(HNM) - Nhiều năm nay, các cơ quan thông tin đại chúng đã lên tiếng về việc nghề tái chế thùng phuy tại khu vực chân cầu Mai Lĩnh (phường Đồng Mai, quận Hà Đông) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân,
Nước thải nguy hại vẫn được các hộ làm nghề tái chế thùng phuy xả thẳng ra sông Đáy từ nhiều năm nay, không bị xử lý. |
Ngày 18-3, phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại khu vực chân cầu Mai Lĩnh - nơi người dân vẫn gọi là "xóm thùng phuy" tồn tại hàng chục năm nay, thuộc tổ dân phố 5, phường Đồng Mai. Ngay từ đầu dốc đê tả sông Đáy đi xuống xóm, có rất nhiều xe tải lớn, nhỏ đỗ dọc đường, bên trên xe chất đầy thùng phuy đã qua sử dụng được tập kết về đây. Đi sâu vào xóm, có đến cả nghìn chiếc thùng phuy xếp ngay ngắn dọc đường đi, cao ngất như "núi", vi phạm nghiêm trọng hành lang giao thông. Theo các hộ dân sinh sống tại đây, nước thải, chất thải từ hoạt động tái chế thùng phuy là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng môi trường nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù trời nắng nhưng một số đoạn đường trong "xóm thùng phuy" này luôn trong cảnh nhơm nhớp dầu mỡ, bụi bẩn. Tiếng búa của công nhân đục, đầm phẳng thùng phuy liên tục kêu vang, chát chúa khiến ai đi qua cũng thấy inh tai, nhức óc, khó chịu.
"Xóm thùng phuy" có khoảng chục hộ dân sinh sống. Trước đây có 3 hộ làm nghề tái chế thùng phuy nhưng nay còn hộ bà Nguyễn Thị Vân, ông Nguyễn Đắc Hiếu. Thùng phuy sẽ được đục, đầm phẳng thành các tấm tôn sau đó được đem đi tẩy, rửa. Toàn bộ nước thải, chất thải sau ngâm, rửa không được xử lý mà được các hộ xả thẳng xuống sông Đáy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quan sát tại khu vực ngâm, rửa của hộ bà Vân, chúng tôi nhận thấy có các bể chứa được đậy nắp kín mít. Xung quanh khu vực bể chứa và phía sông Đáy đầy rẫy rác thải ô nhiễm, nước thải đặc quánh, màu xanh xả thẳng xuống sông. Để che mắt các cơ quan chức năng, hộ bà Vân đã che các bể chứa này bằng những tấm tôn.
Theo các hộ dân sống quanh khu vực, từ khoảng 6h sáng đến 11h trưa hằng ngày, công nhân mở nắp bể lấy các tấm tôn lên rồi rửa sạch, sau đó lại đổ hóa chất, cho tôn mới vào ngâm tiếp. Lúc mở bể ngâm, rửa hàng là lúc môi trường ô nhiễm trầm trọng. Mùi hắc nồng bốc lên nồng nặc khiến tất cả các hộ sống gần đó phải đóng cửa, bật quạt, đeo khẩu trang. "Từ ngày nghề tái chế thùng phuy phát triển, môi trường nơi đây ô nhiễm nặng, các hộ dân chúng tôi không dám sử dụng nước giếng khoan để ăn mà phải hứng nước mưa để dùng. Nhiều người trong xóm mắc các bệnh về da, hô hấp, xoang, ho. Khổ nhất là đám con trẻ và người già, họ thường xuyên bị chảy nước mũi, nước mắt… Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm do tái chế thùng phuy gây ra nhưng đến nay chưa được quan tâm" - một người dân trong xóm bức xúc.
Tìm hiểu được biết, trước thực trạng trên, UBND phường Đồng Mai đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở các hộ tái chế thùng phuy có biện pháp bảo vệ môi trường, nhưng các hộ không chấp hành, cố tình vi phạm. Đáng nói, trong năm 2012, 2013, các tổ công tác của UBND quận Hà Đông, Công an thành phố Hà Nội đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, xử phạt hành chính đối với hộ bà Vân, ông Hiếu với các hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại; không có bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các hộ chấm dứt ngay hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép ra môi trường; chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng quản lý theo quy định… Thế nhưng, suốt từ năm 2012, 2013 đến nay, hộ bà Vân, ông Hiếu vẫn tiếp tục thực hiện hành vi xả nước thải nguy hại ra môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.
Chẳng lẽ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng lại bó tay trước hành vi cố tình tái phạm của các hộ làm nghề tái chế thùng phuy tại phường Đồng Mai?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.