Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xứ sở Hoa hồng trước vòng xoáy bất ổn

Thùy Dương| 12/12/2016 06:34

(HNM) - Cuộc bầu cử Tổng thống Bulgaria hồi tháng 11 vừa qua với thất bại của ứng cử viên Tsetska Tsacheva của đảng Công dân vì sự phát triển Châu Âu của Bulgaria (GERB) - đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Boyko Borisov - đang kéo xứ sở Hoa hồng vào vòng xoáy bất ổn mới.

Trong ba tuần vừa qua, Tổng thống Rosen Plevneliev đã cố gắng gặp gỡ, thương thuyết với các đảng phái lớn trong Quốc hội với hy vọng đạt được một thỏa thuận thành lập chính phủ mới. Nhưng những nỗ lực của nhà lãnh đạo này trở nên vô nghĩa khi đảng GERB và đảng Xã hội chủ nghĩa Bulgaria (BSP) lần lượt từ chối đề nghị. Sau các cuộc gặp gỡ và thương lượng, ông R.Plevneliev hy vọng thẩm quyền thứ ba và cũng là thẩm quyền cuối cùng mà Tổng thống được phép theo luật định sẽ được khối Cải cách (RB), một liên minh trung - hữu tại Bulgaria, chấp nhận vào hôm nay (12-12).

Những bất ổn trên chính trường đang đưa Bulgaria vào vòng xoáy khủng hoảng mới.


Tuy nhiên, kế hoạch này dường như không khả thi khi đại diện của RB vừa lên tiếng từ chối. Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp các thành viên của khối RB tại Quốc hội hôm 9-12, ông Nayden Zelenogorski, đồng Chủ tịch nhóm các nghị sĩ khối này tại Quốc hội cho biết, RB sẽ trả lại thẩm quyền thành lập chính phủ mới ngay khi nhận được quyết định từ Tổng thống vào ngày 12-12. Theo ông N.Zelenogorski, khối này không có được sự ủng hộ đa số cần thiết tại Quốc hội để thành lập nội các mới. Một ngày trước đó, RB nhận được cam kết ủng hộ của liên minh Mặt trận yêu nước dân tộc (PF), nhưng bị đảng GERB "quay lưng".

Hơn thế nữa, ông N.Zelenogorski nói rằng, những bất đồng giữa RB và PF vẫn chưa thể xóa hết. Nếu khối này từ chối thẩm quyền của Tổng thống theo như tuyên bố, ông R.Plevneliev dự kiến sẽ cử ra một chính phủ tạm quyền điều hành đất nước và là chính phủ quá độ thứ ba trong vòng 5 năm nhiệm kỳ của ông. Chính phủ mới sẽ được lập ra sau khi cuộc bầu cử Quốc hội sớm được tổ chức ở Bulgaria. Dự kiến, Tổng thống đắc cử Rumen Radev do đảng BSP hậu thuẫn sẽ tuyên bố tổng tuyển cử ngay sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 22-1 tới.

Trong khi đó, sự kiện ứng cử viên đảng Xã hội R.Radev đắc cử Tổng thống Bulgaria đã cho thấy một ngã rẽ đáng chú ý của quốc gia Đông Nam Âu này. Cũng như nhiều quốc gia khác, chính sách đối ngoại của Sofia nghiêng hẳn về phương Tây sau khi hệ thống chính trị cũ sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô trước đây. Bulgaria đã lần lượt gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2004 và trở thành thành viên Liên minh Châu Âu (EU) năm 2007. Bất chấp sự phản đối của Nga với chiến lược Đông tiến của NATO, Bulgaria ngày càng thắt chặt quan hệ đồng minh với liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này khi luôn đi đầu trong các hoạt động như tập trận và “mở cửa” các căn cứ quân sự để hàng nghìn quân Mỹ cùng vũ khí hạng nặng tới triển khai.

Trong bối cảnh đó, ứng cử viên đảng Xã hội R.Radev như “ngược dòng” khi công khai khẳng định quan điểm duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga. Còn bà Tsacheva, ứng cử viên được Thủ tướng B.Borisov ủng hộ mạnh mẽ, đã thẳng thừng tuyên bố giai đoạn Bulgaria phụ thuộc vào Liên Xô là “quá khứ” của đất nước. Thế nên, không ngạc nhiên khi ông R.Radev giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai, Thủ tướng B.Borisov đã tuyên bố từ chức khi thấy đường lối mà đảng GERB cầm quyền theo đuổi “không phù hợp với ý nguyện của đa số cử tri” Bulgaria.

Mặc dù nhận được sự ủng hộ của người dân nhưng Tổng thống mới đắc cử R.Radev sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, trước hết là vực dậy nền kinh tế thuộc diện nghèo nhất EU cũng như trung hòa mối quan hệ giữa Nga và EU. Việc ông R.Radev nhiều lần lên tiếng ủng hộ dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Mátxcơva liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã khiến giới phân tích cho rằng ông sẽ thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với điện Kremlin.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này chắc chắn cũng không muốn làm tổn hại đến mối quan hệ với NATO và EU vì điều đó sẽ tác động lớn đến sự hỗ trợ dành cho Bulgaria. Tuy nhiên, dù Tổng thống đắc cử R.Radev cam kết Bulgaria vẫn sẽ là một thành viên của NATO và ủng hộ Châu Âu, song các nhà phân tích vẫn lo ngại quốc gia này có thể rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị mới trong giai đoạn ngã rẽ hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xứ sở Hoa hồng trước vòng xoáy bất ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.