Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân về nhớ chiến khu xưa...

Nguyễn Trọng Hùng| 20/01/2011 07:38

(HNM) - Đã 60 năm qua rồi kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) - Đại hội đầu tiên họp trong nước và duy nhất cho đến nay tổ chức ở ngoài Hà Nội - Kim Bình cũng như cả vùng chiến khu cách mạng Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã có nhiều đổi thay.

Khu di tích lịch sử Kim Bình.


Một lòng đi theo cách mạng
Sinh thời, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân - đã lên thăm Tuyên Quang, Kim Bình nhiều lần. Ông Sáu là đại biểu chính thức dự Đại hội lần thứ II của Đảng khi mới 29 tuổi.

Ông bảo, những ngày ở rừng Nà Loáng rất vui, nhưng chỉ toàn cán bộ, bộ đội, đại biểu với nhau ở theo đoàn trong những lán nhỏ nên được ra bến Trinh lấy lương thực, thực phẩm, được gặp đồng bào các dân tộc là ai cũng háo hức. Ông được đi nhiều lần, đấy cũng là một ưu tiên không phải ai cũng có. Mỗi lần ra bến Trinh lại được ngắm sông Gâm, được vào quán hàng để thưởng thức ngô nướng, ngô luộc, uống nước chè xanh và… hút thuốc lào. Trở lại bến Trinh, ông đã hỏi thăm đúng vào nhà chủ quán ngày kháng chiến. Cảnh cũ, người xưa, tay bắt mặt mừng thật cảm động. Ông hỏi rõ to: "Có thuốc lào không?" rồi cười lớn, thân tình như trở về quê. Chợt ông tỏ ý ái ngại khi thấy bà con ta vẫn còn nghèo, Kim Bình, Vinh Quang và cả Chiêm Hóa, Tuyên Quang vẫn nghèo…

Lần ấy, ông được đảng bộ, chính quyền địa phương đãi toàn món ăn dân tộc vùng Chiêm Hóa, trong đó có mắm cá ruộng, rượu chuối men lá. Nay Kim Bình đã được hỗ trợ, mắm cá ruộng và rượu chuối đã thành thương hiệu có tiếng vượt ra ngoài tỉnh...

Và, xin đừng quên, bên cạnh Kim Bình là Kiên Đài, nơi suốt những năm từ 1949 đến 1951, Bác Hồ, Bác Tôn, Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ cùng nhiều cơ quan, ban, ngành, đơn vị trung ương đã ở và làm việc để lãnh đạo kháng chiến và chuẩn bị cho Đại hội. Hiện đã xác định được 23 điểm di tích lịch sử quan trọng ở đây. Có thể kể trong số đó là hầm và lán ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Bác Tôn Đức Thắng ở thôn Khuôn Mạ (từ tháng 1 đến tháng 2-1951); Văn phòng Tổng Bí thư và nơi ở, làm việc của đồng chí Trường Chinh ở Khuôn Miềng (1950-1951); Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, nhà ở và làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Bản Tai (1950-1951); nơi ở và làm việc của đồng chí Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc ở thôn Nà Vả (1950-1951). Ở đây còn có di tích nhiều cơ quan như Ban Kinh tế Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Mặt trận Liên Việt, Ban Biên tập Báo Cứu Quốc, Nhà Xuất bản Sự Thật, Đoàn Cố vấn chính trị Trung Quốc, Bệnh viện Trung ương... Nhiều cơ quan ở đến năm 1952. Tại Bản Tai, ngày 3-2-1952, một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức.

Ông Ma Phúc Tiến, sinh năm 1930, dân tộc Tày, người Bản Khuây có mặt trong lễ mít tinh năm đó nhớ lại: "Đó là lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ. Bác đọc diễn văn khai mạc, Tổng Bí thư Trường Chinh đọc diễn văn kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam. Sau đó, Bác Tôn đọc diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm Ngày thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt và Ngày đoàn kết Việt - Miên - Lào". Khi ấy, ông là đại biểu của Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã. Đến giờ ông còn tiếc ngẩn ngơ vì không được chụp ảnh với Anh hùng Ngô Gia Khảm...

Thời xa xưa ấy, cả xã Kiên Đài (tên cũ là Kiên Quyết) mới có khoảng 50 nóc nhà, mỗi bản chỉ ba bốn hộ dân. Nhưng cách mạng về, năm 1950, xã đã thành lập được chi bộ đảng gồm 6 đảng viên do ông Ma Phúc Cường làm bí thư, 13 người vào du kích. Dân bản tin Đảng, yêu kính Cụ Hồ, dốc lòng dốc sức đi theo cách mạng. Khi được phát động, ai cũng hăng hái tham gia xây dựng "Quỹ Độc lập", "Đảm phụ quốc phòng". Năm 1951, xã có phong trào "Bán gạo cho Bác Hồ", dân các bản ùn ùn gánh lương thực tới Bản Tai, Khun Cúc để ủng hộ. Trong 2 năm (1950-1951), đồng bào Kiên Đài đã chắt chiu đóng góp được gần 1.000 con gà, vịt, hơn 14 tấn thóc, 10 con trâu, trên 50 con lợn và nhiều rau, măng, đậu các loại ủng hộ, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Ấy là chưa kể hàng nghìn mét vuông nhà ở, lán trại, hầm được xây dựng bằng chính tấm lòng của dân, với hơn 4.000 ngày công chặt gỗ, khai thác hơn 10.000 cây tre, hàng trăm nghìn tàu lá cọ...

Bừng sáng một vùng quê
Năm ngoái, Chủ tịch UBND xã Hà Văn Mậu (sinh năm 1971), người Tày Bản Vả nói với chúng tôi, Kiên Đài đã đổi thay nhiều nhưng vẫn còn nghèo, cả xã không có lấy một nhà dân nào xây gạch cả. Cũng có những căn nhà to, đẹp, nhưng là nhà sàn hoặc nhà cột gỗ bưng ván. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thế Nghĩa đếm mãi mà không nổi lấy mười đầu ngón tay hộ khá và giàu. Ở đây "nghèo toàn dân, toàn diện" mà! Thế Nghĩa buồn buồn nói, năm qua cũng giảm được 56 hộ nghèo, nhưng lại phát sinh thêm 32 hộ. Thật may là rừng chiến khu xưa và rừng trồng vẫn còn tới hơn 70% diện tích. Điện lưới, điện thoại, internet, đường giao thông đã về các bản. Tivi bắt sóng bằng "chảo".

Còn năm nay, trung ương đã, đang đầu tư lớn vào đây. Trường tiểu học đã xây xong cơ sở chính và ba phân hiệu. Trường THCS cũng đã hoàn thành rất khang trang. Trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia, vừa hoàn thành và đang lắp đặt thiết bị. Bác sĩ Nông Ngọc Tuyên, sinh năm 1970, người Tày ở thôn Chè Hon, khoe: "Tổng vốn xây dựng và trang thiết bị của trạm y tế hơn 3 tỷ đồng. Thuốc men được cấp từ hai nguồn, mỗi năm hơn 33 triệu đồng, bảo đảm chữa bệnh cho bà con. Mấy anh cán bộ xã nói, bác sĩ Nông Ngọc Tuyên là đảng viên xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", được khen thưởng. Gia đình anh cũng là một trong số ít hộ giàu của xã với bàn tay đảm của cô vợ Hoàng Thị Phương, người Cao Lan...

Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa Ma Phúc Đào, một người con của Kiên Đài khái quát cho tôi về tình hình kinh tế - xã hội, nghe thật ấn tượng. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp - nông, lâm nghiệp - thương mại, dịch vụ. Huyện đã hình thành Cụm công nghiệp An Thịnh, mới khởi công Nhà máy Thủy điện Chiêm Hóa. Nông nghiệp có những bước tiến mới với những vùng chuyên canh lạc, đậu tương, mía, cam. Nhiều đặc sản mới mang thương hiệu các địa phương trong huyện: Trâu ngố Hòa Phú, chè Khau Mút, mật ong Trung Hà, rượu chuối Cổ Linh (Kim Bình), mắm cá ruộng Kim Bình...

Đã qua thời "cháo bẹ rau măng", nhưng hương vị miền chiến khu xưa ai mà quên cho được. Còn nhớ, dân Tuyên về Hà Nội, quà thường là rượu ngô, rượu chuối, là bánh nẳng, bánh gai, là mật ong rừng, là mắm cá ruộng. Nói đến mắm cá ruộng, ai chứ, bác sĩ Tôn Thất Tùng và ông Hoàng Trường Minh mê lắm! Nhớ đến mắm cá ruộng là nhớ đến Tuyên, nhớ về Chiêm Hóa. Còn một thứ "đặc sản" nữa, nhưng không để bán mua, định giá được, đó là lòng dân thủy chung, son sắt với Đảng và Bác Hồ, với cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về nhớ chiến khu xưa...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.