Trong gần 2 tuần qua, tại một số trường tiểu học, trường mầm non ở Hà Nội xuất hiện một căn bệnh lạ: Nhiều trẻ nhỏ bị viêm loét niêm mạc miệng, hậu môn, da tay... Cứ tưởng đó là bệnh
Sự nhầm lẫn tai hại
Suốt 1 tuần liền, bé T.H (Trường Mầm non Hoạ My) trong tình trạng uể oải. Bé biếng ăn, hay quấy khóc, ngây ngấy sốt, chảy nước mắt nhiều... Khi kiểm tra thì thấy trong miệng bé xuất hiện những bọng nước trong, sau vài ngày bọng nước vỡ để lại trên lưỡi, niêm mạc miệng của bé những hố thương tổn có vết trợt trắng. Tưởng đây hiện tượng "nhiệt" do "nóng trong", chị Đ. (mẹ của bé) vội vàng thay đổi chế độ ăn cho bé: Tăng lượng hoa quả, giảm bớt dầu mỡ, protein, ngoài ra còn cho bé ăn thêm bột sắn dây, uống vitamin C, B2, PP... nhưng những vết thương trong miệng bé vẫn không giảm bớt, thậm chí còn xuất hiện nhiều vết mới ở bàn tay, kẽ ngón chân. Khi đưa con đến khám bác sĩ, chị Đ. mới biết rằng bé T.H bị herpes. Qua tìm hiểu tại một số trường mầm non khác, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ trẻ bị "nhiệt" đang lác đác xuất hiện và có xu hướng càng nhiều hơn. Bệnh không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ, mà còn ở cả người lớn. Tại Viện Da liễu Trung ương, mỗi ngày có từ 10-20 bệnh nhân đến khám. Tại TT Da liễu Hà Nội, tỉ lệ bệnh nhân cũng tương tự. Một số bệnh nhân lớn tuổi khi bị mắc bệnh đã tự bôi các loại thuốc mỡ, thuốc xanh metylen, nhưng tình trạng bệnh càng thêm trầm trọng. Những vết loét càng lan rộng và đau rát.
Bà Hoàng Phương Lan, Giám đốc TT Da liễu HN cho biết: Hiện nay bệnh viêm da tiếp xúc đang bùng phát rất mạnh, tỉ lệ bệnh nhân bị herpes tuy không nhiều bằng bệnh viêm da tiếp xúc, nhưng cũng cần phải đề phòng sự lây lan trong cộng đồng, vì bệnh do virus gây ra nên tình trạng lây lan là không thể tránh khỏi, nếu không có sự hướng dẫn điều trị đúng cách của các y, bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Có mấy thể bệnh herpes?
Đây là bệnh nhiễm virus gây tổn thương tiên phát khu trú, có khả năng tái phát khu trú. Có 2 tác nhân gây bệnh, là virus herpes simplex típ 1 và 2 gây ra hội chứng lâm sàng riêng biệt, phụ thuộc vào nơi xâm nhập của virus. Điều đáng lo ngại là cả hai típ virus này đều có thể gây nhiễm trùng ở đường sinh dục. Bệnh nhân bị nhiễm trùng tiên phát do herpes simplex típ 1 có thể nhẹ, không rõ ràng, thường gặp ở tuổi nhỏ, nhất là trẻ tuổi mẫu giáo (dưới 5 tuổi). Khoảng 10% số ca bệnh nhiễm trùng tiên phát trở thành bệnh với các triệu chứng khác nhau: Sốt, mệt mỏi kéo dài hàng tuần hoặc lâu hơn. Trước khi bị tổn thương, bệnh nhân cảm thấy nóng, rát, rấm rứt, sau đó nổi các mụn nước liên kết với nhau tạo thành chùm như chùm nho. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nào, nhất là ở miệng (thường là trong miệng, lợi với các vết trợt đau rát), môi, mép... giống như chốc mép. Bệnh cũng có thể gây viêm kết - giác mạc, nên một số bệnh nhân cảm giác nhặm, cộm trong mắt, chảy nước mắt. Đối với bệnh nhân không được điều trị đúng cách, bệnh có thể tiến triển thành ezema mạn tính. Theo một số chuyên gia về da liễu, một điều nguy hiểm là ít người biết được virus típ 1 là nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm màng não - não.
Một dạng herpes nguy hiểm hơn, là herpes đường sinh dục, thường do virus típ 2 gây ra, chủ yếu gặp ở người lớn. Herpes típ 2 thường gây viêm màng não vô khuẩn, viêm rễ thần kinh nhiều hơn so với viêm màng não - não. Nhiễm virus típ 2 thường gặp khi người bệnh bắt đầu có hoạt động tình dục và ít gặp trước tuổi trưởng thành, tỉ lệ bệnh cao hơn lên tới 50% ở nhóm người nghèo và tới hơn 60% ở nhóm người có nhiều bạn tình. Bệnh herpes rất dễ lây nhiễm và có thể lây nhiễm qua nhiều đường: Nước bọt, tiếp xúc qua da, qua đường tình dục, thậm chí người mẹ bị bệnh có thể lây cho thai nhi trong khi sinh nở. Nhiều người khi mắc bệnh đã lo sợ và xấu hổ, không đi khám bác sĩ khiến tình trạng bệnh càng thêm trầm trọng, dễ bị các biến chứng nguy hiểm.
Điều trị bệnh herpes như thế nào mới đúng?
Theo BS Hoàng Phương Lan, bệnh herpes là do virus gây nên, nên việc ăn các đồ "mát" sẽ không có tác dụng mà cần được điều trị bằng những loại thuốc đặc hiệu, có khi phải kết hợp 2-3 loại thuốc khác nhau thì mới có thể chữa bệnh được tận "gốc". Tuỳ tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Có thể điều trị tại chỗ (chống nhiễm khuẩn) bằng bôi các dung dịch màu như xanh metylen, dung dịch milian, kem, mỡ kháng virus như: Acyclovir bôi 4-5lần/ngày. Điều trị toàn thân bằng acyclovir (zovirax) 200mg x 5 lần/ngày x 5 ngày. Các trường hợp tái phát thì thời gian điều trị phải kéo dài hơn theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Đối với bệnh herpes sinh dục, cần phải điều trị cả cho bạn tình của bệnh nhân. Trong trường hợp viêm giác mạc cấp có thể điều trị bằng trifluridin hoặc adenin arabinosid dưới dạng thuốc mỡ. Tuyệt đối không dùng thuốc có corticosteroide để tra mắt, trừ khi thầy thuốc chuyên khoa mắt có kinh nghiệm chỉ định.
Bệnh nhân bị viêm màng não do herpes có thể được bác sĩ cho dùng acyclovir IV để điều trị. Tuy nhiên, thuốc này không phòng được các biến chứng thần kinh. Một điều đáng lưu ý khác là hiện nay, đã có báo cáo về tình trạng virus herpes "kháng" acyclovir. Hơn nữa, bệnh herpes rất dễ bị tái nhiễm do virus herpes "trốn" vào hạch thần kinh cạnh cột sống để tái phát khi có dịp, nhất là khi cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng, stress...
Theo Lao động
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.