Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân sắc

TUANPHONG| 28/01/2009 00:37

(HNM) - Xuân sắc tức thần sắc của mùa xuân, là cái phi vật thể. Song, cái phi vật thể đó lại do các hình tượng cụ thể hợp lại mà thành. Nên các nghệ sĩ đã thông qua vật thể mà ghi lại sắc xuân. Thi sĩ thì dùng lời mà vẽ cảnh sắc. Họa sĩ dùng màu và hình khối để ghi lại mùa xuân. Công việc ấy không mới mẻ gì, vì tự ngàn xưa các thi nhân tài tử đã làm, và làm thật hoàn mỹ.

(HNM) - Xuân sắc tức thần sắc của mùa xuân, là cái phi vật thể. Song, cái phi vật thể đó lại do các hình tượng cụ thể hợp lại mà thành. Nên các nghệ sĩ đã thông qua vật thể mà ghi lại sắc xuân. Thi sĩ thì dùng lời mà vẽ cảnh sắc. Họa sĩ dùng màu và hình khối để ghi lại mùa xuân. Công việc ấy không mới mẻ gì, vì tự ngàn xưa các thi nhân tài tử đã làm, và làm thật hoàn mỹ.

Xin bắt đầu từ thơ ca, và cũng chỉ xin nêu hai trường hợp. Đời Trần có bài thơ Xuân hiểu (Sớm mùa xuân) của Trần Nhân Tông:

Thụy khởi khải xong phi

Bất trí xuân dĩ quy

Nhất song bạch hồ điệp

Phách phách sấn hoa phi.

Nghĩa là:

Ngủ dậy mở cửa sổ

Ai hay xuân đã về

Một đôi bươm bướm trắng

Vỗ cánh nhào tới hoa.

Tác giả vừa thức dậy, vừa mới ngỏ cửa thì mùa xuân òa tới. Bàng hoàng, ngỡ ngàng nhìn ra ngoài trời, thấy đôi bướm trắng vỗ cánh bay tới bên hoa. Rõ ràng là ngòi bút của Nhân Tông đã “chụp” lại được sự vụt tới của mùa xuân qua hình ảnh đôi bướm thanh thoát đang bị hoa hút hồn, hẳn là hoa vừa hé nở khi mùa xuân ấm áp lại về. Đó là xuân sắc.

Sang đời Lê, có “bức thư tình” của Nguyễn Trãi. Đại văn hào này có bài thơ Nôm tứ tuyệt tả cây chuối vào mùa xuân, hai câu cuối viết:

Tình thư một bức phong còn kín

Gió nơi đâu gượng mở xem.

Tứ thơ hiện đại, nhà thơ thời nay mấy ai có được những tứ thơ như thế: nhìn cái đọt lá chuối còn cuộn tròn mà tưởng tượng đó là một phong thư tình còn dán kín. Phải đợi gió xuân về mà gượng nhẹ mở phong thư ra để xem. Bao tình tứ! Lá chuối non thành ra thông điệp tình yêu e ấp, chỉ nhẹ mở khi gió xuân về. Gió xuân, khác nào bạn tình! Hai câu thơ nôn nao xuân sắc là vậy.

Nguyễn Trãi còn một bài thơ Nôm vịnh hoa đào cũng vô cùng đặc sắc:

Một đóa hoa đào khéo tốt tươi

Tưởng xuân mơn mởn thấy xuân cười

Gió đông ắt có tình hay nữa

Kín tiễn mùi hương dễ động người.

Nhà thơ nhìn đóa hoa mơn mởn tươi tốt mà cảm thấy như mùa xuân đang cười. Xuân mỉm cười với ai? Với tác giả chăng? Chưa rõ, nhưng rõ một tứ thơ tuyệt diệu. Trước ông và sau ông, chưa ai có được tứ thơ tương tự. Rồi tác giả cảm thấy gió xuân như có tình ý (với mình?) nên kín đáo đưa lại cả mùi hương đâu đó làm lay động cõi lòng xôn xang trước cảnh xuân về.

Các nhà thơ đã vật thể hóa cái xuân sắc phi vật thể.

Bây giờ nói sang ngành họa. Các nghệ sĩ cũng từng thể hiện ý thơ ra cảnh tượng. Sắc xuân là trừu tượng, vậy mà họa sĩ tài ba vẽ cái trừu tượng ấy thật cụ thể. Sắc xuân thành vật thể lúc nào!

Chuyện kể rằng có một vị vua tài hoa, sành cả cầm, kỳ, thi, họa. Tết đến ông thường có một bài thơ, lẩy ra một câu, rồi cho các họa sĩ ở cục Bách tác thể hiện câu thơ đó rõ hình hài, màu sắc. Tết ấy, ông ra đề bằng câu thơ tả cảnh mùa xuân : “Vạn lục tùng trung nhất điểm hồng”, nghĩa là “trong vạn sắc xanh của rừng tùng có một điểm hồng”, rồi giao xuống cho các họa sĩ. Sau một thời gian nghiền ngẫm, rồi cũng có một người dâng lên bức họa. Họa sĩ ấy vẽ tỉ mỉ một rừng tùng, cây chen chúc mà thân, gốc, cành, lá tỉ tót chi li. Cả bức là một rừng tùng xanh thăm thẳm. Chính giữa tranh là một bụi phù dung hồng thắm. Thế là tất cả họa tiết đều sát câu thơ đề : giữa rừng tùng xanh thẳm hiện lên một màu hồng. Đã là sắc xuân rồi đấy!

Vua xem tranh, gật gù phán : Tranh vẽ rừng tùng rất thực, rất đẹp. Tán lá quả là mới hồi sinh sau tiết đông giá rét. Đáng khen, nhưng toàn cảnh lại không thực vì dưới gốc cây tùng không thể nào có bụi phù dung vì loài hoa này chỉ mọc ở nơi tráng nắng!

Thế là bức tranh không được chấp nhận.

Ít lâu sau, một họa sĩ lại dâng một bức khác. Bối cảnh cũng là rừng tùng xanh song ở giữa, ông không vẽ hoa mà vẽ một cô gái dựa lưng vào gốc tùng; xiêm cũng màu xanh (nhạt hơn một chút) nhưng áo thì màu hồng. Bức họa được dâng lên, lần này vua khen họa sĩ sáng tạo, nhờ hình tượng cô gái mà khoe màu hồng, song vua vẫn không hài lòng vì màu hồng của áo là một mảng chứ không phải là một điểm.

Bức tranh cũng bị loại.

Lại ít lâu sau, một họa sĩ khác dâng bức tranh mà bối cảnh cũng là rừng tùng nườm nượp xanh, giữa tranh cũng có một cô gái, xiêm y xanh, duy nhất chỉ có cặp môi tô đỏ. Vua hân hoan ra mặt, thưởng cho họa sĩ 10 nén vàng mười, lại khen họa sĩ là đã thể hiện được ý nhất điểm hồng.

Chuyện còn kể tiếp một bức tuyệt họa khác: cũng vào một ngày xuân, vua lẩy câu thơ Thưởng xuân quy lai mã đề hương, nghĩa là “thưởng xuân quay về với ngựa còn có hương thơm”, và cho họa sĩ vẽ thành tranh. Một họa sĩ dâng bức tranh có chàng trai trẻ khăn áo trễ tràng, cưỡi con ngựa bạch đi bước một trên con đường đầy hoa. Vua xem, phán rằng: chàng trai khăn áo trễ tràng thì có vẻ đang trên đường trở về từ một cuộc vui, nhưng cho ngựa giẫm lên ngàn hoa thì tội nghiệp cho hoa lắm. Bức vẽ quá phũ phàng!

Ít lâu sau, người ta dâng vua bức tranh khác vẽ một chàng trai trẻ, nhưng lần này chàng không trên mình ngựa mà đi bộ. Người bước thấp bước cao, tay cầm cương; ngựa cũng bước cao bước thấp. Cả người, ngựa len qua một rừng hoa muôn sắc màu. Vua xem, rồi phán: Họa sĩ đã vẽ ra rõ hơn cái ý “thưởng xuân quy lai”nhưng chưa rõ ý “mã đề hương” vì rừng hoa mà người ngựa đi xuyên qua thì chắc gì đã có hương. Không phải hoa nào cũng ngát thơm, vả lại cũng chưa lộ ý “hương vó ngựa”.

Thế là tranh này cũng bị loại.

Bức tranh thứ ba được dâng lên. Họa sĩ cũng vẽ một chàng trai đang dắt ngựa, dáng ngả nghiêng như đang ngấm hơi men. Ông không vẽ thảm hoa, cũng không vẽ rừng hoa, không vẽ một bông hoa, mà ông vẽ một đàn bướm đang bay quấn vào vó ngựa. Thì ra vó ngựa dính hương hoa, khiến lũ bướm lầm tưởng, bám theo toan hút nhụy. Thật thần tình, họa sĩ đã vẽ ra rất cụ thể cái vô hình là hương hoa. Khỏi nói, ai cũng đoán được, nhà vua hoàn toàn ưng ý. Đôi môi đỏ là màu xuân, đàn bướm bay theo là hương xuân.

Đó là hương sắc của ngày xuân.

Nguyễn Vinh Phúc

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuân sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.