Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân Nhâm Ngọ 1942 và hai thi phẩm đặc biệt của Bác Hồ

Nguyễn Văn| 31/01/2014 07:53

(HNM) - Trong di sản thơ Bác Hồ để lại cho chúng ta hôm nay, những bài thơ chúc tết độc đáo của Người có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó là sợi dây tình cảm thiêng liêng giữa lãnh tụ với nhân dân, làm đẹp thêm truyền thống văn hóa dân tộc.


Thơ chúc Tết của Bác gắn với từng bước đi, nhịp sống cách mạng và kháng chiến cứu quốc của dân tộc, cổ vũ tinh thần lạc quan trong sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta. Bởi vậy, mỗi độ Tết đến Xuân về, trong giờ phút giao thừa xúc động, trái tim của triệu triệu người Việt Nam lại thổn thức nghe giọng nói ấm áp thân thuộc và truyền cảm “Mấy lời thân ái, nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân” của Người.

Bài thơ chúc Tết đầu tiên

Trong hơn hai mươi bài thơ chúc Tết của Bác Hồ, chỉ có duy nhất một bài và đó cũng là bài đầu tiên được Bác viết trước Cách mạng Tháng Tám, khi Người còn ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đó là bài thơ chúc Tết Xuân Nhâm Ngọ 1942.

Sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 2-1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành TƯ Đảng ở Pác Bó, Cao Bằng (từ ngày 10 đến 19-5-1941). Hội nghị có ý nghĩa quyết định hướng phát triển của cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - 1945. Đặc biệt, tháng 10-1941, Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) ra đời, công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ: “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước đặng cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng nên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Văn kiện Đảng 1930-1945 - tập 3, trang 448).

Dưới ngọn cờ Việt Minh, mọi công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền tại các vùng cứ địa cách mạng được triển khai gấp. Các hội cứu quốc, các đội tự vệ chiến đấu được thành lập; nhiệm vụ huấn luyện quân sự được đẩy mạnh. Địa bàn hoạt động của lực lượng cách mạng mở rộng khắp Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Vĩnh Yên... Ở Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng, phong trào đấu tranh chống bắt lính, bắt phu, chống cướp đất, chống thu thóc tạ, đòi tăng lương, cải thiện đời sống... phát triển. Chính không khí cách mạng sôi động đó đã khơi nguồn thi hứng để bút lực của Bác dồi dào; vì thế, chỉ trong khoảng hơn một năm rưỡi, Người đã dịch “Lịch sử Đảng Cộng sản (B) Liên Xô”, dịch “Phép dùng binh của Tôn Tử”, soạn cách đánh du kích, kinh nghiệm du kích Tàu, kinh nghiệm du kích Pháp, viết báo Việt Nam Độc lập... Đặc biệt, Người đã viết khoảng 30 bài thơ cổ động, trong đó có tập Diễn ca “Lịch sử nước nhà” dài 208 câu lục bát; trong đó phần kết của Diễn ca nhắc đến 30 mốc lịch sử dân tộc rất quan trọng.

Và đương nhiên, bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác: “Xuân Nhâm Ngọ 1942” cũng đã ra đời trong nguồn cảm hứng thi ca đó, đã truyền thêm sức mạnh, cổ vũ tinh thần cách mạng cho nhân dân:

“Tháng ngày thấm thoắt chóng như thoi
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi;
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt Minh ta càng tiến tới,
Chúc toàn quân ta trong năm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới.
Năm này là năm Tết vẻ vang
Cách mệnh thành công khắp thế giới”.

Diễn ca “Lịch sử nước ta”

Đúng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ (tháng 2-1942), giữa rừng Pác Bó, Cao Bằng, Việt Minh tuyên truyền Bộ đã ấn hành và ra mắt lần đầu tiên Diễn ca “Lịch sử nước ta” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Bức tranh lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta đã được Bác Hồ chọn lọc, giới thiệu, khái quát một cách chính xác thông qua những nhân vật, những sự kiện lịch sử chân thực, khách quan. Qua đó nêu bật truyền thống yêu nước, bất khuất và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam từ thời vua Hùng dựng nước (năm Nhâm Ngọ 2879 trước Công nguyên) và kết thúc Diễn ca bằng mốc lịch sử có tính dự báo: “1945 - Việt Nam độc lập”. Câu đầu tiên của Diễn ca, Bác Hồ đã nêu rõ: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”... và Người chọn thơ lục bát làm phương tiện thể hiện và khéo léo chuyển tải kiến thức lịch sử cơ bản đến người dân (vì khi đó hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ và đói nghèo) thông qua 208 câu lục bát dung dị, dễ nhớ và dễ thuộc. Qua đó nắm được bài học kinh nghiệm cốt tử - như Bác Hồ đã khẳng định ở hai câu thơ kết thúc phần diễn ca của tác phẩm: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Ðồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Chính niềm tin vào truyền thống của dân tộc và sức mạnh đoàn kết của toàn dân chắc chắn đưa cuộc đấu tranh đến thành công, nên Bác đã tiên đoán: “1945 - Việt Nam độc lập!”. Quả đúng như vậy: Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình rực rỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dõng dạc đọc Tuyên ngôn Độc lập, công bố trước thế giới một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đã ra đời...

Giá trị thực tiễn lớn lao của tác phẩm “Lịch sử nước ta” chính là ở sự kết hợp giữa yêu cầu khoa học và nghệ thuật, truyền tải thông điệp: Nên học lịch sử dân tộc, vì lịch sử dạy cho ta bài học “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do” (Bác Hồ viết đăng trên báo Việt Nam Độc lập - số 117, ngày 1-2-1942). Diễn ca “Lịch sử nước ta” được lấy làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở Chiến khu, được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhằm ôn lại truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc. “Lịch sử nước ta” còn là một tác phẩm giá trị cả ở góc độ sử học và văn học, là bài học quý báu trong việc biên soạn sách giáo khoa giảng dạy môn lịch sử các cấp phổ thông hiện nay, đặc biệt là học tập phương pháp viết và dạy lịch sử của Bác.

Giáp Ngọ 2014 này, toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong Xuân mới đang về, đọc lại bài thơ chúc Tết Nhâm Ngọ 1942 và Diễn ca “Lịch sử nước ta” của Bác Hồ, mỗi người Việt Nam càng hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, một sử gia vĩ đại của dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuân Nhâm Ngọ 1942 và hai thi phẩm đặc biệt của Bác Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.