(HNMCT) - Mùa xuân ở bản Nậm Hồng (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) bắt đầu khi cây đào rừng trước nhà bung nở những cánh hoa phớt hồng. Cộng đồng người Dao đỏ - chủ nhân của mảnh đất Nậm Hồng cũng hân hoan đón Tết truyền thống của dân tộc.
Rộn ràng không khí lễ hội
Cách trung tâm xã Thông Nguyên chỉ vài cây số, đường lên Nậm Hồng đã trải bê tông, nhưng làn đường nhỏ nên du khách thường được đội vận chuyển của Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp Nậm Hồng - viết tắt là Nậm Hồng CBT - phụ trách đưa đón.
Nậm Hồng là một điểm nhấn trong hành trình khám phá Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cùng với những địa danh nổi tiếng trải suốt 6 xã Bản Luốc, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ và Thông Nguyên. Thiên nhiên hùng vĩ với những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi, nơi mềm mại uốn lượn theo hình sóng và cánh cung, đến mùa lúa chín lại giống như một bức tường dát vàng bao bọc những ngôi nhà sàn giữa thung lũng. Đã quen với những cung đường lượn sóng, anh Triệu Mềnh Kinh, Chủ nhiệm Nậm Hồng CBT tự hào giới thiệu quê hương mình là một trong các làng văn hóa du lịch tiêu biểu của huyện, bà con đang nỗ lực xây dựng thương hiệu để du khách khi đến với miền biên ải Hà Giang đều không thể bỏ qua nơi này.
Từ Tết Dương lịch tới Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong bản, bà con đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian cho nhân dân và du khách tham dự. Những trò chơi đậm chất vùng cao như đánh cù, đẩy gậy nam nữ, bịt mắt đánh trống, qua cầu lắc nhận thưởng, shai mùi, shính sùi chủi, hái lộc đầu xuân..., đặc biệt nhất là lễ hội nhảy lửa, lễ cấp sắc truyền thống của người Dao đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân các dân tộc xã Thông Nguyên và khách du lịch ở Nậm Hồng.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Trưởng phòng Điều hành hướng dẫn viên Công ty Lữ hành Hanoitourist đặc biệt ấn tượng khi được đón năm mới 2020 ở giữa núi rừng biên cương xa xôi của Tổ quốc, tham dự lễ cấp sắc - lễ trưởng thành của đồng bào Dao tại Nậm Hồng. Lần đầu tiên đặt chân tới đây, người hướng dẫn viên kỳ cựu đặc biệt ấn tượng với vẻ đẹp từ cảnh quan, từ những giá trị văn hóa truyền thống mà theo ông là “không ồn ào nhưng mang lại cảm xúc tuyệt vời cho du khách”.
Háo hức chờ những mùa thu hoạch
Trong những năm qua, người dân đã biến “đặc sản” của Nậm Hồng - những ruộng bậc thang trùng trùng điệp điệp nối nhau giữa những triền núi Tây Côn Lĩnh và không gian văn hóa truyền thống của đồng bào Dao đỏ trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo. Theo ông Triệu Mềnh Kinh, đây là sản phẩm duy nhất trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang đăng ký vào danh mục “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). So với các sản phẩm OCOP của Hà Giang, Nậm Hồng có thế mạnh để phát triển các dịch vụ du lịch nông thôn, bán các sản phẩm, dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu...
Từ đầu những năm 2000, Nậm Hồng cùng với ba làng văn hóa, du lịch khác của huyện Hoàng Su Phì là Giàng Thượng, Phìn Hồ và Làng Giang trở thành điểm đến thường xuyên của khách du lịch quốc tế và trong nước. Thông qua dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái cộng đồng PanHou liên kết cùng Công ty lữ hành Khám phá, 4 hộ gia đình trong thôn được hỗ trợ vốn để cải tạo, nâng cấp nhà ở, mua sắm chăn ga, gối đệm để đón khách.
Từ khi bắt đầu làm du lịch, mọi người trong thôn bảo ban nhau sửa sang lại nhà cửa đón khách. Nhà có điều kiện dựng thêm phòng ốc và đều chú trọng tới dấu ấn truyền thống, tạo ra cho du khách một không gian vừa đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Dao, vừa thân thiện với môi trường. Từ năm 2015, Tổ chức Helvetas (Thụy Sĩ) đã tài trợ, chọn thôn Nậm Hồng tham gia Dự án tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng. Đến năm 2017, bà con trong thôn thành lập Nậm Hồng CBT với 37 thành viên, là đại diện các hộ gia đình trong thôn đứng ra làm đầu mối tiếp nhận, điều phối khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Số gia đình làm homestay trong thôn tăng lên 10 hộ, có thể đón những đoàn khách lớn.
Với du khách, Nậm Hồng đã tạo dựng được thương hiệu của một làng du lịch mang tính cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc người Dao đỏ. Các hoạt động du lịch được tổ chức chuyên nghiệp, từ đội vận chuyển đưa đón khách bằng xe máy, hoạt động lưu trú, ăn ở, trải nghiệm dịch vụ dệt vải, tắm nước lá, văn nghệ cho đến dẫn tour khám phá Hà Giang...
Anh Triệu Mềnh Quyên, thành viên của Nậm Hồng CBT chia sẻ, đến năm 2019, lượng khách tăng lên rõ rệt. HTX Du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp Nậm Hồng năm 2018 đón khoảng 900 lượt khách thì năm 2019 đã đón khoảng 1.500 lượt khách. Hiện tại, có 6 homestay trong thôn Nậm Hồng có thể đón 200 khách/đêm. Nhiều gia đình như gia đình anh Triệu Mềnh Kinh (Chủ nhiệm HTX), anh Triệu Mềnh Quyên đầu tư dựng thêm nhà sàn và các bungalow nghỉ riêng biệt cho du khách. Riêng với gia đình anh Quyên, năm 2018 mới chỉ đón khoảng 200 lượt khách thì đến năm 2019 đã đón trên 700 lượt khách.
Theo anh Triệu Mềnh Quyên, bà con đã đảm đương được các dịch vụ, từ ăn, nghỉ, trải nghiệm, khám phá văn hóa của dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc ở Hoàng Su Phì nói chung để phục vụ du khách. Huyện Hoàng Su Phì còn xây dựng quầy trưng bày sản phẩm hàng hóa và đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch tại thôn Nậm Hồng để cải thiện sinh kế cho bà con. Thống kê chung, nhờ du lịch cộng đồng, mỗi tháng, mỗi tổ viên HTX có thu nhập bình quân đạt khoảng 3 triệu đồng. Cùng với sản xuất nông nghiệp, bà con Nậm Hồng cũng chờ những “mùa vàng” của du lịch đến với thôn bản, mà hiện giờ là mùa xuân, khi hoa đào, hoa lê bung nở, hay mùa nước đổ đầu hè trên những thửa ruộng bậc thang bên sườn dãy Tây Côn Lĩnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.