 1,3 tỷ USD/năm, chiếm 15-17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sau hơn một tháng EVFTA có hiệu lực, mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực tại thị trường châu Âu. Cụ thể là, từ tháng 8-2020, số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7-2020.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ xuất khẩu
EVFTA có hiệu lực, mở ra cơ hội cho ngành Thủy sản hướng tới mục tiêu xuất khẩu năm 2020 đạt 10 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho thủy sản Việt Nam. Để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải thực hiện tốt quy tắc xuất xứ của sản phẩm. Chưa kể Việt Nam phải triệt để thực hiện các yêu cầu của EVFTA về môi trường liên quan đến đánh bắt hải sản...
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, mặc dù “cánh cửa” EVFTA đã được mở nhưng cũng còn rất nhiều “rào cản”. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm được chứng nhận, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. "Để tận dụng các ưu đãi EVFTA mang lại, ngành Thủy sản cần tháo gỡ 4 "rào cản" về chuỗi cung ứng vật tư; cung ứng giống cho nuôi trồng thủy sản; phát triển thị trường; cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu thủy sản", ông Trương Đình Hòe nói.
Thời gian tới, để mở rộng thị phần tại châu Âu, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn; khuyến khích các công nghệ nuôi tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và giảm dịch bệnh. Bên cạnh đó là quyết liệt hơn trong việc gỡ "thẻ vàng" về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). "Để đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường châu Âu nên tập trung vào sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp để phù hợp với những thay đổi của thị trường. Song song với đó cần tạo niềm tin đối với các nước châu Âu vào khả năng cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gợi ý.
Hiệp định EVFTA đã và đang tạo cơ hội để các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, ngành Thủy sản và các doanh nghiệp cần vượt qua những thách thức, "rào cản", mở rộng diện tích vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế để ổn định nguồn sản phẩm xuất khẩu; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, uy tín, mở rộng thị phần tại thị trường có giá trị cao này. Từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.