Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân nơi bản Mường

Bài và ảnh: Chí Đạo| 21/01/2012 07:41

(HNM) - Xuân này, về với bản Mường thôn Hương, nơi xa nhất, nghèo nhất của xã Yên Trung và huyện Thạch Thất, chúng tôi được đi trên con đường bê tông khang trang, sạch đẹp. Xứ Mường Hương hôm nay đã khác nhiều, no ấm và đủ đầy hơn xưa.

Có điện, có đường, có nhà mới

Trong ngôi nhà mới còn thơm mùi vôi, anh Nguyễn Văn Mài vừa rót nước mời khách, vừa nói: "Có điện, có đường, có nhà mới, gia đình tôi vui lắm. Đón năm mới được đàng hoàng rồi". Căn nhà của anh Mài được xây dựng khang trang, có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước 25 triệu đồng và giúp đỡ từ bà con lối xóm. Còn anh Đinh Công Thắng, một chàng trai hoạt bát và có vẻ già hơn so với độ tuổi 31 vui mừng khoe: "Em đang thả cá giống. Lứa cá trước vừa thu xong, cũng được khoảng 50 triệu đồng. Ao cá rộng chừng hơn 3.000m2 cộng với mảnh vườn khoảng 2.000m2, trồng cây ăn quả đã trở thành nguồn thu nhập ổn định cho gia đình từ mấy năm nay”. Khi vào trong nhà, anh Thắng chỉ tay vào chiếc ti vi, nói: "Trước năm 2008, điện không có nên đài, ti vi là thứ xa xỉ. Giờ thì hầu như gia đình nào cũng sắm được, cuộc sống khác xưa nhiều lắm!".

Đường vào Yên Trung đang được đầu tư xây dựng.


Giữa lúc câu chuyện làm ăn, chuyện xóm làng đang râm ran thì cháu Đinh Công Danh, con trai anh Thắng đi học về. Lễ phép chào khách, cháu Danh chui tọt vào vòng tay của ông bố trẻ. Anh Thắng cho biết, cháu học lớp 4 ở Trường Tiểu học Yên Trung. Từ ngày có đường bê tông nối trung tâm xã với thôn, hằng ngày cháu tự mình đạp xe đi, về quãng đường dài 8km để đến lớp. "Trước kia thì không dám vậy, các gia đình phải đưa đón con đi học. Con đường độc đạo vào thôn phải qua mấy ngầm nước, đường đất lại quanh co, đến người lớn đi lại còn thấy ngại. Những ngày có mưa lớn, lũ đổ về, nguy hiểm luôn rình rập".

Kể về Tết của người Mường, bà Nguyễn Thị Xuân (70 tuổi) nói: "Tết người Mường Hương không thể thiếu bánh chưng xanh, bánh ống, bánh chéo kheo, bánh mật. Những thứ bánh làm từ gạo nếp thơm gieo trên nương và lá hái trên rừng. Xuân đến, bản Mường cũng mở hội với tiếng cồng, tiếng chiêng râm ran, trò chơi nam nữ ném còn, đẩy gậy, đánh đu, kéo co, bắn nỏ". Trong mạch hứng khởi, mệ Xuân cũng không quên kể lại một thời kỳ đầy gian khó của người Mường Hương: “Giờ kể lại có lẽ bọn trẻ không hình dung ra hoặc bảo già này nói lẫn. Trước kia, người Mường Hương đã phải khai hoang, làm đường đi lại vì cây cối, lau sậy rậm rạp, hoang vu, gần như không có đường mòn vào bản”.

Xóa nghèo và quyết làm giàu

Từ khi con đường được thảm bê tông, điện được kéo về, đời sống gần 200 người Mường thôn Hương đổi thay rõ rệt. Người Mường Hương hiện được hưởng lợi từ 2 con vai (đập) Đa Liếp và Gò Dọc. Người dân vẫn gọi đây là "2 công trình thủy lợi thế kỷ" vì hàng trăm năm qua, trồng lúa ở Mường Hương vẫn phải "nhờ trời" mới được "ăn". Từ khi hoàn thành, 2 công trình đóng vai trò giữ lại dòng nước ngọt tưới cho hơn 9ha đất nông nghiệp, bảo đảm sản xuất ổn định 2 vụ lúa, một vụ màu, năng suất mỗi hécta tăng thêm được 10 tạ thóc so với trước. Đứng ở vai Đa Liếp, phóng tầm mắt, thôn Hương nằm trọn trong một thung lũng nhỏ, cảnh đẹp ngỡ ngàng. Nhà văn hóa, trường mầm non vừa xây xong lăn sơn màu vàng sáng rực cả một góc bản. Hơn 100ha đất lâm nghiệp cũng giao đến từng hộ gia đình đã được trồng keo phủ kín màu xanh những quả đồi, ngọn núi. Cứ 5 năm một lần, những vạt rừng keo lại cho thu hoạch, nhiều hộ gia đình đã sống được bằng rừng.

Trao đổi với chúng tôi, khuôn mặt góc cạnh của Trưởng thôn Hương, Nguyễn Văn Định hoan hỷ hơn hẳn khi nói đến hộ nghèo trong thôn giảm chỉ còn 8 hộ/48 hộ, hộ khá tăng lên. Thu nhập bình quân cũng tăng gấp đôi từ khi bản Mường về với Thủ đô, từ 6,5 triệu đồng lên 13 triệu đồng/người/năm. Nhưng theo Chủ tịch UBND xã Yên Trung, Hoàng Phương, thay đổi lớn nhất ở thôn Hương là dân bản có điều kiện về hạ tầng để tiếp thu, tiếp cận thông tin, khoa học, kỹ thuật áp dụng vào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới. "Nhưng nói gì thì nói, Mường Hương vẫn là thôn đặc biệt khó khăn, thuộc diện hưởng chính sách 135 của Nhà nước. Đời sống của đồng bào vẫn phải dựa vào nguồn lực đầu tư từ bên ngoài là chủ yếu. Thôn Hương sẽ phải khơi dậy thế mạnh nông nghiệp, lâm nghiệp mà đột phá từ trang trại và trồng rừng" - Chủ tịch xã Hoàng Phương trăn trở. Trong những năm tới, thôn Hương sẽ tiếp tục phát triển phong trào trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, tích cực chuyển đổi cây trồng như trồng hoa, cây ăn quả, rau sạch... để tận dụng thế mạnh khí hậu, thổ nhưỡng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuân nơi bản Mường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.